Một lần nữa, vấn đề này lại gây sốt khi Báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 45 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam (TRAC Việt Nam 2018) vừa được Tổ chức Hướng tới minh bạch công bố cho thấy, thực trạng công bố thông tin của các “ông lớn” chưa được như kỳ vọng.
Theo Báo cáo TRAC Việt Nam 2018, việc công khai thông tin về các chương trình phòng chống tham nhũng còn rất thấp, thể hiện ở thực tế là hơn 50% trong tổng số 45 DN lớn thuộc phạm vi khảo sát không công khai bất kỳ thông tin nào về khía cạnh này.
Đặc biệt, số DN nhà nước đạt điểm thấp nhất cho thấy, việc công bố thông tin về phòng chống tham nhũng còn hết sức hạn chế. Trong khi đó, phần lớn DN FDI có kết quả công bố thông tin tốt hơn bởi phải tuân thủ theo các quy định của công ty mẹ.
Cụ thể, 3 DN có điểm số cao nhất đạt 81% đều là DN FDI bao gồm Samsung Electronics Việt Nam, Unilever Việt Nam và Nestle Việt Nam. Những tên tuổi trong nước có điểm số cao nhất gồm Vinamilk (42%), VPBank (38%) và Vietcombank (35%).
Trong khối DN nhà nước, EVN được xếp hạng là DN công bố thông tin tốt nhất dù mức điểm khá thấp là 27%.
Bức tranh công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia của 45 DN lớn nhất tại Báo cáo năm nay cũng không có chuyển biến tích cực so với năm ngoái.
Theo bà Nguyễn Kim Liên, Cố vấn Quốc gia của Tổ chức Hướng tới minh bạch, trong số 18 DN lớn nhất có hoạt động bên ngoài Việt Nam được khảo sát, không có DN nào công khai tài chính cơ bản tại các quốc gia DN đang hoạt động, chỉ riêng MobiFone cung cấp thông tin về đóng góp cho cộng đồng Việt Nam.
Bên cạnh đó, Báo cáo ghi nhận những tiến bộ đáng chú ý, trong đó, tình trạng minh bạch về tỷ lệ sở hữu, cấu trúc và danh sách các công ty con của DN năm nay được đánh giá là có cải thiện tích cực với 10/15 DN đạt điểm 100%, 5 DN còn lại đều đạt điểm trung bình.
Nguyên nhân là Việt Nam đã ban hành các quy định về công khai thông tin đối với DN nhà nước và công ty đại chúng về tỷ lệ sở hữu, cấu trúc và danh sách các công ty con.
Tuy nhiên, đáng chú ý là Trường Hải - DN sản xuất ô tô tư nhân lớn nhất Việt Nam lại nằm ngoài 15 DN lớn có điểm số tích cực về công khai tỷ lệ sở hữu, cấu trúc và danh sách công ty con, trong khi DN viễn thông lớn nhất Viettel đạt kết quả kém nhất với điểm số 10%.
Các DN khác như Saigon Petro và Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, vốn là nhóm DN có điểm số thấp năm ngoái, cũng chưa có chuyển biến đáng kể trong năm nay.
Bà Mai Thị Kiều Viễn, Giám đốc tổ chức Hướng tới minh bạch cho rằng, thực trạng công bố thông tin của các DN lớn nhất Việt Nam năm nay cho thấy có sự cải thiện, nhưng còn chậm chạp, chưa đáp ứng tiêu chuẩn thông lệ quốc tế.
“Việc không công khai thông tin, chậm chuyển biến trong cải thiện tình trạng công bố và minh bạch hóa thông tin DN sẽ khiến các bên liên quan hoài nghi về cam kết của DN trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, về hoạt động, quản trị, cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của DN. Mặt khác, việc kém minh bạch các thông tin tài chính cơ bản theo chế độ báo cáo quốc gia là tình trạng đáng lo ngại, vì đây là công cụ để cơ quan nhà nước, báo chí và công chúng giám sát thực hiện minh bạch tài chính của DN và xử lý các vấn đề liên quan, trong đó có vấn đề trốn thuế của DN lớn.
Trong thời gian tới, nhà nước cần ban hành các quy định nhằm khuyến khích DN thực hiện công khai thông tin liên quan”, bà Viễn khuyến nghị.
Bên cạnh đó, bà Viễn cho rằng, tất cả các chủ thể bao gồm cơ quan nhà nước, tổ chức ngoài nhà nước, bao gồm cả hiệp hội DN cần đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy công khai thông tin của DN, không chỉ đẩy trách nhiệm này cho riêng DN.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đề nghị phải làm rõ việc công khai song song với minh bạch thông tin, vì hiện nay phổ biến tình trạng DN có công khai nhưng thông tin lại không minh bạch, chỉ mang tính đối phó.
Chẳng hạn, công khai tổng thu chi một cách qua loa, nhưng không chi tiết chi tiêu như thế nào. Thậm chí còn xảy ra tình trạng DN đóng hai vai trong vòng xoáy này, khi vừa là nạn nhân bị sách nhiễu, bắt buộc phải chi lót tay và vừa là thủ phạm khi thực hiện hành vi đút lót, hối lộ.