Minh bạch giá vé máy bay

0:00 / 0:00
0:00
Việc đích thân Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thắng ký văn bản yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay nội địa của các hãng hàng không đang thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và các đơn vị lữ hành.
Minh bạch giá vé máy bay

Theo yêu cầu của người đứng đầu ngành giao thông, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không phải kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có); đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng tăng giá vé trái quy định.

Được biết, tình trạng giá vé máy bay nội địa, đặc biệt là từ TP.HCM, Hà Nội tới các địa phương, các điểm du lịch tăng cao xuất hiện từ cuối năm 2023 đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong các dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua.

Điều này khiến không ít người dân đặt câu hỏi: “Có hay không các hãng bay gặp khó khăn về dòng tiền sau đại dịch Covid-19 bắt tay cùng đẩy vé giá cao để bù đắp lại các khoản thua lỗ?”. Những thông tin trên - một khi chậm được các cơ quan chức năng làm rõ - sẽ càng khiến khiến nghi vấn tăng lên, dù lãnh đạo các hàng bay đã nhiều lần đăng đàn giải thích.

Cần nói thêm rằng, về nguyên tắc, các hãng hàng không Việt Nam hiện xây dựng sản phẩm, dịch vụ và giá vé máy bay nội địa trong khung giá quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT, ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT, ngày 30/11/2023 và các quy định pháp luật có liên quan, bảo đảm phù hợp với nhu cầu của hành khách và thị trường trong từng giai đoạn.

Trong khi đó, các hãng hàng không đều khẳng định đang tuân thủ đúng quy định của các cơ quan chức năng về giá vé máy bay nội địa. Việc một số hãng ghi nhận các khoản lợi nhuận sau thuế trong một số quý gần đây đều đến từ việc thị trường hàng không quốc tế phục hồi - nơi các hãng được tự quyết về giá vé, thậm chí được phép phụ thu nhiên liệu nếu thấy cần thiết.

Trên thực tế, hoạt động vận tải hàng không, đặc biệt là vận tải hàng không nội địa đang chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các yếu tố mang tính mùa vụ.

Việc giá vé máy bay tăng giá trên một số chặng bay trong các giai đoạn cao điểm như dịp nghỉ lễ, Tết hay mùa du lịch hè là phù hợp với quy luật cung - cầu thị trường khi các hãng hàng không phải bù đắp chi phí khai thác cho các chuyến bay chuyển sân hoặc chuyến bay có hệ số sử dụng ghế thấp ở chiều ngược lại. Bên cạnh đó, trong giai đoạn hiện nay, những khó khăn trong hoạt động khai thác của các hãng hàng không, cụ thể với việc giảm số lượng tàu bay khai thác, đã tác động đến tải cung ứng. Điều này vô hình trung tác động đến chênh lệch cung - cầu khi vào mùa cao điểm và do đó, thị trường sẽ có những điều tiết trực tiếp lên giá vé máy bay.

Điều đáng lo ngại là, xu hướng tăng giá vé máy bay trên thế giới và trong nước vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn tăng cao trong thời gian tới. Ngoài giá nhiên liệu, lãi suất, tỷ giá và nhiều yếu tố đầu vào khác đang ở mức cao, tình trạng thiếu hụt tàu bay trên diện rộng xảy ra với các hãng hàng không trên thế giới còn tiếp diễn trong bối cảnh việc thuê, mua để bù đắp lượng thiếu hụt chưa thể thực hiện tức thì.

Tại Việt Nam, dự kiến trong giai đoạn cao điểm hè 2024 (từ tháng 6 đến hết tháng 8/2024), các hãng bay sẽ khai thác 178 máy bay (đã bao gồm số máy bay dự kiến thuê có tổ bay, không có tổ bay), giảm 38 chiếc so với hè năm 2023. Tải cung ứng trong giai đoạn này dự kiến khoảng 21,5 triệu ghế, trong đó các hãng bay Việt Nam cung ứng khoảng 16,5 triệu ghế, giảm 3,5 triệu ghế so với cùng kỳ hè năm 2023. Mức giảm lớn về nguồn cung này chắc chắn sẽ tác động rất lớn tới giá vé tại thị trường hàng không nội địa.

Trong bối cảnh đó, việc các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá của các hãng hàng không, tránh tình trạng tăng giá vé trái quy định, đặc biệt là dịp cao điểm hè sắp tới, trên nguyên tắc hài hòa lợi ích, quyền lợi của doanh nghiệp và nhu cầu của người dân là rất cần thiết.

Ở góc độ khác, nỗ lực của các hãng bay nhằm phối hợp với các cơ quan quản lý, hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng minh bạch việc xây dựng các dải giá vé đưa ra thị trường còn góp phần bảo vệ uy tín doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp xóa bớt những đồn đoán bất lợi về hiện tượng “giá vé bủa vây hành khách” khi giai đoạn cao điểm hè 2024 đang đến rất gần.

Bảo Như
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục