Miền Trung: Đến tương lai bằng đại lộ

0:00 / 0:00
0:00
Hầu như cứ mỗi độ Xuân sang, miền Trung lại đón thêm những công trình hạ tầng giao thông quan trọng, bên cạnh những công trình chiến lược hiện hữu.
Nút giao thông Khu kinh tế mở Chu Lai Nút giao thông Khu kinh tế mở Chu Lai

Cánh cửa đến tương lai càng rộng mở hơn khi những dự án cao tốc đường bộ, đường sắt, đường hàng không tầm cỡ xuyên quốc gia, khu vực, kết nối quốc tế đang tiếp tục được đầu tư với quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn…

Cú hích từ tuyến ven biển

Các đại biểu tham dự Diễn đàn Giải pháp phát huy sức mạnh miền Trung trong giai đoạn mới do Ban Kinh tế Trung ương, Ban Điều phối Vùng Duyên hải miền Trung tổ chức tại TP. Đà Nẵng 7 năm trước có lẽ còn nhớ những ý tưởng và hiến kế xác đáng của TS. Trần Du Lịch (Trưởng nhóm Tư vấn Phát triển Vùng miền Trung, hiện là thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ). Từ những đề xuất này, soi chiếu vào thực tế, đã có nhiều dự án được triển khai, tạo tiền đề phát triển mạnh các loại hình kinh tế ở miền Trung.

Trong những giải pháp đưa ra, TS. Trần Du Lịch đề nghị xem Vùng Duyên hải miền Trung là địa bàn trọng điểm để thực hiện chiến lược kinh tế biển của đất nước. “Trong đó, tập trung vào 3 nhóm ngành kinh tế chính là ngư nghiệp, du lịch biển - đảo và khu kinh tế ven biển. Cần đưa các nội dung trên thành những chương trình quốc gia để phát triển với lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nếu chúng ta xem kinh tế biển là chiến lược phát triển quốc gia, thì miền Trung phải là chiến lược của chiến lược”, TS. Trần Du Lịch khuyến nghị.

Đường dẫn phía Bắc vào hầm Hải Vân
Đường dẫn phía Bắc vào hầm Hải Vân

Góp thêm vào những kiến nghị xác đáng này, cũng tại Diễn đàn,

PGS-TS. Trần Đình Thiên (khi đó là Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) cũng cho rằng, chừng nào miền Trung với vị trí là “xương sống quốc gia” chưa “cất cánh”, thì cả nước cũng không thể bay lên, dù miền Bắc và miền Nam là hai đầu tàu mạnh. Vì vậy, để kinh tế cả nước “cất cánh”, cần phải dành cho công cuộc phát triển miền Trung một sự quan tâm đúng tầm. Theo PGS-TS. Trần Đình Thiên, “mặt tiền” miền Trung có những cảng biển, bãi biển đẹp là điều kiện nền tảng để hình thành các đô thị biển có đẳng cấp. Đây là “mỏ vàng vô tận” riêng có của duyên hải miền Trung.

Không phải ngẫu nhiên mà hai chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam có những ý tưởng và đề xuất cụ thể, góp phần không nhỏ vào hoạch định chiến lược để vực dậy một miền Trung “nhà giàu”, nhưng vẫn tụt hậu khá xa so với hai đầu đất nước. “Đường bờ biển dài và cảng nước sâu là lợi thế vượt trội của miền Trung trong thu hút đầu tư và là tiền đề để xây dựng các khu kinh tế. Đây chính là yếu tố then chốt hình thành nên tuyến ven biển quốc gia để thực hiện chiến lược kinh tế biển”, TS. Trần Du Lịch đánh giá.

Từ lợi thế tuyến ven biển, sự xuất hiện của các dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt của miền Trung. Đó là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), Khu liên hợp Luyện cán thép Formosa Hà Tĩnh, Khu liên hợp Hòa Phát - Dung Quất. Đặc biệt, Khu phức hợp Ô tô Chu Lai - Trường Hải tại Quảng Nam là trung tâm công nghiệp ô tô duy nhất của cả nước, hằng năm đóng góp vào ngân sách gần 20.000 tỷ đồng.

Những bất lợi về thời tiết tại miền Trung cũng đang trở thành tiềm năng đem lại giá trị đầu tư cao, khi được khuyến khích bởi các cơ chế linh hoạt, hiệu quả của Nhà nước. Tại những vùng nắng nóng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, đang dần hình thành các dự án điện mặt trời, điện gió. Hàng loạt dự án được đầu tư thời gian qua của các tập đoàn trong và ngoài nước có thương hiệu quốc gia và quốc tế đã và đang xây dựng nên ngành công nghiệp năng lượng tái tạo vững chắc cho Việt Nam, tạo làn sóng đầu tư mới, bền vững trong tương lai.

Hưởng lợi từ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Từng bước giải quyết bài toán giao thông theo lộ trình và chiến lược đã được tính toán, sau khi tuyến ven biển được đầu tư, Quốc lộ 1A được mở rộng, thì tuyến cao tốc lập tức được bố trí vốn, mở ra cơ hội mới để miền Trung tiếp tục bước lên những đại lộ, mở cánh cửa tương lai.

Ở miền Trung, không kể lợi thế về thời gian di chuyển so với Quốc lộ 1 hiện hữu, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã và đang tạo động lực phát triển kinh tế cho Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Với 140 km, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã liên kết Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp của Đà Nẵng, tạo điều kiện trao đổi hàng hóa, đón tiếp nhà đầu tư và hiện thực hóa chuỗi logistics hàng không - đường biển - đường bộ.

Tuyến cao tốc La Sơn (Thừa Thiên Huế) - Túy Loan (Đà Nẵng) cũng sẽ được khánh thành, đưa vào sử dụng nay mai, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế thực hiện tầm nhìn quy hoạch đối với các dự án công nghiệp, đô thị và cảng biển.

Tiếp tục nối dài tuyến cao tốc, 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây đã được chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công và đã được khởi công xây dựng.

Ngoài 3 dự án trên, miền Trung còn có các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam khác (Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo). Các dự án này đang được nỗ lực thực hiện nhằm đáp ứng mục tiêu hoàn thành toàn bộ 11 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 vào năm 2023, như chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ.

Một điểm chung của phần lớn dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam dài hơn 650 km nói trên là đều được xây dựng mới, đồng bộ và nằm trọn trong địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Nói cách khác, các tỉnh miền Trung sẽ là những địa phương được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến cao tốc huyết mạch này.

Bên cạnh đó, nếu quyết tâm dồn nguồn lực lên tới hơn 150.000 tỷ đồng trong 5 năm tới để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Cửa khẩu Hữu Nghị tới Cần Thơ, thì các tỉnh miền Trung cũng sẽ có thêm khoảng 700 km đường cao tốc nữa, biến tuyến cao tốc Bắc - Nam thực sự trở thành tuyến hạ tầng động lực trục dọc rất lớn, góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của khu vực.

Gần đây, khu vực miền Trung đã nhận được sự đầu tư rất lớn về hạ tầng từ Trung ương, trong đó, Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư tới 35% lượng vốn được Chính phủ phân giao giai đoạn 2016 - 2020 cho các dự án hạ tầng lớn tại khu vực này. Với số lượng sân bay, cảng biển, đường cao tốc đã và sẽ đầu tư trong 5 năm tới, miền Trung sẽ là khu vực có mật độ công trình giao thông dày đặc và đồng bộ nhất cả nước.

Những đoạn tuyến cao tốc này sau khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ kết nối mạng lưới sân bay tại khu vực miền Trung đồng bộ, chặt chẽ, bao gồm các sân bay Đà Nẵng, Chu Lai (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Phú Bài (Huế), Đồng Hới (Quảng Bình), Cam Ranh (Khánh Hòa)... và các sân bay đang được đề xuất đưa vào quy hoạch, đầu tư như sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), sân bay Quảng Trị, sân bay Hà Tĩnh.

Theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với lợi thế lớn về kết cấu hạ tầng giao thông gồm cả 4 loại hình là đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không cả trong nước lẫn quốc tế và đang được nâng cấp, hiện đại hóa, sự giao lưu giữa Vùng Duyên hải miền Trung với các địa phương miền Trung, với Tây Nguyên và với hai đầu đất nước ngày càng thuận lợi và được đẩy mạnh.

“Miền Trung đã từng bước thay da, đổi thịt. Trong nhiều năm liền, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung đạt và vượt kế hoạch đề ra. Môi trường đầu tư và kinh doanh tiếp tục được cải thiện, các cấp ngành và địa phương quan tâm đến công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, Thứ trưởng Trần Duy Đông đánh giá.

Hà Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục