Miền Trung nỗ lực đưa du lịch trở lại quỹ đạo

0:00 / 0:00
0:00
Kết thúc năm 2020, du lịch miền Trung khá ảm đạm, nhưng các địa phương đang nỗ lực để lĩnh vực công nghiệp không khói này hồi sinh trong năm 2021.
Phát triển kinh tế ban đêm có hệ thống sẽ giúp du lịch miền Trung sớm phục hồi. Ảnh: Nguyễn Hải Phát triển kinh tế ban đêm có hệ thống sẽ giúp du lịch miền Trung sớm phục hồi. Ảnh: Nguyễn Hải

Triển khai nhiều chương trình kích cầu, liên kết

Tại Thừa Thiên Huế, ngay ngày đầu tiên của năm, Sở Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ đón những du khách đầu tiên đến Thừa Thiên Huế bằng đường hàng không năm 2021 tại sân bay Phú Bài. Ông Lê Hữu Minh, quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện, lễ hội gắn với du lịch của tỉnh trong năm nay.

“Trong năm 2021, ngành du lịch Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch mới phù hợp với bối cảnh. Liên kết với các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung triển khai các hoạt động phối hợp kích cầu nhằm phục hồi và phát triển du lịch của khu vực”, ông Minh thông tin.

Còn theo ông Đặng Đông Hà, Phó giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình, ngành du lịch tỉnh này đặt mục tiêu hết năm 2021 sẽ phục hồi bằng với năm 2019. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp đã triển khai nhiều chương trình kích cầu tập trung vào thị trường khách du lịch nội địa.

“Ngành du lịch Quảng Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác vùng với các địa phương trong khu vực miền Trung và trên cả nước, dựa trên những sản phẩm có lợi thế gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch MICE, du lịch khám phá, mạo hiểm. Xây dựng các gói sản phẩm kích cầu hấp dẫn về giá, đa dạng về chương trình, đảm bảo chất lượng, uy tín và thương hiệu của điểm đến và các doanh nghiệp. Đồng thời, có những chính sách hoàn hủy, hoán đổi linh hoạt, đảm bảo quyền lợi của khách du lịch”, ông Hà nói.

Với Đà Nẵng, một trọng điểm du lịch miền Trung, cũng có những hành động mạnh mẽ để kéo du khách đến với địa phương. Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, Sở đang đề xuất UBND Thành phố phê duyệt các chính sách thu hút khách du lịch MICE, triển khai các hoạt động đón tiếp khách du lịch công vụ trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Theo đó, các đoàn khách MICE đến Đà Nẵng trong năm 2021 nếu có số lượng từ 100 người trở lên sẽ được hỗ trợ như đón tiếp sân bay, hỗ trợ truyền thông quảng bá, biểu diễn nghệ thuật miễn phí trong tiệc giao lưu, giảm giá dịch vụ và trải nghiệm du lịch bản địa.

Trước đó, cuối năm 2020, 3 địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đã thống nhất triển khai chương trình kích cầu du lịch với chủ đề "Ba địa phương - Một điểm đến nhiều trải nghiệm”, với nhiều hoạt động phong phú và nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Đẩy mạnh kinh tế ban đêm

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Covid-19 tác động nặng nề, nguồn du khách quốc tế sụt giảm mạnh, du lịch miền Trung cần có những chiến lược mới để thích ứng với tình hình, đặc biệt là có thể tận dụng được thị trường du khách nội địa vẫn còn rất tiềm năng. Một trong những định hướng được các chuyên gia góp ý đó là tập trung phát triển du lịch về đêm nhằm giữ chân du khách lưu trú dài ngày, kích thích chi tiêu.

Trên thực tế, sản phẩm du lịch về đêm đang là điểm yếu của du lịch miền Trung. Trừ Hội An, Quảng Nam và phần nào là Huế, thì hầu hết các địa phương trong khu vực miền Trung đều chưa có những sản phẩm du lịch về đêm nổi bật. Các sản phẩm vẫn chủ yếu là hoạt động tham quan, ăn uống, mua sắm tại một số đô thị lớn.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Bình, ông Vũ Đại Thắng cho biết, tỉnh đang nghiên cứu xây dựng các sản phẩm dịch vụ du lịch về đêm để du khách có thêm nhiều lựa chọn hơn khi đến với Quảng Bình. Ví dụ như xây dựng các phố đi bộ dọc ven sông Nhật Lệ, tận dụng các khu trung tâm thương mại để phát triển thành các trung tâm vui chơi giải trí để kéo dài thời gian thụ hưởng các sản phẩm du lịch của Quảng Bình.

Trong năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, nhằm hướng tới mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng trong nước và phát triển du lịch, thông qua tập trung phát triển lĩnh vực dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm và du lịch, diễn ra từ 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ, sau khi có Đề án của Chính phủ, trong tháng 9/2020, Đà Nẵng đã ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm của địa phương, nhằm phục hồi hoạt động du lịch hậu Covid-19.

“Kỳ vọng đến năm 2025, Đà Nẵng hình thành được mô hình kinh tế ban đêm. Kêu gọi đầu tư, triển khai các dự án xây dựng một số khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt, tách biệt khu dân cư, quy mô lớn và đẳng cấp ngang tầm khu vực và thế giới. Từ năm 2025 trở đi, Đà Nẵng sẽ đưa vào hoạt động các tổ hợp giải trí ban đêm”, bà Hạnh nói.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel góp ý, các địa phương cần ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển cơ sở vui chơi giải trí, bán hàng và ẩm thực về đêm nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại được trong giai đoạn vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Các chuyên gia du lịch phân tích, việc xây dựng sản phẩm dịch vụ, giải trí du lịch về đêm một cách có hệ thống sẽ là bước ngoặt lớn để phát triển du lịch và thu hút nhiều du khách đến với miền Trung. Điều này sẽ giúp du lịch miền Trung có thể đa dạng hóa sản phẩm trên nền tảng các tài nguyên du lịch vốn đã rất phong phú, thỏa mãn nhu cầu chi tiêu khi du khách đến tham quan tại địa phương. Ngoài ra, phát triển kinh tế ban đêm cũng sẽ giúp du lịch miền Trung sớm phục hồi.

Ngọc Tân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục