MIC “ngậm tăm” vốn huy động tại Dự án 1152 - 1154 đường Láng

Với 69% vốn điều lệ tại Công ty cổ phần Tân Phú Long - chủ đầu tư Dự án 1152 - 1154 đường Láng (Hà Nội), câu hỏi mà khách hàng đặt ra là, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC) đã làm gì với nhiều tỷ đồng vốn góp vào dự án này của khách hàng. 
Khu đất dự án đang được sử dụng làm bãi rửa xe ô tô. Ảnh: QH Khu đất dự án đang được sử dụng làm bãi rửa xe ô tô. Ảnh: QH

Im lặng đến cùng

Như chúng tôi đã đưa tin về chủ đầu tư Dự án Twin Towers số 1152 – 1154 đường Láng (Hà Nội) bị một nhóm nhà đầu tư “tố” đã huy động nhiều tỷ đồng vốn đầu tư trái pháp luật, một cán bộ phụ trách truyền thông của MIC tên là Tú (điện thoại 0969133xxx) cho biết, đơn vị này đã nhận được thông tin phản ánh của Báo Đầu tư và chuyển đến lãnh đạo Tổng công ty.

Những câu hỏi của khách hàng về việc chủ đầu tư đã sử dụng số tiền huy động của khách hàng như thế nào, tình trạng pháp lý của Dự án ra sao… đã được chuyển đến MIC. Tuy nhiên, kể từ thời điểm khách hàng gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng, đã nhiều tháng trôi qua, song lãnh đạo MIC vẫn im lặng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về vụ việc này, luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng văn phòng Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, diễn biến vụ việc cho thấy, có biểu hiện thoái thác trách nhiệm từ phía chủ đầu tư Dự án, trong đó trách nhiệm chính thuộc về MIC – đơn vị chiếm 69% vốn điều lệ và thụ hưởng phần lớn số tiền mà Tân Phú Long huy động được từ khách hàng.

Trước đó, HĐQT Công ty cổ phần Tân Phú Long, trong đó có mặt lãnh đạo MIC, đã nhiều lần hứa hẹn về việc hoàn trả vốn vay cho khách hàng, nhưng sau đó không thực hiện.

“Hành vi này có biểu hiện của việc lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, luật sư Bùi Đình Ứng cho biết.

Gặp họa vì chuyển đổi công năng

Theo thông tin mà chúng tôi có được, Dự án Twin Towers số 1152 - 1154 đường Láng đáng lẽ đã có một kết cục tốt đẹp hơn, nếu người thực hiện không quá tham vọng trong việc chuyển đổi công năng nhằm tối đa hóa lợi nhuận.

Cụ thể, theo thỏa thuận ban đầu giữa Handico 6 và Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, Dự án là tổ hợp dịch vụ và văn phòng cho thuê. Tuy nhiên, đến khi có Giấy chứng nhận đầu tư số 01121000283 do Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Phí Thái Bình ký ngày 7/4/2009, Dự án đã có thêm chức năng nhà ở cho thuê.

Đến khi có Giấy phép xây dựng số 51/GPXD do Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. Hà Nội Nguyễn Khắc Thọ ký ngày 25/4/2011, Dự án đã trở thành Tổ hợp dịch vụ công cộng, nhà ở và văn phòng cho thuê, với quy mô 25 tầng cao, 3 tầng hầm, 2 tầng kỹ thuật và tầng thượng, áp mái.

Có thể nói, với giấy phép trên, Tân Phú Long đã hoàn toàn yên tâm đầu tư, xây dựng Dự án theo nội dung thiết kế đã được phê duyệt. Tuy nhiên, tham vọng của chủ đầu tư đã không dừng ở đó.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 19/11/2013, các cổ đông chính của Tân Phú Long đã thống nhất thay đổi thiết kế Dự án, với nhiệm vụ là “chuyển đổi lại thiết kế của Dự án từ 1 tòa văn phòng, 1 tòa chung cư thành 2 tòa chung cư; thay đổi từ 3 tầng hầm thành 4 tầng hầm; hạn chế tối đa các diện tích phụ, diện tích thừa”. Đồng thời, “tuyển chọn lại đơn vị thiết kế có năng lực, uy tín, có quan hệ tốt với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như Sở Quy hoạch - Kiến trúc” để triển khai Dự án.

MIC “ngậm tăm” vốn huy động tại Dự án 1152 - 1154 đường Láng ảnh 1

 Phối cảnh Dự án trong các hình ảnh quảng cáo trước đây  (nguồn: batdongsan.com.vn)

Chủ đầu tư hết tiền, khách hàng lĩnh đủ

Việc chuyển đổi công năng dự án một cách “thô bạo” từ 1 tòa chung cư thành 2 tòa chung cư, cùng nhiều nội dung khác đã khiến tiến độ thực hiện Dự án Twin Towers số 1152 - 1154 đường Láng kéo dài gấp nhiều lần so với cam kết ban đầu giữa chủ đầu tư với khách hàng.

Theo quan sát của phóng viên, đến thời điểm này, khu đất số 1152 - 1154 vẫn đang được sử dụng làm bãi trông giữ xe ô tô, không có hoạt động đầu tư, xây dựng nào với tính chất của một dự án bất động sản nhà ở cao tầng.

Báo cáo tình hình Dự án Twin Towers số 1152 - 1154 đường Láng, từ cuối năm 2013, Giám đốc Công ty cổ phần Tân Phú Long khi đó là ông Phạm Văn Đông đã có Công văn số 17/2013/TPL “cầu cứu” HĐQT về việc Công ty không có tiền thanh toán cho các khách hàng của MIC đã góp vốn vào Dự án.

“Đến thời điểm hiện tại, Công ty không có tài chính để thanh toán cho khách hàng thuộc MIC. Các khách hàng còn lại cũng đã đến Công ty để đòi nợ và tất toán hợp đồng cho vay vốn, nhưng Công ty không có tiền để trả. Bằng văn bản này, Giám đốc Công ty kính trình HĐQT xem xét giải quyết và tạo nguồn kinh phí để giải quyết phần vốn góp cho các hộ dân”, công văn trên nêu rõ.

Ông Phạm Đức Tú, khách hàng đã góp hơn 1 tỷ đồng vào Dự án từ năm 2012 cho biết, ngay từ khi bắt đầu huy động vốn của khách hàng, dù Dự án chưa đủ điều kiện để triển khai, nhưng MIC vẫn kêu gọi khách hàng, đặc biệt là cán bộ, nhân viên của MIC, nộp tiền mua căn hộ và khuyến khích đóng tiền vượt tiến độ để được hưởng mức giá ưu đãi.

“Với kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm, MIC đủ khả năng dự báo những rủi ro mà dự án có thể gặp phải khi tiến hành chuyển đổi công năng. Nhưng chủ đầu tư đã đặt những rủi ro đó lên vai những người mua nhà khi mời họ góp vốn vào Dự án khi chủ đầu tư chưa sẵn sàng đầu tư xây dựng”, ông Phạm Đức Tú bức xúc.

Công ty Tân Phú Long thành lập tháng 8/2005 với ngành nghề kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản, kho bãi và lưu giữ hàng hóa, tổ chức giới thiệu và xúc tiến thương mại…, cổ đông sáng lập chính là Handico 6 và một số pháp nhân và thể nhân khác, với số vốn điều lệ là 33 tỷ đồng.
Năm 2013, Công ty Tân Phú Long có sự thay đổi lớn về danh sách cổ đông, với sự xuất hiện của Tổng công ty
cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIC), góp 69% vốn điều lệ, Handico 6 chiếm 30% và Công ty Bất động sản An Cư chiếm 1%.

Quang Hưng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục