Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng cao
Niên độ 2022 - 2023, Công ty cổ phần Mía đường Lam Sơn (Lasuco, mã chứng khoán LSS) đạt doanh thu hơn 1.807 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 39,7 tỷ đồng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2023 - 2024, Lasuco đặt mục tiêu đạt doanh thu 2.202 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận trước thuế 106 tỷ đồng, tăng 267% so với cùng kỳ.
Theo ông Lê Văn Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lasuco, cuối năm tài chính 2022 - 2023, Công ty chủ động điều tiết kế hoạch bán hàng, đảm bảo cân đối sản lượng tiêu thụ và dự trữ, giữ tồn kho và giữ thị phần cho những tháng cao điểm. Niên độ 2023 - 2024, Lasuco kỳ vọng, lượng sản phẩm bán ra thuận lợi, đảm bảo dòng tiền và doanh thu. Nếu thuận lợi, Công ty có thể đạt 2.500 tỷ đồng doanh thu, trong đó chú trọng công tác nhập khẩu đường thô phục vụ chế luyện.
Sản phẩm của Lasuco hiện có mặt tại hơn 20 nước, bao gồm các thị trường lớn như Mỹ, Trung Đông, Nhật Bản. Quý I niên độ 2023 - 2024, Lasuco ghi nhận doanh thu 471 tỷ đồng, tăng 55%, lợi nhuận sau thuế hơn 17 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ. Đây là quý mang lại kết quả kinh doanh tốt nhất trong 5 quý trở lại đây.
Chuẩn bị tốt vùng nguyên liệu sẽ là lợi thế để Lasuco có thể bứt phá trong giai đoạn tới. Doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu giai đoạn 2023 - 2030 đạt 5.000 tỷ đồng.
Vẫn theo ông Lê Văn Tân, diện tích mía niên vụ 2021 - 2022 của Lasuco suy giảm do khó khăn chung của ngành mía đường cũng như sự chuyển đổi về cơ cấu cây trồng. Các niên vụ sau đó, Công ty đã tìm kiếm giải pháp phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo sản lượng cho nhà máy sản xuất, đồng thời nghiên cứu, phát triển bộ giống mới. Bước đầu, chương trình làm mới giống mía đã đem lại hiệu quả, đảm bảo năng suất, chất lượng đường và lưu gốc tốt hơn. Yếu tố giống mía và giá thu mua của Công ty được đảm bảo, vì thế nông dân tin tưởng. Tại các vùng nguyên liệu ở tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, nông dân đã đăng ký dự kiến diện tích nguyên liệu vụ 2024 - 2025 đạt trên 9.000 ha.
Tại Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (mã chứng khoán SLS), kế hoạch niên độ 2023 - 2024 là đạt doanh thu gần 1.046 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 137 tỷ đồng. Kết thúc quý đầu niên độ, Công ty ghi nhận doanh thu hơn 430 tỷ đồng, tăng 26%; lợi nhuận sau thuế hơn 119 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (mã chứng khoán SBT) đặt mục tiêu niên độ 2023 - 2024 đạt 20.622 tỷ đồng doanh thu, giảm 17%, nhưng lãi trước thuế 850 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Kết thúc quý đầu niên độ, SBT đạt doanh thu 6.366 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 255 tỷ đồng.
Trong niên độ 2023 - 2024, SBT dự kiến mở rộng diện tích vùng nguyên liệu thêm 16%, sản lượng mía tăng thêm 19%, hướng tới mục tiêu tổng diện tích vùng nguyên liệu đạt 90.000 ha vào năm 2025.
Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) có niên độ tài chính kết thúc vào 31/12 hàng năm. Kết thúc 10 tháng đầu năm 2023, Công ty đạt doanh thu 8.800 tỷ đồng, tăng 24%; lợi nhuận trước thuế 1.900 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Mảng đường là động lực tăng trưởng chính, với doanh thu thuần gấp đôi cùng kỳ, đạt 3.550 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế gấp 4 lần cùng kỳ, đạt 850 tỷ đồng.
Nguồn cung giảm, giá đường có thể duy trì mức cao
Theo Công ty Chứng khoán DSC, giá bán của các nhà máy đường gần đây đạt khoảng 26.000 đồng/kg, tăng hơn 40% so với đầu năm. Hiện nay, đường nhập khẩu chiếm khoảng 66% nguồn cung đường Việt Nam, nên giá đường trong nước nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức cao và đồng pha với giá đường thế giới.
SBT kỳ vọng, niên độ 2023 - 2024, giá đường nội địa có thể tiếp tục tăng cùng với đà tăng của giá đường thế giới, cũng như khả năng kiểm soát đường nhập lậu trong thời gian tới. Các yếu tố này sẽ là cú huých giúp doanh nghiệp ngành mía đường tăng trưởng.
Trên thế giới, giá đường đang dao động quanh mức 0,27 USD/lb, vùng giá cao nhất hơn 10 năm qua, do lo ngại nguồn cung giảm. Nguồn cung của hai quốc gia sản xuất lớn đường trên thế giới là Ấn Độ và Thái Lan trong thời gian qua sụt giảm do hiện tượng El Nino là yếu tố chính đẩy giá đường thế giới đi lên.
Theo hiệp hội sản xuất đường của Ấn Độ và Thái Lan, nguồn cung đường niên vụ 2023 - 2024 ở 2 nước này có thể sẽ giảm lần lượt 2,9 triệu tấn và và 3 - 4 triệu tấn so với cùng kỳ, xuống 33,7 triệu tấn và 7 - 8 triệu tấn.
Tổ chức Đường Quốc tế dự báo, nguồn cung đường toàn cầu niên vụ 2023 - 2024 có thể giảm 1,2% so với cùng kỳ và thiếu 2,1 triệu tấn so với mức dư cung 852.000 tấn trong niên vụ 2022 - 2023.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam ước tính, nguồn cung đường trong nước niên vụ 2023 - 2024 sẽ đạt 1 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ, do thời tiết trong nước có thể vẫn thuận lợi hơn so với các nước ở khu vực châu Á.
SSI Research nhận định, giá đường toàn cầu neo ở mức cao sẽ hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường. Giá đường nội địa và sản lượng tiêu thụ tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy lợi nhuận của mảng đường trong thời gian tới. Giá đường trong nước có thể tiếp tục tăng ít nhất đến hết quý II/2024. Đường nhập khẩu sẽ chiếm hơn một nửa nguồn cung đường trong nước trong niên vụ 2023 - 2024, giảm từ mức 2/3 trong niên vụ 2022 - 2023.