Cụ thể, tranh chấp này phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa CTCP Trường Phú và CTCP Tập đoàn công nghiệp Thiên Phú ký ngày 5/6/2011. Hai bên thỏa thuận, Trường Phú sẽ bán cho Thiên Phú số lượng dây đồng 60 tấn, loại phi 2.6mm. Quá trình thực hiện, hai bên ký thêm nhiều phụ lục hợp đồng và mỗi phụ lục hợp đồng đều được MB đứng ra bảo lãnh.
Tuy nhiên, đến 2 phụ lục hợp đồng ký ngày 2/4/2012 và 2/5/2012 thì phát sinh tranh chấp. Sau khi hoàn tất giao hàng theo hợp đồng và phụ lục, Công ty Trường Phú yêu cầu Công ty Thiên Phú thanh toán tiền mua bán hàng hóa nhưng Công ty Thiên Phú không thực hiện. Từ 31/7/2012 đến ngày 30/6/2013, Thiên Phú đã nhiều lần xác nhận nợ nhưng vẫn không thanh toán tiền cho Trường Phú.
Trước đó, ngày 9/4/2012, Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Hoàn Kiếm phát hành 2 bảo lãnh cho 2 hợp đồng, phụ lục nói trên. Giá trị của bảo lãnh là không quá 13 tỷ đồng cho mỗi bảo lãnh.
Do vậy, khi phía Thiên Phú vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền hàng, Công ty Trường Phú đã gửi văn bản yêu cầu MB thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. 2 văn bản này được Trường Phú gửi vào ngày 25/7/2012 và ngày 27/8/2012, trong thời hạn hiệu lực của bảo lãnh.
Nhưng MB nhiều lần tìm cách trì hoãn và đến nay không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Do đó, Công ty Trường Phú khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc MB thanh toán khoản tiền 24,4 tỷ đồng tiền gốc, 4,8 tỷ đồng tiền lãi phát sinh và 4,6 tỷ đồng bồi thường thiệt hại. Tổng số tiền là 33,8 tỷ đồng.
Về khoản bồi thường thiệt hại, theo Công ty Trường Phú, Công ty đã phải vay nợ các ngân hàng khác để có nguồn vốn nhập hàng và bán cho Công ty Thiên Phú. Khi bên Thiên Phú không thanh toán, MB trì hoãn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, Công ty Trường Phú đã phải kéo dài thời gian trả lãi vay ngân hàng. Do đó, Công ty Trường Phú yêu cầu MB bồi thường thiệt hại cho khoản lãi vay này.
Ngân hàng TMCP Quân đội thừa nhận việc phát hành chứng thư bảo lãnh đúng như bên Trường Phú khai. Tuy nhiên, MB đã không thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh là vì việc thanh toán phải đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật. MB nhiều lần làm văn bản yêu cầu Trường Phú cung cấp bổ sung các chứng từ tại biên bản giao hàng để MB xem xét thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhưng Trường Phú chưa cung cấp được tài liệu theo yêu cầu.
Mặt khác, biên bản giao nhận hàng hóa và biên bản đối chiếu công nợ, không được ký bởi người đại diện theo pháp luật hoặc là người được ủy quyền hợp lệ của Công ty Thiên Phú. Như vậy là không đáp ứng được yêu cầu của pháp luật.
Những lần làm việc giữa MB và Thiên Phú, bên Thiên Phú đều phủ nhận không biết về hợp đồng mua bán. Người ký các biên bản của Thiên Phú khẳng định, biên bản chỉ là ghi nhận công nợ chung giữa các bên trong quá trình làm ăn với nhau, chủng loại số lượng thế nào còn phải kiểm tra và công nợ này không liên quan đến MB.
Do đó, MB không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.
Trong khi đó, Công ty Thiên Phú, bên có quyền lợi và nghĩa vụ, dù Tòa án nhiều lần mời đến, đã được tống đạt các giấy triệu tập nhưng không đều không đến tòa.
Căn cứ vào các quy định về bảo lãnh của Bộ luật Dân sự và quy chế bảo lãnh ngân hàng, theo đó, bảo lãnh là việc người thứ ba (say đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
Tại bản án sơ thẩm, TAND quận Đống Đa, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Trường Phú, buộc MB phải trả nợ số tiền gốc 24,4 tỷ đồng, lãi 4,8 tỷ đồng, bồi thường thiệt hại là 4,6 tỷ đồng. Tổng số tiền là 33,8 tỷ đồng.
Sau khi, Ngân hàng đã thanh toán xong các khoản tiền trên, nếu có tranh chấp về nghĩa vụ hoàn lại của Công ty Thiên Phú cho MB, sẽ được giải quyết bằng vụ án khác nếu có yêu cầu.