Thường xuyên chi trả cổ tức cao
Theo nghị quyết được Ban lãnh đạo PTG thông qua, ngày 23/4 tới, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ nhận được 10.000 đồng, chốt danh sách vào 10/4/2020.
Ðáng chú ý là đã từ rất lâu, cổ phiếu này không hề ghi nhận giao dịch nào và mức giá tham chiếu “bất động” ở con số 2.100 đồng/CP, dù liên tục được đặt mua giá trần.
Trước đó, theo Nghị quyết ÐHCÐ thường niên 2019, PTG đã thống nhất kế hoạch chia cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 20%.
Với số lượng hơn 4,7 triệu cổ phiếu đang niêm yết, ước tính số tiền PTG bỏ ra để chi trả cổ tức đạt hơn 47 tỷ đồng.
Ðây là con số đáng kể so với quy mô hoạt động của Công ty. Ban lãnh đạo PTG dự kiến lấy gần 21 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2019 và gần 29 tỷ đồng lợi nhuận các năm trước chưa phân phối để chi trả cổ tức đợt này.
PTG là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức cao hơn thị giá cho cổ đông và đều đặn qua các năm.
Trước đó, năm 2017, cổ đông Công ty nhận tổng cộng 12.000 đồng tiền cổ tức cho mỗi cổ phiếu sở hữu (tỷ lệ 120%). Năm 2018, doanh nghiệp chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%.
Theo kế hoạch được thông qua tại ÐHCÐ thường niên 2020, năm nay, doanh nghiệp dự kiến chi trả cổ tức với tỷ lệ 20%.
Trong cơ cấu cổ đông của PTG hiện có 270 cổ đông, trong đó có 5 cổ đông lớn đều là cổ đông cá nhân. Cổ đông nội bộ và người liên quan đang nắm giữ 66,98% cổ phần PTG.
Ðáng chú ý, Chủ tịch HÐQT Huỳnh Văn Nghi là người có tỷ lệ sở hữu lớn nhất với 14,2% cổ phần.
Ngoài ra, vợ và con ông Nghi nắm giữ 17% cổ phần doanh nghiệp. Do đó, số tiền gia đình Chủ tịch PTG nhận được trong đợt chia cổ tức lần này là gần 15 tỷ đồng.
PTG là doanh nghiệp ngành dệt may thành lập năm 2002, tiền thân là Xí nghiệp May Phan Thiết. PTG đăng ký giao dịch trên UPCoM vào năm 2010. Tuy nhiên, cổ phiếu của doanh nghiệp này hầu như không có thanh khoản khi không phát sinh giao dịch mua bán nhiều năm qua. Giá cổ phiếu PTG thấp như hiện nay là do bị điều chỉnh kỹ thuật từ các kỳ trả cổ tức.
Ðề ra kế hoạch tăng trưởng trong năm 2020
Kết thúc năm 2019, PTG ghi nhận doanh thu hơn 419 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2018. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng gần 36% khiến biên lãi gộp giảm mạnh, Công ty chỉ thu về được hơn 25 tỷ đồng lãi gộp.
Do đó, lợi nhuận sau thuế năm 2019 của PTG chỉ đạt gần 21 tỷ đồng, giảm 70% so với năm trước đó.
EPS giảm còn 4.482 đồng từ con số 13.683 đồng năm 2018. Mặc dù vậy, kết quả này đã hoàn 106% kế hoạch doanh thu và 191% kế hoạch lợi nhuận mà Ban lãnh đạo doanh nghiệp đề ra hồi đầu năm 2019.
Ngoài ra, PTG đang góp vốn 100% tại Công ty TNHH May Phú Long và Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ PLG.
Ban lãnh đạo PTG nhận định, năm 2020, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động, rủi ro, khó đoán định, một số nước lớn có xu hướng bảo hộ mậu dịch trở lại.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa kết thúc, đặc biệt là tình hình thiên tai, dịch bệnh bất thường có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sản xuất - kinh doanh của Công ty.
Tuy nhiên, PTG vẫn đề ra kế hoạch lạc quan trong năm nay. Doanh nghiệp dự kiến doanh thu đạt 458 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2019, trong khi lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 43 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm trước.
Công ty dự báo, ngành dệt may năm 2020 vẫn còn cơ hội thuận lợi về đơn hàng sau khi Việt Nam ký kết nhiều hiệp định thương mại và đầu tư với các nước.
Mặc dù vậy, trong trường hợp dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn, HÐQT và Ban giám đốc PTG sẽ xem xét, điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch, song sẽ không giảm quá 30% so với chỉ tiêu đã đề ra.