Thanh khoản, dòng tiền và chuyện các mã bị lãng quên

(ĐTCK) 9 tháng đầu năm 2018, khối lượng giao dịch chứng khoán trên cả 3 sàn bình quân đạt hơn 7.100 tỷ đồng/phiên, tăng 42% so với bình quân năm 2017. Giao dịch sôi động, dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường, nhưng vẫn có hơn 50% cổ phiếu gần như không có thanh khoản, trong đó không ít mã có kết quả kinh doanh khả quan, trả cổ tức đều đặn. 
Nhiều cổ phiếu điện, nước kém thanh khoản, dù hoạt động kinh doanh có tính ổn định cao, khả năng sinh lời tốt. Nhiều cổ phiếu điện, nước kém thanh khoản, dù hoạt động kinh doanh có tính ổn định cao, khả năng sinh lời tốt.

Kinh doanh hiệu quả, dòng tiền không mặn mà

Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS) có hoạt động đặc thù, khai thác một trong hai bến xe lớn nhất tại TP.HCM, kết nối với các tỉnh miền Tây. Trong 10 năm trở lại đây, WCS duy trì mức tăng trưởng đều đặn về doanh thu, lợi nhuận.

Trong nửa đầu năm 2018, WCS đạt 67,7 tỷ đồng doanh thu, tăng 6,8%; lợi nhuận sau thuế 33,1 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2017; thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) là 13.226 đồng; hệ số sinh lời trên tổng tài sản (ROA) là 11,1%, hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là 12,4%.

Trái ngược với vị thế là một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất trên sàn niêm yết, cơ cấu tài chính tích cực, hầu như không vay nợ, chi trả cổ tức đều đặn…, thanh khoản của cổ phiếu WCS lại hạn chế, chỉ vài trăm đơn vị được giao dịch mỗi phiên, nhiều phiên không có giao dịch.

Không thu hút được dòng tiền, nên thị giá của cổ phiếu WCS giảm hơn 27% trong gần 2 năm qua, dù VN-Index liên tục tăng điểm.

WCS không phải là trường hợp hiếm hoi. Thống kê trên 2 sàn niêm yết (HOSE và HNX) trong phiên 16/10/2018 cho thấy, có 178 cổ phiếu không có giao dịch, 238 cổ phiếu có khối lượng giao dịch từ vài chục đơn vị đến dưới 10.000 đơn vị.

Hai nhóm này chiếm gần 60% tổng số cổ phiếu niêm yết. Trong đó, đáng chú ý là có không ít doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, kết quả kinh doanh tăng trưởng, cổ tức được duy trì, nhưng không thu hút được dòng tiền.

Đáng kể nhất là các cổ phiếu nhóm ngành điện - nước. Với đặc thù ngành tiêu dùng thiết yếu, hoạt động kinh doanh có tính ổn định cao, khả năng sinh lời tốt, nhưng dòng tiền lại khá thờ ơ, dù định giá ở mức hấp dẫn.

Niêm yết từ 2009, năm nào Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà (TBC) cũng chi trả cổ tức tiền mặt từ 18 - 25%, hấp dẫn so với thị giá trên 25.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giao dịch của cổ phiếu TBC thường xuyên trắng thanh khoản, những phiên hào hứng nhất cũng hiếm khi vượt quá 10.000 đơn vị, quá nhỏ so với con số 63,5 triệu đơn vị niêm yết.

Đây cũng là tình trạng của cổ phiếu Công ty cổ phần Thủy điện miền Nam (SHP), Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP), Công ty cổ phần Cấp nước Gia Định (GDW), Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn (CLW), Công ty cổ phần Cấp thoát nước và Xây dựng Bảo Lộc (BWA), Công ty cổ phần Cấp nước Nhơn Trạch (NTW), Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè (NBW), Công ty cổ phần Cấp nước Bến Thành (BTW)…

Trên sàn UPCoM, tình trạng “chết thanh khoản” còn phổ biến hơn, chỉ có 198 cổ phiếu, tương đương 1/4 lượng cổ phiếu đăng ký giao dịch là có giao dịch trong phiên 16/10/2018. Trong đó, số cổ phiếu có khối lượng giao dịch từ 10.000 đơn vị trở lên vỏn vẹn 59 mã.

Cổ phiếu BDP của Công ty cổ phần Biệt thự và Khách sạn biển Đông Phương (BDP), chủ đầu tư Khách sạn USD Sheraton Đà Nẵng đăng ký giao dịch trên UPCoM từ tháng 4/2017, nhưng từ đó đến nay, chưa có cổ phiếu nào được chuyển nhượng.

Trường hợp cổ phiếu DCI của Công ty cổ phần Công nghiệp hóa chất Đà Nẵng, MEF của Công ty cổ phần MEINFA, PTG của Công ty cổ phần May xuất khẩu Phan Thiết… thời gian dài không có giao dịch, khiến sau những lần điều chỉnh cổ tức, giá tham chiếu hiện thấp hơn mức cổ tức chi trả hàng năm.

Thanh khoản, dòng tiền và chuyện các mã bị lãng quên ảnh 1

Nghịch lý hay hợp lý?

Thông thường, dòng tiền luôn tìm đến những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, minh bạch và loại bỏ dần những khoản đầu tư yếu kém. Điều này khiến cho câu chuyện cổ phiếu tốt nhưng không thu hút được dòng tiền trong thời gian dài, trong khi cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, bị nghi ngờ về tính minh bạch vẫn có khối lượng giao dịch hàng trăm nghìn đến hàng triệu đơn vị mỗi phiên trở thành một nghịch lý.

Một số nhà đầu tư lâu năm nhận định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cổ phiếu “trắng thanh khoản” dù doanh nghiệp hoạt động tốt, lợi suất cổ tức hấp dẫn là do cơ cấu cổ đông quá “cô đặc”, ít cổ phiếu “trôi nổi”, trong khi cổ đông hiện hữu muốn nắm giữ dài hạn nên hạn chế bán ra, nhưng cũng có thể là do hoạt động công bố thông tin của doanh nghiệp có nhiều hạn chế, không chủ động tiếp xúc nhà đầu tư.

Trong khi đó, đặc điểm của thị trường chứng khoán Việt Nam là nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn, “gu đầu tư” hướng đến các cổ phiếu có biến động giá mạnh, nhiều tin tức đột biến với mong muốn tìm kiếm cơ hội sinh lời cao trong ngắn hạn hơn là nắm giữ dài hạn những cổ phiếu hoạt động ổn định.

Mặt khác, nhà đầu tư cá nhân có sự hạn chế trong việc tiếp xúc, tìm hiểu sâu hơn về doanh nghiệp, phải phụ thuộc vào tin tức mà doanh nghiệp công bố, nếu doanh nghiệp quá “khép mình” sẽ khó thu hút nhà đầu tư.

Việc cổ phiếu lên sàn mà không có giao dịch để lại không ít hệ lụy. Ở góc độ doanh nghiệp, thanh khoản kém sẽ khiến việc gọi vốn khi cần thiết gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, việc không thu hút được nhà đầu tư, không có cơ cấu cổ đông đa dạng và chất lượng khiến tính minh bạch từ sự giám sát, phản biện của cổ đông giảm đáng kể, làm mất đi ý nghĩa thực tế của việc niêm yết.

Đáng chú ý, cổ phiếu kém thanh khoản khiến lợi ích của những cổ đông nhỏ lẻ - đối tượng được các quy định pháp luật ưu tiên bảo vệ trong công ty đại chúng bị ảnh hưởng.

Bởi lẽ, khi muốn chuyển nhượng cổ phiếu, họ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể thực hiện do theo quy định hiện nay, muốn giao dịch thỏa thuận, cổ phiếu phải có giao dịch trong 25 phiên gần nhất. Còn bán khớp lệnh trên sàn thì giá quá thấp, không phản ánh đúng giá trị thực mà câu chuyện của MEF, PTG, DCI là ví dụ.

Ở góc độ cơ quan quản lý, quy mô vốn hóa phình to theo số lượng cổ phiếu, doanh nghiệp niêm yết, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số cổ phiếu nhất định dẫn đến việc sử dụng chỉ số chứng khoán làm thước đo bị méo mó và không phản ánh đúng tổng thể thị trường. Sức hút với các nhà đầu tư lớn, các tổ chức tài chính vì thế cũng giảm, dù doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.

Thực tế hiện nay, cơ quan quản lý mới chỉ kiểm soát, giám sát vi phạm trong trường hợp báo cáo gian dối, giao dịch gian lận hay công bố thông tin không đúng quy định.

Quy mô vốn hóa phình to theo số lượng cổ phiếu, doanh nghiệp niêm yết, nhưng giao dịch chỉ tập trung vào một số cổ phiếu nhất định dẫn đến việc sử dụng chỉ số chứng khoán làm thước đo bị méo mó và không phản ánh đúng tổng thể thị trường.    

Yếu tố thanh khoản dù quan trọng vẫn hoàn toàn do thị trường quyết định, chưa có trường hợp cổ phiếu thanh khoản kém nào phải hủy niêm yết/đăng ký giao dịch.

Để hỗ trợ cải thiện thanh khoản, ngày 29/5/2017, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã ban hành Quy chế về thành viên tạo lập thị trường với các cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ ETF niêm yết, có hiệu lực từ 1/7/2017.

Đây được coi là một trong những bước tiến quan trọng đưa thị trường chứng khoán Việt Nam hướng tới các thông lệ quốc tế, không chỉ giúp thúc đẩy thanh khoản cổ phiếu của doanh nghiệp, tăng tính minh bạch cho thị trường, mà còn góp phần tạo nguồn thu, mở rộng thị phần, tăng khả năng cạnh tranh cho các công ty chứng khoán. Vậy nhưng, sau hơn 1 năm có hiệu lực, chính sách trên vẫn chưa được các bên tích cực triển khai.

Muốn có thanh khoản, cổ phiếu phải thu hút được nhà đầu tư, ngược lại, cổ phiếu chỉ thu hút được nhà đầu tư khi có thanh khoản đạt mức nhất định.

Dù có những yếu tố khách quan như đặc thù cơ cấu cổ đông, điều kiện thị trường hay sự chờ đợi chính sách của cơ quan quản lý, doanh nghiệp muốn cải thiện thanh khoản cho cổ phiếu cần chủ động làm tốt công tác quan hệ nhà đầu, tương tác, cập nhật tình hình hoạt động, truyền thông, quảng bá thương hiệu, giúp cổ đông, nhà đầu tư hiểu rõ tiềm năng, thế mạnh của mình.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ