TTCK gần đây biến động mạnh, bắt đầu từ phiên sụt giảm ngày 11/10. Theo ông, các nhà đầu tư có phản ứng giao dịch thái quá hay không?
TTCK Việt Nam đang chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài, cụ thể là diễn biến tiêu cực của TTCK Mỹ (ảnh hưởng tâm lý) và động thái bán ròng mạnh của khối nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (ảnh hưởng trực tiếp lên sự sụt giảm của giá cổ phiếu vốn hóa lớn, tác động chung lên thị trường và chỉ số.
Ông Đỗ Bảo Ngọc.
Trong hai nguyên nhân này thì nguyên nhân đầu có tác động trực tiếp tới nguyên nhân thứ hai, từ đó cho thấy, biến động của thị trường Mỹ đang tác động mạnh tới thị trường.
Phân tích kỹ hơn về TTCK Mỹ có thể thấy, các chỉ số chứng khoán đạt mức cao nhất trong lịch sử vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2018, cùng với đó là lượng giao dịch ký quỹ (margin) khổng lồ.
Trong khi đó, lãi suất USD tăng dần và có thể sẽ tăng với lộ trình nhanh hơn theo quan điểm mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Đi kèm với chính sách tăng dần lãi suất là động thái rút dần bảng cân đối tài sản của Fed, càng cho thấy chính sách thắt chặt hơn về dòng tiền của cơ quan này.
Ngoài ra, nước Mỹ hiện đối mặt với cuộc chiến tranh thương mại chưa có hồi kết với Trung Quốc, diễn biến có phần căng thẳng và khó lường hơn khi cả hai bên đều chưa chịu nhượng bộ.
Động thái chính sách của Fed và rủi ro từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng lớn đến sự dịch chuyển của dòng tiền, hành động chốt lời và đẩy mạnh bán ròng trên thị trường cổ phiếu của nhiều quỹ đầu tư dần được thể hiện và lan rộng trên thị trường, đỉnh điểm là phiên bán tháo ngày 10/10 tại Mỹ.
Diễn biến này lan ra các thị trường tài chính trên thế giới, thể hiện qua động thái bán ròng lớn của nhà đầu tư nước ngoài tại nhiều TTCK cả ở châu Á và châu Âu.
Từ đầu năm 2018 cho tới nay, chúng ta đã 3 lần chứng kiến diễn biến dây chuyền này. Hai lần trước là vào tháng 3 - 4 và tháng 6, lần này là tháng 10.
Năm 2018, thị trường tài chính toàn cầu đón nhận nhiều đợt điều chỉnh mạnh và bất ngờ, đây là thực tế đang diễn ra trong giai đoạn kết thúc thời kỳ tiền rẻ và chi phí vốn dần tăng lên, ảnh hưởng nhiều đến hành động của các tổ chức và cá nhân đầu tư trên toàn cầu.
Chính vì vậy, chúng ta thấy hành động của nhà đầu tư đôi khi rất quyết liệt, các đợt bán tháo diễn ra nhiều hơn và hầu hết đều thể hiện sự quá đà trong hành động. Lần này, tôi cũng nhận thấy sự quá đà đó tại thị trường Mỹ và cả hành động bán tháo có phần thái quá tại Việt Nam.
Ông dự báo như thế nào về diễn biến của dòng vốn ngoại từ nay tới cuối năm?
Tính chung, từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã mua ròng hơn 40.300 tỷ đồng thông qua cả giao dịch khớp lệnh và thỏa thuận. Như vậy, nhìn vào diễn biến giao dịch trung hạn của khối ngoại tại Việt Nam thì động thái của khối ngoại vẫn tích cực, với lượng mua ròng lớn.
Tuy nhiên, trong từng thời điểm ngắn hạn thì giao dịch của khối này rất khó lường, cụ thể là họ mua ròng liên tiếp trong tuần cuối tháng 9 và những phiên đầu tháng 10, nhưng bán ròng lớn trong các phiên gần đây.
Tôi cho rằng, diễn biến tiêu cực từ các thị trường tài chính thế giới đang tác động tới động thái của khối ngoại tại Việt Nam. Chiến tranh thương mại diễn biến căng thẳng, USD tăng giá, đồng tiền của các quốc gia mới nổi tiếp tục mất giá, Fed dự kiến sẽ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất…
Những yếu tố này khiến hoạt động bán ròng của khối ngoại diễn ra trên nhiều thị trường, chứ không riêng gì Việt Nam. Vì vậy, từ nay tới cuối năm, giao dịch của khối ngoại là một ẩn số và khó dự báo với các hành động bất thường.
Cơ hội đầu tư trong giai đoạn hiện nay ra sao, theo ông?
Tôi cho rằng, đợt điều chỉnh này của thị trường sẽ tạo ra cơ hội mua cổ phiếu, đặc biệt là với những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt trong 6 tháng đầu năm và được dự báo tiếp tục có kết quả cao trong quý III và IV.
Vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index hiện là 920 - 930 điểm, thị trường sẽ cần bằng hơn khi chạm tới vùng hỗ trợ này. Kinh nghiệm từ các đợt bán tháo diễn ra vào tháng 4 và tháng 6/2018 cho thấy, mỗi lần thị trường sụt giảm đều tạo ra nhiều cơ hội đầu tư sau đó.
Tương tự, trong lần sụt giảm hiện nay, cơ hội đầu tư sẽ lại xuất hiện. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III có thể là chất xúc tác cho sự lựa chọn cơ hội đầu tư vào cuối tháng 10/2018.
Nếu được giải ngân, ông sẽ ưu tiên chọn những nhóm cổ phiếu nào?
Tôi vẫn ưu tiên quan sát để chờ cơ hội giải ngân cho những nhóm ngành có kết quả kinh doanh tăng trưởng cao và đóng vai trò dẫn dắt thị trường như ngân hàng, chứng khoán, hàng tiêu dùng - bán lẻ, vật liệu xây dựng… Nhiều cổ phiếu đầu ngành thuộc các nhóm này đều được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực trong quý III và cả năm 2018.