Chứng khoán phái sinh “sốt” trở lại

(ĐTCK) Phiên 11/10, giá trị giao dịch trên sàn phái sinh đạt hơn 12.000 tỷ đồng, gấp 3 lần phiên trước đó, cao nhất kể từ đầu tháng 8. Giá trị giao dịch phiên sau đó cao hơn, đạt gần 14.000 tỷ đồng, trong khi trung bình giai đoạn từ 1 - 10/10 chỉ trên 5.000 tỷ đồng/phiên.
Chứng khoán phái sinh “sốt” trở lại

Thị trường cơ sở biến động mạnh, tạo ra cơ hội “lướt sóng”

Khi phiên giao dịch 11/10 kết thúc, người viết có trao đổi với một nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán phái sinh, người này chia sẻ, buổi sáng, anh mở màn hình giao dịch và giật mình khi thấy giá chứng khoán phái sinh sụt giảm, lệnh bán với giá ATO chất đống (bán tại mức giá khi hệ thống so khớp lệnh xác định giá mở cửa; trong bối cảnh giá giảm, lệnh này đồng nghĩa với việc NĐT chấp nhận bán với giá sàn), trong khi lệnh mua với giá ATO cũng lớn.

Nhìn thời gian, hệ thống chuẩn bị khớp lệnh nên anh liền đặt mua vì cho rằng, làm gì có thông tin nào bất lợi, chắc có đội lái dìm giá, “mua tay trái, bán tay phải”, giá sẽ tăng ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục.

Lâu nay, các đợt ATO chỉ có vài trăm đơn vị được khớp, NĐT đặt lệnh nhỏ giọt nhằm thăm dò, chứ mấy ai mua bán lớn, mà phải chờ diễn biến trên thị trường cơ sở (sàn cơ sở mở cửa sau sàn phái sinh 15 phút, khi sàn phái sinh kết thúc đợt ATO).

Kết quả, anh mua được hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 10 ở mức giá 952 điểm, thấp hơn gần 20 điểm so với giá tham chiếu và thấp hơn khoảng 14 điểm so với tham chiếu của VN30.

Mua xong, anh cảm thấy hoảng, vì giá tiếp tục lao dốc, cắt lỗ thì… đau chết! Vội nhìn sang sàn cơ sở thì thấy bảng điện “đỏ lừ”, giá dự kiến khớp mỗi lúc một giảm thêm, tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, TTCK thế giới đêm trước lao dốc.

“Gần đây, tôi không đánh giá cao tác động của diễn biến giá chứng khoán thế giới đến chứng khoán Việt Nam. Ngay cả khi Mỹ quyết định áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi giữa tháng 9 thì chứng khoán Việt vẫn cứ lình xình, thậm chí tăng điểm, dù nhiều thị trường khác, trong đó có Mỹ, giảm điểm. Do đó, tôi quyết định không cắt lỗ”, NĐT nói trước khi thừa nhận, đây là một quyết định không thực sự hợp lý.

Chỉ vì không cam tâm chấp nhận lỗ mà anh đã bỏ qua cơ hội lướt sóng trong phiên, hoặc chuyển sang vị thế bán, bởi giá đóng cửa cuối phiên là 920,2 điểm, gần thấp nhất phiên, giảm 31,8 điểm so với giá mở cửa và giảm 51,4 điểm so với cuối phiên trước (1 điểm tương đương 100.000 đồng, trong khi một hợp đồng có giá trị ký quỹ giao dịch khoảng 18 triệu đồng).

Trao đổi lại với NĐT trên khi phiên giao dịch cuối tuần qua (12/10) kết thúc, anh cho biết, nhiều thị trường trên thế giới vẫn giảm điểm nên giá chứng khoán phái sinh tiếp tục giảm khi mở cửa, nhưng sau đó hồi dần và tăng cao trong phiên chiều.

Anh đã gỡ lại được phần lớn mức thua lỗ hôm trước nhờ kiên định nắm giữ vị thế mua, dù tâm lý ban đầu khá hoảng, phải nộp thêm tiền vào tài khoản nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ giao dịch. Trong khi đó, các bạn anh liên tục mua vào - bán ra nhằm hưởng chênh lệch giá.

Phiên 12/10, VN30 tăng 23,47 điểm, đạt 943,49 điểm; giá hợp đồng đáo hạn tháng 10 tăng 23,8 điểm, đạt 944 điểm. Trong phiên, giá hợp đồng này thấp nhất là 902,9 điểm, cao nhất là 944,5 điểm, còn VN30 thấp nhất là 908,74 điểm, cao nhất là lúc đóng cửa.

“Tôi hiếm khi nắm giữ vị thế qua đêm, vừa qua là kinh nghiệm nhớ đời. Không thể chống lại thị trường, mà cần nương theo xu hướng.

Nếu không hấp tấp trước khi giao dịch phiên sáng 11/10 thì tôi có thể sử dụng vốn để thỏa sức lướt sóng trong phiên, vì biên độ dao động giá lớn và giá có diễn biến nhanh, chứ không như trước, cứ lình xình, rất khó chịu, rất khó kiếm lời, cả ngày chỉ thực hiện được vài ba thương vụ”, NĐT tỏ vẻ tiếc nuối.

Trưởng phòng môi giới tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội cho biết, chỉ số cơ sở biến động mạnh khiến giá phái sinh biến động theo, tạo cơ hội cho các NĐT lướt sóng, liên tục mua - bán trong phiên nhằm hưởng chênh lệch giá, dẫn đến thanh khoản tăng vọt so với trước. 

Kỹ thuật lướt sóng

Vị trưởng phòng môi giới cho rằng, giá phái sinh dựa vào giá cơ sở, nên chỉ có thể "làm giá" trên thị trường cơ sở để hưởng lợi trên thị trường phái sinh, chứ làm ngược lại là không thể.

Nhưng trên thị trường cơ sở cũng rất khó làm giá, vì quy mô quá lớn, chỉ có thể tác động (liên tục mua với giá cao hoặc bán với giá thấp) vào một vài mã có thanh khoản không cao, trong một số điều kiện nhất định, chẳng hạn thị trường đang đi ngang.

Hành động này khiến chỉ số bất ngờ tăng hoặc giảm, qua đó giá phái sinh “chạy” theo. NĐT sẽ hưởng lợi khi thực hiện đóng vị thế trên sàn phái sinh sau khi mở vị thế mua hoặc bán trước đó.

Còn trên sàn phái sinh, khả năng tác động tương tự là có, nhưng phải nương theo thị trường cơ sở. Ví dụ, chỉ số cơ sở đang tăng, nhưng giá phái sinh tăng ít và khối lượng mua bán tại các mức giá gần nhất đều nhỏ, NĐT mở vị thế mua nhiều trước đó có thể liên tiếp mua vào để đẩy giá phái sinh lên một mặt bằng mới, sau đó từ từ chốt lời. Đây không phải là làm giá, mà là kỹ thuật lướt sóng.

“Sàn chứng khoán giờ đây có kỹ thuật lướt sóng rất cao, NĐT nhỏ nếu không cẩn trọng, mua đuổi hoặc bán đuổi, có thể sẽ mắc bẫy “cá mập” hoặc các NĐT giàu kinh nghiệm khác”, vị trưởng phòng môi giới nói.

Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục