Chính rủi ro đó đã giữ cho giá cả ở châu Âu không bị chìm theo giá dầu trong thời gian qua.
Giá khí giao quý I/2015 ở Anh Quốc đã giảm 13% kể từ giữa tháng 6, thấp hơn một nửa so với mức giảm 28% của giá dầu thô Brent trong cùng thời gian. Mặc dù giá dầu Brent là một loại giá cơ sở được sử dụng để xác lập giá của gần một nửa nguồn cung khí ở châu Âu, nhưng cuộc xung đột Nga – Ukraine, cùng với tình hình cung – cầu trên thị trường, đang có tác động đến giá khí lớn hơn việc giảm của giá dầu.
Nguy cơ bị cắt nguồn cung khí trong quý đầu năm sau vẫn còn đó khi Ukraine đang chật vật để thanh toán khoản nợ 3,1 tỷ USD vào cuối năm nay theo một thỏa thuận được EU môi giới trong tuần qua. Liên minh 28 quốc gia EU, đang nhập 15% nhu cầu năng lượng của mình từ Nga, qua đường ống xuyên Ukraine, đã tìm cách để tránh bị lặp lại những sự việc từng xảy ra năm 2006 và 2009, khi căng thẳng giữa các cựu thành viên Soviet về giá và điều khoản thanh toán khí đã dẫn đến sự thiếu hụt nguồn khí trên khắp khu vực ngay giữa mùa đông lạnh giá.
“Lúc này, giá khí ở châu Âu đang thực sự gắn với cuộc khủng khoảng Nga – Ukraine. Bởi vậy, tôi không nghĩ tác động từ giá dầu còn lớn như nó có thể”, Edouard Neviaski, Giám đốc điều hành của GDF Suez Trading, đơn vị thành viên của công ty công ích lớn nhất Pháp, nói trong một cuộc phỏng vấn ở London. “Giá khí có giảm, nhưng không đến nỗi nghiêm trọng”.
Giá khí giao quý I/2015 ở Anh Quốc, thị trường lớn nhất châu Âu, đã giảm 1,1% trong ngày hôm qua (4/11) xuống còn 55,33 pence/1 triệu BTU (8,85 USD/1 triệu BTU) trên Sở giao dịch hàng hóa ICE ở London, trong khi giá dầu Brent giảm 2,4% xuống còn 82,73 USD/thùng.
Nga đã ngừng cung cấp khí cho Ukraine kể từ ngày 16/6 với lý do, theo OAO Gazprom, là Ukraine vẫn chưa thanh toán khoản nợ 5,3 tỷ USD tiền khí. Việc cắt nguồn khí này đến sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine trong tháng 3 và khi cuộc xung đột giữa Kiev và lực lượng nổi dậy ủng hộ Nga ở miền đông Ukraine làm chết hơn 4.000 người.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent bắt đầu giảm từ tháng 6 khi sản lượng dầu ở Mỹ tăng mạnh cùng lúc nhu cầu chậm lại ở châu Âu và Trung Quốc.
Nền kinh tế EU vẫn có nguy cơ rơi vào giảm phát khi chỉ số giá tiêu dùng còn ngấp nghé mức 0%. Hôm qua, EU đã cắt mức dự báo lạm phát năm 2015 xuống còn 0,8%. Đó là một mức bi quan hơn dự đoán của Ngân hàng Trung ương châu Âu, 1,1%.
Giảm phát, nếu xảy ra, có thể đẩy nền kinh tế EU rơi vào một thập kỷ mất mát, thậm chí còn tệ hơn cả những gì Nhật Bản đã trải qua.