Mặt trái của vay ngoại tệ khi tỷ giá tăng

(ĐTCK) Quý I/2020, HVN, BSR, POW… phải ghi nhận hàng trăm tỷ đồng lỗ tỷ giá do có các khoản vay lớn bằng ngoại tệ. Các khoản ghi nhận này chưa phải lỗ thật, nhưng nếu dịch bệnh không dứt hẳn và đồng USD tiếp tục mạnh lên, sẽ chất thêm gánh nặng nợ gốc, nợ vay cho các doanh nghiệp đang vay bằng ngoại tệ mạnh.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Nợ ngoại tệ lớn, doanh nghiệp phải ghi nhận lỗ tỷ giá

Quý I/2020, tỷ giá USD có xu hướng tăng từ 23.170 đồng lên 23.630 đồng, tăng gần 2% và hiện đã điều chỉnh nhẹ về vùng 23.446 đồng. Xu hướng USD lên giá trùng khớp với xu hướng chỉ số Dollar Index tăng 3,1% trong quý I/2020.

Mặt trái của vay ngoại tệ khi tỷ giá tăng ảnh 1

Biểu đồ tỷ giá USD/VND (thể hiện sự lên giá của USD trong thời gian qua).

Quan sát kết quả kinh doanh quý I cho thấy, các doanh nghiệp có dư nợ liên quan gốc ngoại tệ lớn đều có điểm chung là lỗ tỷ giá tăng kỷ lục so với cùng kỳ năm 2019.

Đặc biệt là nhóm doanh nghiệp ngành sản xuất, trước đây để mở rộng nhà máy đã vay ngoại tệ để xây dựng, sau đó vận hành và trả dần nợ vay, trong đó có cả doanh nghiệp điện, phân bón, lọc dầu…

Mặt trái của vay ngoại tệ khi tỷ giá tăng ảnh 2

Tại Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), tính tới 31/3/2020, BSR có dư nợ vay 8.406,9 tỷ đồng, chiếm 17,7% tổng nguồn vốn. Thuyết minh báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy, trong tổng 5.898,5 tỷ đồng vay dài hạn, có 5.830,2 tỷ đồng là vay bằng USD, chiếm 98,5% tổng dư nợ vay dài hạn. Điều này tiếp tục là gánh nặng đối với BSR trong thời gian tới, đòi hỏi có giải pháp để Công ty duy trì khả năng trả nợ và giảm vay nợ.

 Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HVN) cũng gặp khó khăn kép từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tới dư nợ vay ngoại tệ lớn.

Tính tới 31/3/2020, HVN có tổng dư nợ vay 35.571 tỷ đồng, chiếm 50,1% tổng nguồn vốn. Trong đó, 10.781 tỷ đồng là dư nợ vay ngắn hạn và 24.790 tỷ đồng dư nợ vay dài hạn.

HVN không thuyết minh cụ thể về từng loại ngoại tệ đang vay, nhưng theo thuyết minh báo cáo tài chính năm 2019, Tổng công ty có dư nợ vay ngắn hạn là 6.508 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn là 25.427 tỷ đồng.

Trong số này, có các khoản thuê nợ tài chính từ các tổ chức nước ngoài lên tới 21.529 tỷ đồng, bao gồm Ngân hàng Citibank 7.402 tỷ đồng, Tập đoàn ING 8.702,6 tỷ đồng, Ngân hàng MUFG 1.824,6 tỷ đồng, Ngân hàng JP Morgan Chase 1.605,4 tỷ đồng, Ngân hàng HSBC 1.408 tỷ đồng và Ngân hàng Credit Agricole 587 tỷ đồng.

Tỷ giá tăng đã tác động tiêu cực tới HVN khi lỗ tỷ giá lên tới 781,8 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ.

Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (POW) có tổng dự nợ là 16.824 tỷ đồng, chiếm 29,5% tổng nguồn vốn.

Trong đó, 8.555 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 8.269 tỷ đồng nợ vay dài hạn. POW thuyết minh có 8.538,2 tỷ đồng dư nợ vay bằng USD, 763,3 tỷ đồng dư nợ vay bằng Euro.

Trong kỳ, POW đã phải ghi nhận mức lỗ 136,1 tỷ đồng từ tỷ giá. Đây là một nguyên nhân khiến cho lợi nhuận quý I/2020 của POW giảm gần 45%, về mức 505 tỷ đồng.

Mặc dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ tỷ giá, nhưng POW lại được hưởng lợi từ việc giá khí đầu vào giảm, việc ghi nhận lỗ tạm tính tỷ giá chưa ảnh hưởng trực tiếp tới dòng tiền, báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kỳ vẫn dương 1.305 tỷ đồng, lượng tiền mặt trong kỳ tăng từ 5.083,3 tỷ đồng, lên 5.407,1 tỷ đồng.

CTCP Nhiệt điện Hải Phòng (HND) có tổng dư nợ tính tới 31/3/2020 là 5.055,8 tỷ đồng, chiếm 38,8% tổng nguồn vốn. Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn là 1.904 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn là 3.151,5 tỷ đồng.

Công ty này cũng không thuyết minh cụ thể loại tiền tệ vay trong báo cáo quý I/2020 là ngoại tệ nào, nhưng trong báo cáo năm 2019, doanh nghiệp có ghi nhận nợ vay ngắn hạn là 1.870 tỷ đồng, nợ vay dài hạn 3.527,2 tỷ đồng, trong đó vay tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc 4.539 tỷ đồng, vay Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản 538,7 tỷ đồng.

Các khoản vay này có thời gian đáo hạn từ 2021 - 2024, chính vì vậy có thể xem như đây chính là nguồn ngoại tệ đã ảnh hưởng tiêu cực tới báo cáo quý I vừa qua.

HND ghi nhận lỗ tỷ giá là 88,3 tỷ đồng trong quý I/2020. Bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tỷ giá, nhưng lợi nhuận sau thuế của HND vẫn đạt 200 tỷ đồng, tăng 101% so với cùng kỳ. Lợi nhuận tăng trưởng do doanh thu tăng trưởng gần 24% và biên lợi nhuận gộp cải thiện mạnh từ 9,9% lên 13% trong kỳ.

Được biết, HND là doanh nghiệp sản xuất điện từ than, các nhà máy mới vận hành có hiệu quả ngày một cải thiện và đặc biệt giá than đầu vào giảm hơn 46% so với cùng kỳ, là lý do HND ghi nhận lãi tốt.

Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) có tổng dư nợ vay là 1.826,6 tỷ đồng, chiếm 17,9% tổng nguồn vốn.

Trong đó, 1.150,7 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 675,8 tỷ đồng nợ vay dài hạn. Báo cáo năm 2019 cho biết, DCM có dư nợ vay ngắn hạn 1.156,4 tỷ đồng, dư nợ vay dài hạn 628,5 tỷ đồng, trong đó có 1.369,7 tỷ đồng vay bằng USD, nên nhiều khả năng dư nợ vay hiện tại vẫn chiếm trọng số là USD.

Quý I/2020, DCM ghi nhận lỗ tỷ giá là 19,7 tỷ đồng, tăng 17,2 lần so với cùng kỳ. Được biết, DCM giai đoạn đầu xây dựng nhà máy bằng nợ vay được Tập đoàn Dầu khí đảm bảo giá khí ưu đãi, doanh nghiệp liên tục trả bớt nợ vay dài hạn.

Nếu như năm 2016, dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 5.897,5 tỷ đồng, chiếm 45,5% tổng nguồn vốn thì nay đã giảm 69% giá trị nợ vay. Nhờ vào việc liên tục hạ tỷ trọng nợ vay, ảnh hưởng tỷ giá đã giảm dần theo thời gian với DCM.

NT2, PPC may mắn… bớt nợ

Hai công ty từng có dư nợ vay ngoại tệ lớn là CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) và CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC), nay đã trả hết hoặc gần hết nợ vay. Theo đó, tác động của biến động tỷ giá đến các doanh nghiệp này không còn lớn.

Cụ thể, nếu như năm 2016, NT2 có dư nợ vay ngắn hạn và dài hạn là 4.742 tỷ đồng, chiếm 36,5% tổng nguồn vốn, thì nay chỉ còn 1.849,5 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng nguồn vốn.

Báo cáo quý I/2020 của NT2 cho biết, tính tới 31/3/2020, với dư nợ vay 33.455.416 USD và 29.774.985 Euro. Công ty đang tạm ghi nhận mức lỗ tỷ giá 8,5 tỷ đồng. Mức lỗ này chiếm 0,5% doanh thu thuần tại NT2.

PPC hiện tại không có dư nợ ngoại tệ, trong khi PPC từng vay lớn bằng đồng Yên Nhật (năm 2016, dư nợ bằng đồng Yên là 4.207,4 tỷ đồng, chiếm 39,7% tổng nguồn vốn). Theo đó, biến động tỷ giá đã không còn ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của PPC.

Nợ vay nước ngoài có tính hai mặt, có thể giúp doanh nghiệp nguồn tài chính để nhanh chóng xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, nhưng nó cũng kèm theo rủi ro biến động tỷ giá, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp.

Dịch bệnh Covid-19 xảy ra khiến nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các chủ doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới tập trung vào tích trữ đồng tiền mạnh, chỉ số Dollar tăng so với nhiều đồng tiền khác...

Nếu tới đây không có chuyển biến nào làm thay đổi hướng chảy của dòng tiền trên thị trường tài chính toàn cầu thì áp lực lên các doanh nghiệp có dư nợ ngoại tệ lớn, đặc biệt là vay nợ bằng USD sẽ còn rất lớn.

Áp lực này chất thêm gánh nặng lên cả việc trả lãi, trả nợ gốc và sẽ càng khó khăn hơn nếu các doanh nghiệp đang vay nợ bị suy giảm nguồn doanh thu bằng ngoại tệ.

Đó là một phần bức tranh doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực từ tỷ giá. Nợ của Chính phủ cũng phải chịu thêm áp lực khi tỷ giá tăng lên.

Tuy nhiên, điều may mắn là trong gần 10 năm qua, Chính phủ đã phát triển mạnh thị trường trái phiếu trong nước, nên tỷ lệ vay nợ nước ngoài đã giảm khá mạnh.

Nếu năm 2011, dư nợ vay nước ngoài chiếm 61% dư nợ Chính phủ thì đến hết năm 2019 tỷ trọng vay vốn nước ngoài chỉ còn 37,7% tổng dư nợ của Chính phủ.

Kênh phát hành trái phiếu đã hỗ trợ Chính phủ tích cực trong việc cơ cấu các loại nợ, giảm lãi vay, nhưng với các doanh nghiệp, thị trường trái phiếu chưa được tổ chức và vận hành ổn định, để giúp các doanh nghiệp có cơ hội tìm vốn từ nhà đầu tư nội, giảm bớt đi hoạt động vay nợ nước ngoài.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục