HVN và câu chuyện trích trước chênh lệch tỷ giá
Báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2019 của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (HVN) đang gây chú ý khi kiểm toán viên của Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam nêu ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc trích lập 170 tỷ đồng chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá cho kỳ hoạt động 6 tháng đầu năm 2019. Ðiều này đồng nghĩa với việc nếu loại trừ chi phí này, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sẽ tăng thêm khoảng 170 tỷ đồng.
Giải thích nguyên nhân trích lập, ông Nguyễn Xuân Thủy, Phụ trách quản trị, Thư ký HVN cho biết, chi phí trích trước tỷ giá được dựa trên ước tính của Ban giám đốc Tổng công ty về sự suy giảm giá trị của VND so với các ngoại tệ mạnh (chủ yếu là USD) khoảng 2% cho cả năm 2019.
“Ðây là phương pháp ước tính được HVN xét thấy là hợp lý và phù hợp giữa kết quả sản xuất - kinh doanh giữa niên độ với cả năm", ông Thủy nói.
Ðây không phải là lần đầu tiên câu chuyện trích lập rủi ro tỷ giá phát sinh với HVN, mà đã được thực hiện từ năm 2016 đến nay và trước đó cũng đã bị đơn vị kiểm toán đưa ý kiến ngoại trừ do đánh giá việc ghi nhận chi phí phải trả lỗ chênh lệch tỷ giá dự kiến phát sinh trong tương lai là chưa phù hợp với Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 10 cũng như Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Trước đây, HVN đăng ký giao dịch trên UPCoM, nên việc bị kiểm toán ngoại trừ không ảnh hưởng nhiều đến nhà đầu tư. Sau khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ tháng 5/2019, việc thực hiện chính sách trích lập và bị kiểm toán ngoại trừ tại HVN được nhà đầu tư quan tâm hơn, bởi lẽ theo quy định với cổ phiếu niêm yết, báo cáo tài chính nếu không được đơn vị kiểm toán chấp thuận toàn phần sẽ không được phép đưa vào danh mục được ký quỹ của Sở giao dịch.
Như vậy, với báo cáo tài chính bán niên 2019 đã được công bố, sau khi đáp ứng đủ thời gian niêm yết 6 tháng (tháng 11/2019), nhà đầu tư sẽ phải chờ ít nhất là đến khi có báo cáo tài chính kiểm toán cả năm (khoảng cuối tháng 3, đầu tháng 4/2020) để có thể hy vọng cổ phiếu HVN được phép giao dịch ký quỹ.
Tỷ giá và gánh nặng của những doanh nghiệp vay nợ lớn ngoại tệ
HVN là doanh nghiệp vận tải hàng không, có tài sản cố định lớn là máy bay phải đặt mua, đi thuê từ nước ngoài. Do đó, vay ngoại tệ (chủ yếu là USD) từ lâu là nguồn tài trợ quan trọng trong cấu trúc vốn của HVN, điều này khiến kết quả kinh doanh chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi biến động tỷ giá.
Chẳng hạn, năm 2018, HVN lỗ ròng về chênh lệch tỷ giá (lãi trừ lỗ) 820,4 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2018, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố tăng 1,6% và tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tăng 2,7% so với đầu năm.
Không ít doanh nghiệp khác đang có các khoản vay ngoại tệ lớn như Công ty cổ phần Ðiện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2), Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1), Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí Việt Nam (POW), Công ty cổ phần Nhiệt điện Bà Rịa (BTP), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX)…
Tại HND, báo cáo tài chính quý II/2019 cho biết, Công ty đạt 435,1 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm 2018, ghi nhận mức lãi trong 1 quý cao nhất từ trước đến nay. Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 539,7 tỷ đồng, tăng 55,6% so với cùng kỳ.
Giá vốn hàng bán tăng mạnh (phần lớn do giá than tăng) khiến lợi nhuận gộp trong nửa đầu năm nay của HND giảm 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chi phí tài chính giảm 44,6%, chủ yếu nhờ giảm lỗ chênh lệch tỷ giá, đã giúp lợi nhuận tăng trưởng.
Thời điểm cuối tháng 6/2019, HND có 6.367,8 tỷ đồng nợ vay, bao gồm 4.486,6 tỷ đồng nợ vay dài hạn và 1.881,2 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn (đa số là khoản vay dài hạn đến hạn trả trong vòng 12 tháng). Ðây là các khoản vay đầu tư Nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 1 và 2. Trong đó, khoảng 80% vay bằng USD, còn lại một phần vay bằng JPY, khiến lợi nhuận thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá 2 đồng tiền này.
PLX - doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất cả nước, thị trường chủ yếu tiêu thụ tại nội địa trong khi cơ cấu vốn có khoản vay ngoại tệ lớn cũng có lợi nhuận chịu ảnh hưởng lớn bởi biến động tỷ giá. Năm 2018, tỷ giá USD/VND tăng khiến PLX ghi nhận lỗ ròng chênh lệch tỷ giá 271,5 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2019, tỷ giá ổn định hơn nên chi phí lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 52,1% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần quan trọng giúp lợi nhuận trước thuế của PLX tăng 8,4% so với cùng kỳ.
Thực tế, không phải doanh nghiệp nào có vay nợ ngoại tệ cũng gặp bất lợi khi tỷ giá tăng. Ðối tượng chịu bất lợi thường là các doanh nghiệp nhập khẩu và nguồn doanh thu chủ yếu từ nội tệ như HND hay PLX. Ngược lại, với nhóm doanh nghiệp xuất khẩu, khi tỷ giá giá tăng, các doanh nghiệp sẽ hưởng lợi từ việc quy đổi nguồn thu từ ngoại tệ sang VND, tăng lợi thế cạnh tranh về giá khi xuất khẩu. Trong khi đó, rủi ro tỷ giá với khoản vay ngoại tệ được phòng ngừa bằng chính nguồn doanh thu ngoại tệ.
Một thực tế khác là việc doanh nghiệp sử dụng vay nợ bằng ngoại tệ cũng đem lại những lợi ích về chi phí vốn. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, dòng vốn đầu tư nước ngoài tốt, giá VND so với USD tăng thấp, bình quân mỗi năm chỉ tăng trên dưới 2%, đi vay ngoại tệ với mức lãi suất thấp hơn nhiều so với VND sẽ giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí lãi vay, dù tính cả rủi ro tỷ giá.
Tuy vậy, trong khi chi phí lãi vay được hạch toán dựa trên lãi vay và dư nợ gốc trong từng kỳ kế toán và có xu hướng giảm dần theo việc trả bớt nợ gốc, thì tỷ giá biến động lại làm con số lãi lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản có nguồn gốc ngoại tệ cũng như lợi nhuận của doanh nghiệp biến động mạnh qua các kỳ. Ðiều này ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch kinh doanh cũng như tác động đến thị giá cổ phiếu trên thị trường.
Áp lực tỷ giá năm nay sẽ nhẹ bớt
Sau giai đoạn ổn định trong nửa đầu năm, sức ép lên tỷ giá được đánh giá lớn hơn từ những biến động trên thị trường quốc tế như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lại căng thẳng, Trung Quốc lập mức tỷ giá tham chiếu CNY/USD lên trên 7 CNY/USD lần đầu tiên kể từ năm 2009, ngân hàng trung ương nhiều nước thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ thông qua cắt giảm lãi suất… Không ít đồng tiền trong khu vực giảm giá mạnh so với USD.
Biến động Tỷ giá một số đồng tiền trong khu vực so với USD năm 2019
Tính đến ngày 21/8/2019, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố là 23.120 VND/USD, tăng 1,27%; tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào ở mức 23.200 VND/USD, tăng 2,2%; bán ra ở mức 23.764 VND/USD, tăng 1,39% so với cuối năm 2018. Công ty Chứng khoán MB đánh giá, mức điều chỉnh này là sự nới rộng biên độ dự phòng trong trường hợp thị trường biến động mạnh, còn trên thị trường, tỷ giá USD/VND vẫn duy trì sự ổn định.
Thực tế, tại các ngân hàng thương mại, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND biến động không đáng kể. Chẳng hạn, giá mua vào USD tại Vietcombank ngày 21/8 là 23.140 đồng, giảm 15 đồng so với cuối năm 2018; giá mua USD tại Techcombank tăng 11 đồng đối với mệnh giá 50 - 100 USD.
Cơ sở để kỳ vọng tỷ giá tiếp tục ổn định trong những tháng cuối năm là nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tốt, lãi suất, lạm phát được kiểm soát, sẽ giải áp lực từ bên ngoài.
Biến động tỷ giá USD/VND trong 5 năm qua.
Số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2019 đạt 145 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 143,3 tỷ USD, cả nước xuất siêu khoảng 1,7 tỷ USD. Ðối với dòng vốn FDI, theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, tính đến 20/7/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt 20,22 tỷ USD; vốn FDI thực hiện trong 7 tháng đạt 10,55 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2018. Dòng tiền vào tốt đã tạo cân đối cung cầu ngoại tệ, nguồn cung dồi dào tạo dư địa điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thuận lợi hơn.
Báo cáo chuyên đề “Dự báo biến động tỷ giá dưới sức ép giảm giá của nhân dân tệ” tháng 8/2019 của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định, áp lực giảm giá VND trong thời gian tới chưa cao, Ngân hàng Nhà nước có dư địa để điều hành tỷ giá.
Biến động tỷ giá dự báo trong biên độ hẹp sẽ giúp doanh nghiệp giảm rủi ro tỷ giá trong nửa cuối năm. Ngoài ra, đối với thị trường chứng khoán, tỷ giá ổn định sẽ giữ chân dòng vốn ngoại, đồng thời thu hút dòng vốn mới.