Bài toán đổi lợi nhuận, giữ thị phần

(ĐTCK) Việc CTCP Chứng khoán SSI (SSI) tung ra gói lãi suất cho vay 9%/năm được đánh giá là tín hiệu cho thấy khả năng các công ty chứng khoán nhóm đầu sẽ nhảy vào cuộc đua đánh đổi lợi nhuận để giành, giữ thị phần trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. 
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Hy sinh lợi nhuận để giành thị phần

Giữa những ngày thị trường chứng khoán biến động bất thường bởi lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh và dòng tiền khối ngoại liên tục rút ròng, CTCP Chứng khoán SSI (SSI) vừa công bố gói margin (cho vay ký quỹ) có quy mô 2.000 tỷ đồng, với lãi suất chỉ 9%/năm.

Tuy vậy, theo chia sẻ từ một số chuyên viên tư vấn của SSI, không phải toàn bộ dư nợ của khách hàng phát sinh đều được hưởng mức lãi suất này. Cụ thể, đối với khách hàng mới phát sinh dư nợ sẽ chỉ được hưởng mức lãi suất ưu đãi này trên 50% dư nợ. Thời gian ưu đãi cũng có hạn.

Trên website của CTCP Chứng khoán Pinetree cũng đang giới thiệu chính sách phí margin/ứng trước chỉ 0,025%/ngày (tương đương 9%/năm) cho nhà đầu tư mà không có điều kiện đi kèm.

Tại CTCP Chứng khoán AISEC (AIS), mức phí margin 9%/năm cũng được áp dụng cho khách hàng có dư nợ dưới 1 tỷ đồng/ngày, với mức dư nợ cao hơn sẽ áp dụng mức lãi tương đương 12%/năm.

Trong khi đó, Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset (MAS) đang áp dụng lãi suất vay từ 9,5 - 9,9%/năm cho khách hàng mở tài khoản ký quỹ từ ngày 1/1 cho đến hết 30/6/2020, gối đầu các chương trình ưu đãi trong năm 2019.

Giảm lãi margin, giảm phí giao dịch, nhất là cho khách hàng mở mới tài khoản đã và đang trở thành vũ khí được các công ty chứng khoán nhóm sau sử dụng trong cuộc đua giành thị phần từ đầu năm 2019 đến nay, mà tiên phong là các công ty có dòng vốn ngoại hậu thuẫn.

Trái ngược với sự sôi động của khối công ty chứng khoán có nguồn vốn ngoại, trong nhóm công ty chứng khoán nội, ngoài VPS liên tục quảng bá chính sách miễn, giảm phí giao dịch thì câu chuyện giảm lãi suất tại khối các công ty chứng khoán Top đầu khá âm thầm.

Điều này được cho rằng đến từ sự khác biệt về chi phí vốn giữa khối công ty chứng khoán có dòng vốn ngoại và khối công ty chứng khoán nội.

Cụ thể, trong khi công ty chứng khoán trong nước chủ yếu vay ngân hàng hoặc huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu thì các công ty chứng khoán có vốn ngoại vừa có sự hỗ trợ vốn của các tập đoàn, thông qua các đợt tăng vốn chủ sở hữu ồ ạt còn được hưởng lãi suất khá ưu đãi khi đi vay từ tập đoàn mẹ hoặc bảo đảm vay ngoại tệ.

Chẳng hạn, báo cáo tài chính quý IV/2019 của CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam cho biết, toàn bộ 1.161 tỷ đồng dư nợ vay ngắn hạn đến cuối năm 2019 có mức lãi suất chỉ 4,6%/năm.

Chưa thuyết minh chi tiết, nhưng nhiều khả năng một phần trong số này là khoản vay 30 triệu USD từ Korea Investment Holdings có thời hạn 1 năm (từ tháng 6/2019 - 6/2020) được Hội đồng quản trị KIS thông qua trong tháng 5/2019.

Trong khi đó, với khối công ty nội, đơn cử như tại SSI, báo cáo tài chính riêng quý IV/2019 cho biết, 63,5% dư nợ vay ngắn hạn đến cuối năm có lãi suất từ 8,5%/năm trở xuống, còn lại có lãi suất từ 7,4%/năm trở xuống.

Tại CTCP Chứng khoán Bản Việt (VCI), tháng 12/2019, Công ty đã phát hành 331,5 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất từ 7 - 7,5%/năm. Tại CTCP Chứng khoán VNDIRECT (VNDS), trong 2 đợt phát hành trái phiếu tháng 12/2019 thu về tổng cộng 103,6 tỷ đồng, mức lãi suất thậm chí lên đến 9,8%/năm.

Rõ ràng, với mức chi phí đầu vào này, dù áp dụng mức lãi suất đầu ra từ 9 - 11%/năm, công ty chứng khoán ngoại vẫn có được biên lợi nhuận tốt từ cho vay margin.

Trong khi với mức lãi suất phổ biến từ 12 - 14%/năm, công ty chứng khoán nội không có biên lợi nhuận tốt hơn, chưa nói khả năng cạnh tranh sẽ kém hơn.

Nếu áp dụng lãi suất tương đương khối công ty ngoại, khối công ty chứng khoán nội chịu rủi ro thu không đủ bù chi.

Trong bối cảnh ấy, câu chuyện SSI tung ra gói lãi suất 9%/năm được đánh giá là tín hiệu cho thấy khả năng các công ty chứng khoán nội cũng sẽ nhảy vào cuộc đua giành và giữ khách hàng, sẵn sàng đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần.

Với các công ty chứng khoán đã niêm yết trên sàn chứng khoán, việc đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần không phải bao giờ cũng dễ thực hiện, mà không vấp phải sự chất vấn của cổ đông.

Tuy vậy, đây là bài toán phải lựa chọn đánh đổi giữa lợi ích trước mắt và câu chuyện dài hạn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt.

Bài toán đổi lợi nhuận, giữ thị phần ảnh 1

Theo bảng thị phần môi giới cổ phiếu cả năm 2019 do HOSE công bố, mặc dù SSI vẫn giữ vị trí dẫn đầu với 13,96%, nhưng đã giảm 4,74 điểm phần trăm so với năm 2018.

Thị phần của CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) là 10,54%, giảm 0,7 điểm phần trăm.

Tính chung Top 5 công ty chứng khoán dẫn đầu, dù tên tuổi không thay đổi, lần lượt là SSI, HCM, VCI, VND và MBS, nhưng tổng thị phần trong năm 2019 chỉ còn 44,3%, từ mức 53,8% của năm 2018.

Trong khi đó, KIS, VPS, MAS, KBSV lại vươn lên mạnh mẽ. Điểm chung là các doanh nghiệp này đều đã có sự cắt giảm phí, lãi suất mạnh tay cho khách hàng.

Trong bối cảnh đó, nếu không sớm hành động, việc tụt dốc tại nhóm đầu là khó tránh, tương tự như việc nhiều công ty chứng khoán đã lặng lẽ ra khỏi Top 10 thị phần trong năm qua.

Thực tế, từ đầu năm nay, CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đã công bố thay đổi biểu phí giao dịch từ cố định 0,15% trên giá trị giao dịch sang biểu phí bậc thang với mức tối thiểu chỉ còn 0,1%, áp dụng cho các giá trị giao dịch trong ngày từ 10 tỷ đồng trở lên.

Đây được đánh giá là động thái “dũng cảm” của FPTS khi thông thường tại các công ty chứng khoán, giá trị giao dịch lớn thường tập trung vào một số khách hàng lớn hoặc các giao dịch thỏa thuận, do vậy, chính sách phí bậc thang có thể ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu từ các khách hàng này.

Cổ phiếu chứng khoán, kỳ vọng từ câu chuyện riêng

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/3 tại mức 16.800 đồng/cổ phiếu, dù vừa hồi phục 6,3% sau 3 phiên giao dịch nhưng thị giá cổ phiếu SSI hiện vẫn thấp hơn 6,9% so với đầu năm 2020.

So với mốc xa hơn là đầu năm 2019, thị giá SSI đã mất 34,1%. So với mức đỉnh giá đầu tháng 4/2018, mức giảm lên đến 60%.

Thị giá giảm mạnh trong hơn 1 năm trở lại đây cũng là tình trạng chung của hàng loạt “ông lớn” ngành chứng khoán như HCM, VCI, BVS, MBS…

Diễn biến này là dễ hiểu trong bối cảnh thị trường chứng khoán kém tích cực, với thanh khoản và điểm số cùng suy giảm, câu chuyện cổ phần hóa, bán vốn, thoái vốn nhà nước chững lại khiến các mảng môi giới, tự doanh, tư vấn của khối công ty chứng khoán đều gặp khó.

Điểm sáng của hoạt động cho vay ký quỹ không đủ giúp lợi nhuận thoát cảnh giảm sâu.

Đặc biệt, từ đầu năm tới nay, dịch cúm Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến sức tăng trưởng chung của nền kinh tế, dòng tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán, cuộc cạnh tranh trong nội bộ ngành chứng khoán lại càng khốc liệt hơn.

Tuy vậy, giữa bối cảnh khó khăn của thị trường, vẫn có những cổ phiếu đi ngược xu hướng.

Chẳng hạn, cổ phiếu TVB (của CTCP Chứng khoán Trí Việt) có chuỗi tăng giá ấn tượng gần 100% chỉ từ tháng 12/2019 đến cuối tháng 2/2020.

Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa tổ chức, lãnh đạo TVB cho rằng, giá cổ phiếu được hưởng lợi nhờ Công ty có kết quả kinh doanh năm 2019 khởi sắc hơn so với mặt bằng chung và cổ phiếu TVB lọt vào bộ chỉ số VNFIN SELECT của HOSE.

Số lượng cổ phiếu TVB tự do giao dịch cũng không nhiều, do sở hữu chi phối của cổ đông lớn hay việc TVB tích cực tiếp xúc các cổ đông chiến lược nước ngoài tiềm năng để mua cổ phiếu làm cổ đông lớn TVB ở mức giá thâu tóm.

Trong khi 3 nguyên nhân đầu không có nhiều điểm mới thì nguyên nhân thứ thứ 4 được đánh giá là điểm nhấn thu hút sự chú ý của thị trường với TVB.

Cũng tại Đại hội lần này, TVB đã thông qua phương án nới room ngoại lên 75%, mở đường cho khả năng M&A trong thời gian tới.

Một cổ phiếu chứng khoán khác là SHS (của CTCP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội) đã tăng gần 30% chỉ trong 2 tuần cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020.

Động lực tăng giá đến từ sự bứt phá mạnh mẽ của cổ phiếu SHB, khi tăng giá gần 90% trong thời gian này.

Với việc nắm giữ lượng cổ phiếu SHB trị giá 120,8 tỷ đồng ghi nhận trong danh mục tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL), tương đương khoảng 15,7 triệu cổ phiếu đến cuối năm 2019, sự bứt phá thị giá của cổ phiếu SHB trong thời gian qua nhiều khả năng sẽ đem lại lợi nhuận đột biến cho SHS trong quý đầu năm, bên cạnh kỳ vọng bứt phá về thị phần.

Trong tình hình khó khăn của thị trường chung, khó kỳ vọng vào sự khởi sắc đồng đều, tạo sóng ngành cho nhóm cổ phiếu chứng khoán trong năm 2020.

Tuy vậy, cơ hội tìm kiếm lợi nhuận với cổ phiếu chứng khoán vẫn hiện hữu, đến từ những câu chuyện riêng.

Đơn cử, làn sóng M&A của dòng vốn ngoại được đánh giá sẽ tiếp tục diễn ra trong năm nay, đem lại khả năng tăng giá cổ phiếu cho những doanh nghiệp mục tiêu.

Khắc Lâm

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục