Mất tiền để nhận “trái đắng” từ quảng cáo trực tuyến

Phó thác việc quảng cáo hình ảnh thương hiệu trên Internet mà không kiểm soát, nhiều thương hiệu lớn đã phải nhận “trái đắng”.
Đã đến lúc các thương hiệu lớn phải nghiêm khắc, cẩn trọng hơn với quảng cáo trực tuyến. Đã đến lúc các thương hiệu lớn phải nghiêm khắc, cẩn trọng hơn với quảng cáo trực tuyến.

Doanh nghiệp “ngậm đắng”…

Thông tin khuyến mại về một tour du lịch tàu biển được đặt bên cạnh một bài báo về một vụ lật tàu. Một bài PR cho nhãn hiệu lốp xe được hiển thị trên một đoạn video đăng tải trên Youtube về một vụ tai nạn xe hơi…

Đó là những ví dụ mà ông Niall Hogan, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á của IAS chỉ ra khi nhiều doanh nghiệp chọn kênh quảng cáo trực tuyến. 

“Khảo sát được Verisite công bố trong năm 2017 cho thấy, có tới 113 thương hiệu chính thống quảng cáo thường xuyên trên 50 trang web lậu lớn nhất Việt Nam.

Nhãn hàng chính thống được quảng cáo cùng với nội dung khiêu dâm, phần mềm độc hại, các trò cá độ, cờ bạc, các sản phẩm độc hại khác trên các trang vi phạm bản quyền”, chuyên gia IAS cho biết.

Tháng 12/2017, một loạt nhãn hàng quen thuộc với người tiêu dùng như Thaco, Viettel, Vietjet Air, Thế giới Di động, Pond's, Nestlé, Abbott, Lidl, Mars, Cadbury, Adidas, Deutsche Bank, Cadbury và Hewlett-Packard... bị phát hiện có quảng cáo hiển thị trên các nội dung không phù hợp với trẻ em, thu hút nhiều bình luận tục tĩu, mang tư tưởng ấu dâm, hoặc nội dung vi phạm pháp luật.

Các nhãn hàng này đã phản ứng dữ dội, thậm chí đồng loạt ngừng chạy quảng cáo trên YouTube, gây áp lực với doanh nghiệp này. 

Thực trạng trên cho thấy, đã đến lúc các thương hiệu lớn phải nghiêm khắc, cẩn trọng hơn với quảng cáo trực tuyến. Đồng thời đặt ra bài toán quản lý quảng cáo trực tuyến cho cơ quan nhà nước.

Cơ quan quản lý sẽ không “nuốt cay”

Cả hai đại gia công nghệ Google và Facebook đang là “ông trùm” quảng cáo lớn tại Việt Nam. Chỉ tính trong năm 2017, hai đơn vị này chiếm 66% thị phần quảng cáo trực tuyến, các báo điện tử, mạng xã hội, thông tin trong nước chỉ chiếm 7%, 27% rơi vào hệ thống quảng cáo Adnetwork, trong đó Google và Facebook chiếm hơn một nửa.

Như vậy, Facebook và Google chiếm 80% thị phần quảng cáo, nhưng không đóng một đồng thuế nào.

Ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tình trạng video xấu, độc, ảnh hưởng tiêu cực cho các doanh nghiệp, các đơn vị quảng cáo và cả Google.

Cả 7 công ty quảng cáo lớn nhất tại Việt Nam đều mong muốn Chính phủ có giải pháp để doanh nghiệp an tâm quảng cáo trên mạng xã hội.

Đã đến lúc các thương hiệu lớn phải nghiêm khắc, cẩn trọng hơn với quảng cáo trực tuyến, bởi đây là con dao 2 lưỡi

Ngay sau khi phát hiện ra hàng loạt quảng cáo gắn nội dung độc hại, ảnh hưởng đến thương hiệu các nhãn hàng lớn của Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có các cuộc làm việc với Google, Facebook. Nhưng khi mời cả 3 bên tham gia (bao gồm doanh nghiệp có nhãn hàng, đại lý quảng cáo và những nhà cung cấp nền tảng như Google, Facebook) đều đổ lỗi cho nhau.

Siết quảng cáo trực tuyến

Giải pháp kỹ thuật được Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra là, sẽ phân loại các kênh nội dung trên YouTube làm hai danh sách: trắng và đen.

Danh sách trắng là các kênh có nội dung sạch, các nhãn hãng có thể quảng cáo, còn danh sách đen là các kênh có nội dung có nội dung xấu độc, các nhãn hàng không nên đặt quảng cáo.

Theo ông Lê Quang Tự Do, việc lập ra một danh sách các kênh YouTube sạch để khuyến khích những tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh đàng hoàng, lâu dài trên YouTube thì hãy tự nguyện đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ sẽ gửi danh sách này cho các đại lý quảng cáo, doanh nghiệp để họ quảng cáo trên đó. Việc quản lý các kênh YouTube trong nước sẽ tránh được hiện tượng quảng cáo trên các kênh xấu độc của các nhãn hàng.

Cơ quan quản lý kỳ vọng, giải pháp này sẽ phòng chống thông tin xấu độc, quản lý quảng cáo trực tuyến hiệu quả, giúp Nhà nước thu thuế được từ những người làm nội dung trên YouTube, Facebook.

Hữu Tuấn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục