Ngày 9/4 tới, Mỹ chính thức áp thuế 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, mức thuế này được ông Trump tính dựa trên thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là thuế suất này sẽ áp lên những mặt hàng nào? Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vina T&T, cần phải làm rõ khái niệm thặng dư thương mại mà Mỹ đề cập. Ví dụ, mặt hàng rau quả không thể bị xếp vào nhóm xuất siêu, vì Việt Nam thực tế đang nhập khẩu từ Mỹ nhiều hơn xuất khẩu. Năm 2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Mỹ đạt 360,41 triệu USD, nhưng lại nhập khẩu tới 540 triệu USD.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản khác như hạt điều (1,15 tỷ USD), thủy sản (1,83 tỷ USD), cà phê (322,83 triệu USD) cũng đang được theo dõi sát sao. Mối lo ngại lớn nhất là nhóm sản phẩm mà Mỹ nghi ngờ có xuất xứ từ nước thứ ba, bao gồm điện tử, năng lượng tái tạo, may mặc, giày dép… Đây có thể là những mặt hàng chịu mức thuế cao nhất.
“Chúng tôi mong muốn Chính phủ nhanh chóng làm việc với Chính phủ Mỹ để làm rõ mặt hàng nào là thặng dư thương mại, mặt hàng nào Mỹ đang được hưởng lợi”, ông Tùng kiến nghị.
![]() |
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T. |
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) cho rằng, doanh nghiệp không nên quá hoang mang vì Mỹ có thể sẽ không áp dụng mức thuế này lên tất cả các mặt hàng. Ông dự báo các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cao so với hàng nội địa Mỹ, như cá tra, có thể sẽ chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. Ngược lại, các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm nhiều khả năng vẫn có cơ hội duy trì mức thuế hợp lý.
Trước tình hình này, doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược ứng phó. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất để đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Đình Tùng nhấn mạnh cách duy nhất để giữ vững thị trường là điều chỉnh biên lợi nhuận, cắt giảm chi phí sản xuất để bù vào phần thuế suất bị gia tăng, tránh gây sốc cho thị trường. Đồng thời, cần tìm kiếm thêm thị trường thay thế để giảm phụ thuộc vào Mỹ.
Tổng giám đốc Tập đoàn Vina T&T đề xuất giải pháp trước mắt là Chính phủ Việt Nam cần nhanh chóng đàm phán với Mỹ để làm rõ danh mục các mặt hàng bị điều chỉnh thuế.
“Nếu không có chiến lược can thiệp kịp thời, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là khi Mỹ tiếp tục dùng thuế quan như một công cụ đàm phán nhằm thúc đẩy nhập khẩu hàng hóa của họ.”, ông Tùng cho hay.