Về hoạt động kinh doanh cốt lõi, Masan Group đạt doanh thu thuần 9.184 tỷ đồng trong quý 2/2018, tăng trưởng 11,0% so với quý 1/2018 với 8.274 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính cả nửa đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất của Masan vẫn giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 17.458 tỷ đồng. Việc giảm này được giải thích là do cuộc khủng hoảng giá thịt heo diễn ra từ nửa cuối năm 2017 và mới kết thúc vào tháng 4/2018.
Mặc dù doanh thu giảm nhưng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) hợp nhất trong nửa đầu năm 2018 vẫn tăng 38,4% lên 5.147 tỷ đồng so với mức 3.718 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, nhờ vào quản lý hiệu quả chi phí quản lý và bán hàng (“SG&A”), tối ưu vận hành và kết quả kinh doanh ấn tượng của Techcombank, đơn vị mà Masan có sở hữu cổ phần.
Techcombank ngày hôm qua (24/7), cũng vừa báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng ở mức kỷ lục khi tăng trưởng lợi nhuận trước thuế là 90,1% lên 5.196 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 2.734 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2017.
Trong các công ty thành viên thì Masan Comsumer Holding (MCH) vẫn là động lực tăng trưởng chính của Masan. MCH có doanh thu thuần tăng 36,9% trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017, tiếp theo là Masan Resources (MSR), doanh thu tăng lên 26,6% trong nửa đầu năm 2018 so với cùng kỳ. Còn với Masan Nutri-Science (MNS), sau quý I và nửa cuối năm 2017 gặp khó khăn vì giá thịt heo thấp, doanh thu thuần đã tăng 9,1% trong quý 2/2018 lên 3.492 tỷ đồng so với mức 3.201 tỷ đồng trong quý 1/2018.
Doanh thu thuần hợp nhất của Masan trong nửa đầu năm đạt đạt 17.458 tỷ đồng
Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc cho biết: “Tăng trưởng của Masan thật sự ấn tượng, nhưng điều mà tôi tự hào hơn cả là cách mà Masan đã đạt được những kết quả này. Tăng trưởng này là kết quả của việc Masan đã giữ vững niềm tin vào chiến lược dài hạn từ 5 năm trước và tiếp tục đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh xuyên suốt trong thời gian thị trường khủng hoảng cũng như khi đối mặt với các khó khăn trong vận hành. Masan đã không hy sinh bất kỳ nền tảng kinh doanh dài hạn nào cho các tăng trưởng ngắn hạn.
Mỗi lĩnh vực kinh doanh đều đang đi đúng với tầm nhìn chiến lược 5 năm, và điều này sẽ giúp tăng trưởng bền vững với hai chữ số của doanh thu và lợi nhuận. Masan kỳ vọng tăng trưởng doanh thu sẽ bắt kịp với mức tăng trưởng lợi nhuận trong nửa cuối năm 2018 cùng sự phục hồi hoàn toàn của Masan Nutri-Science”.
“Triển vọng tăng trưởng của Masan đang rất tốt, và tôi mong muốn sẽ tiếp tục tạo ra giá trị lớn hơn cho cổ đông, đối tác và người tiêu dùng”.
Về tình hình kinh doanh cụ thể, Masan Comsumer Holding trở lại Top 3 công ty đầu tư xây dựng thương hiệu nhiều nhất (và là công ty quảng cáo trên TVC nhiều thứ 2 tại Việt Nam) và việc tung các sản phẩm mới thành công trong nửa cuối năm 2017 đã giúp doanh thu thuần tăng lên 7.526 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 5.496 tỷ đồng cùng kỳ năm 2017, và mức 6.354 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2016.
Tăng trưởng này đến từ tăng trưởng của ngành gia vị, thực phẩm tiện lợi và người tiêu dùng cũng đang chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm cao cấp của MCH. Về lĩnh vực đồ uống, dẫn đầu bởi nước tăng lực Wake-up 247, tăng trưởng bán hàng đến người tiêu dùng đạt 32,1% nhờ vào mạng lưới phân phối được mở rộng và sức mạnh thương hiệu được cải thiện.
Việc tung sản phẩm bia cao cấp mới bước đầu đã thành công, tuy nhiên việc mở rộng quy mô sẽ phải mất từ 12 đến 18 tháng do phải xây dựng hệ thống phân phối bia hoàn chỉnh và đẩy mạnh dùng thử và tiêu thụ sản phẩm.
Còn với Masan Resources, giá vonfram tiếp tục tăng cao hơn trong nửa đầu năm 2018 do nhu cầu vượt cung và các hoạt động thanh tra môi trường tại Trung Quốc tiếp tục được thực hiện trong Quý 2/2018. Ngoài ra, việc nâng cấp quy trình tuyển vonfram giúp tăng tỷ lệ thu hồi vonfram 4,5%, qua đó giúp cải thiện doanh thu thuần của MSR lên 3.239 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018 so với mức 2.559 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương đương mức tăng trưởng 26,6%.
MSR đạt mức tăng trưởng doanh thu 26,6%
Masan Nutri-Science là thành viên cũng đang có những dấu hiệu kinh doanh khả quan bởi thị trường thức ăn chăn nuôi đang phục hồi bắt xuất hiện khi giá heo hơi bắt đầu duy trì ở mức trên 35.000 đồng/kg trong nhiều tháng qua và đã ổn định ở mức trên 48.000 đồng/kg tại miền Nam và 52.000 đồng/kg tại miền Bắc trong suốt tháng 6/2018. Trong bối cảnh thị trường phục hồi, MNS đã đạt doanh thu thuần là 3.492 tỷ đồng vào Quý 2/2018, tăng 9,1% so với 3.201 tỷ đồng trong Quý 1/2018.
Ban Điều hành Masan cho rằng nửa cuối năm 2018 sẽ đem lại tăng trưởng doanh thu thuần so với nửa đầu năm, tuy nhiên mức tăng trưởng này sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng đàn của người chăn nuôi và việc qua trở lại sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp năng suất cao.
Tuy nhiên, cám Bio-zeem “Đỏ” - dòng sản phẩm cao cấp và cho năng suất cao nhất của Masan đã đạt tăng trưởng doanh thu 35,5% trong tháng 6 so với tháng 4/2018 và điều này khẳng định niềm tin của lãnh đạo Masan.
Thức ăn chăn nuôi đang có đà hồi phục mạnh
Trong 6 tháng cuối năm, Masan tiếp tục đưa dự báo về mức tăng trưởng khá cao. Cụ thể, doanh thu của cả Tập đoàn có thể đạt mức cao là 47.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với cả năm 2017. Lợi nhuận phân bổ cho cổ đông có thể đạt 4.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức 2.170 tỷ đồng năm ngoái.