Manulife vào thị trường Việt Nam từ 15 năm trước, ông có thấy đó là quyết định đúng đắn không?
Là một tập đoàn tài chính đa quốc gia với hơn 100 năm kinh nghiệm tại nhiều thị trường khác nhau, chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một thị trường hết sức tiềm năng. Manulife là công ty bảo hiểm nhân thọ 100% vốn nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam và cũng là công ty bảo hiểm nhân thọ đầu tiên hoạt động có lãi tại thị trường này. Manulife hiện có mặt tại 7 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á và Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực.
Trong nhiều năm liên tục, Manulife Việt Nam luôn đạt tốc độ tăng trưởng hai con số, nhanh chóng xây dựng uy tín về một thương hiệu vững mạnh và luôn nằm trong số 3 công ty bảo hiểm nhân thọ đầu ngành. Chúng tôi rất tự hào khi Manulife Việt Nam vinh dự được Bộ Tài chính hai lần trao tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực cho thị trường bảo hiểm Việt Nam.
Việt Nam cũng là thị trường có lực lượng đại lý chuyên nghiệp đông đảo nhất trong số các thị trường của chúng tôi tại khu vực Đông Nam Á. Tôi đặc biệt hài lòng vì Manulife Việt Nam có lực lượng đại lý đạt danh hiệu MDRT (Câu lạc bộ bàn tròn triệu đô) lớn nhất Việt Nam và chiếm 20% tổng số MDRT của Manulife trên toàn châu Á.
Ông Robert A. Cook gặp gỡ các đại lý bảo hiểm xuất sắc của Manulife Việt Nam
Chiến lược phát triển ưu tiên của Manulife châu Á là gì và vai trò của Manulife Việt Nam trong chiến lược này như thế nào?
Manulife đã có mặt tại châu Á hơn 117 năm và là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ quốc tế lâu đời nhất tại thị trường này. Doanh thu từ châu Á chiếm 1/3 tổng doanh thu của toàn Tập đoàn, giá cổ phiếu của Manulife tăng trưởng ấn tượng trong năm qua đã cho thấy tiềm năng và cơ hội phát triển mạnh mẽ trong tương lai tại thị trường châu Á.
Là một phần quan trọng trong tầm nhìn lâu dài của Tập đoàn, Manulife sẽ tiếp tục đầu tư vào khu vực châu Á và khai thác tối đa các cơ hội phát triển tại thị trường này. Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một tập đoàn bảo hiểm nhân thọ và quản lý tài sản hàng đầu châu Á, tập trung mọi ưu tiên vào khách hàng. Chúng tôi triển khai 3 chiến lược ưu tiên để đạt được mục tiêu này, đó là xây dựng và đa dạng hóa kênh phân phối, cung cấp danh mục các sản phẩm bảo hiểm đa dạng và chất lượng, đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu.
Việt Nam là một phần quan trọng trong mục tiêu này. Kế hoạch của chúng tôi là tiếp tục mở rộng mạng lưới văn phòng ra nhiều thành phố trên cả nước, để chúng tôi có thể đến gần hơn với khách hàng và phục vụ khách hàng tốt hơn. Chúng tôi cũng đẩy mạnh đầu tư vào một số sáng kiến chủ chốt như đầu tư công nghệ mới, nhằm phục vụ khách hàng ngày một chuyên nghiệp hơn.
Theo ông, hiện nay đâu là cơ hội tốt để Manulife phát triển mạnh tại châu Á? Điều này sẽ có tác động như thế nào đến ngành bảo hiểm nhân thọ của khu vực?
Cơ hội phát triển tại thị trường châu Á rất lớn. Tầng lớp trung lưu tại châu Á dự kiến sẽ đạt 1,7 tỷ người trước năm 2020 và con số này dự kiến sẽ còn tăng gấp đôi lên 3,2 tỷ người vào năm 2030. Khi một người bước vào tầng lớp trung lưu, họ sẽ sẵn sàng hơn trong việc sử dụng một phần thu nhập để đầu tư vào các giải pháp hưu trí hay bảo vệ tài chính như bảo hiểm nhân thọ.
Người châu Á cũng đang già đi nhanh do tuổi thọ tăng lên. Do đó, nhu cầu về hưu trí hay các giải pháp bảo vệ sức khỏe và y tế sẽ tăng rất nhanh. Xu hướng này đang có những tác động đáng kể đến ngành bảo hiểm nhân thọ trong khu vực. Giờ đây, việc tập trung vào khách hàng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng tôi phải cải tiến phương thức đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của khách hàng, mà vẫn đảm bảo được mọi tiêu chuẩn về chất lượng. Điều này có nghĩa là chúng tôi có khả năng cung cấp những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng, đồng thời phải không ngừng đầu tư về con người và nguồn lực để đảm bảo thực hiện được điều đó.
Ông có nghĩ rằng thị trường Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, cơ hội?
Tất nhiên là như vậy rồi. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gấp đôi từ năm 1990 đến 2000 và sau đó lại tăng gấp đôi một lần nữa vào năm 2010. Mặc dù nền kinh tế có phần phát triển chậm lại trong thời gian gần đây, nhưng tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế vẫn cao so với hầu hết các nước khác, đạt khoảng 6% trong năm 2014. Do đó, cơ hội phát triển trong dài hạn vẫn rất lớn. Xét trên nhiều khía cạnh, Việt Nam vẫn là thị trường dẫn đầu trong khu vực đang phát triển nhanh Đông Nam Á.
Riêng về bảo hiểm, Việt Nam là một thị trường quan trọng và là thị trường đông dân trong khu vực nhưng lại có tỷ lệ người tham gia bảo hiểm thấp nhất, khoảng 5 - 6% dân số. Chúng tôi nhận thức được việc phải đáp ứng nhu cầu đang thay đổi từng ngày của người dân Việt Nam. Việt Nam có dân số trẻ nhưng cũng đang già hóa nhanh, do đó, đây là cơ hội để chúng tôi có thể áp dụng kinh nghiệm triển khai sản phẩm hưu trí tại các thị trường khác trước đó một cách hiệu quả tại đây.
Bên cạnh lực lượng đại lý, bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) đang trở nên phổ biến tại Việt Nam. Kênh phân phối này đóng góp như thế nào vào tốc độ tăng trưởng của Manulife châu Á nói chung và Manulife Việt Nam nói riêng?
Trong nhiều năm qua, kênh bảo hiểm liên kết ngân hàng cũng như các kênh phân phối thay thế ngày càng trở nên quan trọng hơn, từ dưới 10% đã tăng lên hơn 40% trong cơ cấu doanh thu bảo hiểm của chúng tôi. Hiện chúng tôi đang làm việc với hơn 100 đối tác ngân hàng và hoạt động kinh doanh qua các đối tác này đang tăng trưởng mạnh. Đó là một phần trong triết lý kinh doanh của chúng tôi - đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng mọi lúc mọi nơi.
Tại Việt Nam, chúng tôi đã hợp tác với nhiều ngân hàng uy tín như ANZ, Techcombank để tăng cường tiếp cận khách hàng thông qua nhiều sản phẩm đa dạng. Chiến lược này của chúng tôi đang thu được kết quả khả quan, cụ thể là doanh thu từ bancassurance của Manulife Việt Nam trong quý I/2014 đã tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian sắp tới.