Mạnh dạn trong phân cấp đầu tư đường cao tốc

0:00 / 0:00
0:00
Phương án phân cấp thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn cao tốc bằng vốn đầu tư công đã nhận được sự đồng thuận cao.
Ảnh minh họa Ảnh minh họa

Dù phải đợi quyết định phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ, nhưng đến thời điểm này, phương án phân cấp thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn cao tốc bằng vốn đầu tư công thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã nhận được sự đồng thuận cao từ các bộ, ngành liên quan, cũng như UBND 14 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có công trình đi qua.

Trong đề xuất mới nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã kiến nghị người đứng đầu Chính phủ phân cấp cho 14 UBND tỉnh làm cơ quan chủ quản 14/16 dự án, dự án thành phần. Với quy mô vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng, đây chính là đợt phân cấp mạnh nhất từ trước đến nay trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Không chỉ lớn về quy mô, đợt phân cấp này còn có chiều sâu đáng kể khi chủ trương của Chính phủ là giao toàn quyền cho UBND các tỉnh trong vai trò là cơ quan chủ quản, bao gồm việc lựa chọn đơn vị quản lý dự án, đấu thầu, triển khai xây dựng.

Ngoài việc cụ thể hóa chủ trương của Đảng về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn tăng cường kiểm tra, giám sát, phân bổ nguồn lực phù hợp và nâng cao năng lực cán bộ thực hiện, đề xuất nói trên của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tạo sự chủ động, sáng tạo, huy động hiệu quả các nguồn lực và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đề xuất cũng sẽ tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện 16 dự án, dự án thành phần đường bộ sử dụng vốn từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, việc phân cấp mạnh sẽ phát huy được tính tự chủ, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và năng lực cho cán bộ làm công tác quản lý, điều hành dự án; thuận lợi trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông; huy động lực lượng lao động của địa phương tham gia quá trình đầu tư xây dựng. Việc phân cấp còn giúp bảo đảm nguyên tắc việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, làm tốt hơn thì giao cho cấp đó.

Kinh nghiệm cho thấy, địa phương là cơ quan nắm rõ địa hình, địa lý, đặc thù địa bàn quản lý, do đó sẽ chủ động trong công tác quy hoạch, đấu nối hạ tầng, xác định vị trí các nút giao cần thiết để tạo không gian cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư; phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc; kiểm soát mỏ nguyên vật liệu ngay từ giai đoạn cấp phép; quản lý giá cả, kiểm soát tổng mức đầu tư, giảm chi phí phát sinh...

Bên cạnh đó, chủ trương phân cấp còn tạo thuận lợi lớn trong công tác giải phóng mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện, gắn trách nhiệm của các bên liên quan. Hơn thế, chủ trương phân cấp còn giúp giảm thủ tục bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, cắt giảm một số thủ tục như phân khai kế hoạch vốn, ban hành quy chế phối hợp; trình, báo cáo Bộ Giao thông - Vận tải xem xét, chấp thuận phương án tổng thể giải phóng mặt bằng, quyết toán chi phí...

Những điều này đặc biệt có ý nghĩa khi các dự án hạ tầng giao thông thuộc Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đều yêu cầu thời gian triển khai rất ngắn so với thông lệ (2-3 năm), trong khi Bộ Giao thông - Vận tải, cơ quan chủ lực về triển khai xây dựng giao thông, cũng đã chạm ngưỡng năng lực với dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Thực tiễn cho thấy, khi được giao làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền các dự án BOT đường cao tốc, một số địa phương cũng đã triển khai tương đối đạt yêu cầu, phần nào mang lại niềm tin về việc có thể phân cấp mạnh hơn nữa.

Cần phải nói thêm rằng, phần lớn mạng lưới hạ tầng giao thông hiện đại tại quốc gia có tốc độ phát triển đường cao tốc nhanh nhất thế giới là do chính quyền các địa phương thực hiện nhờ vào chính sách phân cấp, phân quyền. Ở chiều ngược lại, bên cạnh sự mạnh dạn khi nhận nhiệm vụ chủ quản đầu tư, 14 UBND cấp tỉnh có các dự án đi qua phải nhận thức được trách nhiệm nặng nề này trước Quốc hội, Chính phủ và cử tri cả nước để có kế hoạch bổ sung nhân lực quản lý dự án chất lượng cao, cũng như đề ra biện pháp phòng chống tham nhũng, thất thoát lãng phí, tiêu cực trong việc lựa chọn nhà thầu khi triển khai dự án.

Điều cần nhấn mạnh là, các địa phương phải tuyệt đối tránh tình trạng “hứa, cam kết lấy được” hoặc dễ thì làm, khó thì bỏ khi nhận triển khai dự án. Việc để xảy ra bất kỳ sai phạm nào sẽ không những ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án được đánh giá là động lực phục hồi, phát triển kinh tế đất nước, mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của cử tri, của nhân dân cả nước.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục