Mạng xã hội, truyền thông và ông Trump

0:00 / 0:00
0:00

Hai bạn của tôi vừa unfriend nhau trên Facebook sau khi tranh cãi về chuyện người ta có gian lận phiếu bầu của ông Trump hay không.

Ông Trump tuyên bố, nếu các phiếu bầu "hợp lệ" được kiểm thì ông sẽ "chiến thắng dễ dàng" trong cuộc bầu cử Mỹ 2020. Nguồn: Mercury News Ông Trump tuyên bố, nếu các phiếu bầu "hợp lệ" được kiểm thì ông sẽ "chiến thắng dễ dàng" trong cuộc bầu cử Mỹ 2020. Nguồn: Mercury News

Điều làm tôi sửng sốt là hai bạn này đã quen nhau hơn chục năm và không phải những người dễ bị những tin thất thiệt (mà nhờ ông Trump, người ta đã quen với chữ “fake news”). Bây giờ cứ tin nào mà người ta cảm thấy không vừa lòng mình thì cho rằng đó là “fake news”, bất kể là nó đến từ một phương tiện truyền thông chính thống như New York Times, Financial Times hay là BBC đi nữa. Nhiều người Việt ở Mỹ bây giờ gọi những tờ báo chính thống là “lề phải” và những trang tin đăng những loại thuyết âm mưu ly kỳ là “lề trái”.

Từ 10 năm trước, tôi đã bắt đầu hạn chế tranh cãi với người khác để bảo vệ quan điểm của mình sau khi tôi bắt đầu một dự án nghiên cứu về vì sao người ta bất đồng quan điểm và điều đó tác động đến thị trường tài chính như thế nào. Điều thú vị tôi nhận ra khi đọc các nghiên cứu trước đó là nhiều người sẽ không bao giờ có thể đồng ý với nhau về một vấn đề khi mà thiên kiến ban đầu (priors) của họ đã khác nhau.

Chẳng hạn một fan của Trump sẽ không bao giờ có thể chấp nhận lắng nghe quan điểm của một anti-fan của Trump, cho dù bên nào đưa ra những lý lẽ ra sao đi nữa. Cả những nghiên cứu thực nghiệm về tâm lý học lẫn mô hình toán của kinh tế học. Một trong số đó là mô hình mà tôi thích của nhà kinh tế học Daron Acemoglu (tác giả của quyển sách “Why Nations Fail”), Victor Chernozhukov và Muhamet Yildiz. Trong mô hình đó, Daron và đồng sự chỉ ra rằng với một số điều kiện nhất định về thiên kiến, càng nhiều thông tin được đưa ra có thể chỉ đào sâu sự bất đồng quan điểm của hai bên thay vì khiến các quan điểm xích lại gần nhau hơn. Điều này trái với những giả định của nhiều nghiên cứu trước đó là càng nhiều thông tin thì người ta sẽ càng thấy rõ vấn đề và các quan điểm sẽ xích lại gần nhau.

Bầu cử Mỹ năm 2020 là một phòng thí nghiệm đầy hấp dẫn cho tôi quan sát điều này. Bạn Facebook của tôi chia làm hai phe rõ rệt, ủng hộ hoặc ghét ông Trump. Và do đó, tôi có dịp nhìn thấy những cuộc khẩu chiến dài bất tận, những vụ “block”, “unfriend” nhau chỉ vì tranh cãi quan điểm ai là người tốt hơn để làm tổng thống Mỹ, ai sẽ thắng, dân Mỹ thích ai, và người ta có gian lận phiếu bầu để cố tình “chơi xấu” ông Trump hay không?

Một điều thú vị thứ hai nữa tôi quan sát được là có một sự thiên vị rõ rệt trong cách nhiều hãng tin mà dân kinh tế, tài chính dựa vào đối với ông Biden. Giới ký giả kinh tế, tài chính đúng ra phải là những người đúng ra là không thiên vị bên nào vì họ đưa tin phục vụ những người đặt túi tiền của họ vào các ván cược dựa trên đánh giá tổng thống nào sẽ thắng. Thế nhưng, điều thú vị là các phương tiện truyền thông này đều chống Trump ở một mức nào đó.

Lộ liễu nhất có lẽ là tờ Economist với số báo trước bầu cử “Vì sao đó phải là Biden” (“Why it has to be Biden”). Trong bài báo đó, tờ này cho rằng “Ông Donald Trump đã hủy hoại các giá trị làm cho nước Mỹ là ngọn đèn soi sáng của thế giới”.

Tờ Financial Times thì có vẻ cân bằng hơn trong các đánh giá của mình, nhưng lại là tờ mạnh dạn nhất trong việc công bố các bang mà ông Biden đã dẫn trước và không ngần ngại “cầm đèn chạy trước ô tô”, đến ngày 5/11 đã vội xác định ông Biden đã thắng được 264 phiếu đại cử tri. Đây là một điều tôi chưa từng thấy trong rất nhiều sự kiện lớn về chính trị, kinh tế suốt từ 2006, thời điểm tôi bắt đầu đăng ký sử dụng dịch vụ của Financial Times và Economist. Còn vô vàn những ví dụ khác về những tờ báo mà giới kinh tài thường đọc ở Anh và Mỹ.

Đáp lại cái thiên vị này, thành phần fan của Trump thì gọi giới báo chí chống Trump là “thiên tả” và “fake news” (giống cách mà ông Trump gọi báo chí không cùng quan điểm với ông ta). Và họ tin vào nhiều thuyết âm mưu về chuyện báo chí đã cố tình xuyên tạc và bôi nhọ ông Trump như thế nào.

Có một số trong đó là có lý nhưng cũng có những thứ rất ngô nghê và vô lý. Điều làm tôi không ngừng đi tới ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác là có những người học cao hiểu rộng, có bằng tiến sĩ, thạc sĩ, là người từng cầm hàng triệu USD đầu tư, vẫn tin vào một số chuyện rất vô lý đó. Nó cũng giống như có một bạn thân của tôi giờ làm giáo sư ở một trường đại học hàng đầu của Hong Kong tin rằng Việt Nam cố tình gây hấn với Trung Quốc trên biển Đông vậy.

Nhưng điều đó cũng cho thấy những tờ báo cố tình vẽ nên chân dùng giới fan của ông Trump là thất học, bỗ bã, phân biệt chủng tộc... những con người xấu xí cũng là sai.

Tôi không phải fan của ông Trump, thậm chí là phần nào là anti fan với một số loại phát biểu và lập trường của ông (chẳng hạn như chuyện ông hạ thấp nguy cơ do biến đổi khí gây ra hay cách ông xử lý với dịch bệnh COVID-19). Nhưng nhiệm kỳ vừa rồi của ông giúp tôi thấy được nhiều mặt khác của nước Mỹ, chẳng hạn như mặt trái của nền dân chủ Mỹ, những giới hạn của thể chế tam quyền phân lập trong việc kiểm soát những người như ông Trump, cũng như một số yếu tố có tính hai mặt của giới tinh hoa và truyền thông nước Mỹ. Và nếu không có ông Trump và cuộc bầu cử này, tôi đã không thể nhìn thấy nhiều mặt của xã hội qua cái Facebook thu nhỏ của mình như vậy.

Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên cao cấp, Đại học Bristol (Anh)) ,
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục