M&A với các CTCK: “Được” hay “bị”?

(ĐTCK-online) Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tuy mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng đã có sự phát triển nhanh chóng, trở thành một hình thức được nhiều doanh nghiệp quan tâm như là một bước “đi tắt” để phát triển nhanh về quy mô. Từ những diễn biến của TTCK Việt Nam thời gian qua, nhiều CTCK nội địa đã và đang trở thành mục tiêu tiếp cận, đầu tư của các NĐT nước ngoài. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Đào Hữu Thành, Chủ tịch HĐQT CTCK Click&Phone.
Ông Đào Hữu Thành. Ông Đào Hữu Thành.

Diễn biến của TTCK trong thời gian qua có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động M&A của các CTCK, thưa ông?

TTCK suy giảm trong thời gian dài ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh doanh của các CTCK, ngay cả những công ty đã có tên tuổi và mạng lưới khách hàng tốt. Sự tăng nhanh về số lượng CTCK cũng làm tăng đáng kể áp lực cạnh tranh. Vì vậy, rất nhiều CTCK, đặc biệt là những công ty mới và có vốn điều lệ nhỏ, cần nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để tồn tại, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển. Giải pháp tìm đối tác chiến lược nước ngoài được nhiều công ty lựa chọn, bởi nhiều ưu điểm như: giúp nâng cao tiềm lực tài chính cũng như năng lực quản trị của công ty, mang đến các cơ hội tiếp cận với các quy trình, công nghệ, khách hàng quốc tế.

 

Việc bán một phần hoặc tất cả công ty ở Việt Nam nghe dễ liên tưởng đến tình hình kinh doanh bất lợi. Theo ông, nếu M&A xảy ra với CTCK nội địa, nên gọi là “được” hay “bị”?

Việc chuyển nhượng cổ phần, mua bán, sáp nhập có đem lại lợi ích cho hai bên tham gia hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, theo tôi, khi tìm chọn được đối tác phù hợp, M&A có khả năng đem lại nhiều lợi ích, tháo gỡ được nhiều vấn đề của các doanh nghiệp bằng việc hợp tác với một đối tác nước ngoài mạnh, giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, “được” hay “bị” M&A cũng cần suy xét từng đơn vị cụ thể.

“Bị” M&A có thể hiểu là CTCK nào đó nhận thấy không thể tiếp tục tồn tại trong điều kiện khó khăn của TTCK, do vậy họ chủ động liên hệ để chào bán công ty. Thông thường, trong trường hợp bị bắt buộc phải bán lại hoặc sáp nhập, CTCK sẽ phải thay đổi phần lớn về cơ cấu sở hữu, HĐQT thậm chí cả tên gọi. Trong trường hợp “được” M&A, đối tác thường nhận thấy triển vọng phát triển của CTCK và chủ động đề nghị được tham gia mua cổ phần, hợp tác trên cơ sở lâu dài, hai bên cùng có lợi.

 

Như vậy, quan điểm của ông là năng lực, khả năng cạnh tranh của công ty sẽ được cải thiện? Còn quyền lợi khách hàng thì sao, thưa ông?

Các hoạt động hợp tác chiến lược và M&A, khi được thực hiện tốt, sẽ giúp nâng cao năng lực quản trị, hiệu quả hoạt động kinh doanh, chất lượng dịch vụ… của các CTCK tham gia và gián tiếp tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong các đơn vị cung cấp dịch vụ thị trường. Và điều này chỉ có lợi cho khách hàng.

 

Ông có cho rằng M&A cũng là một hình thức đầu tư nước ngoài có hiệu quả và phổ biến, giúp NĐT nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam ?

Trên thế giới, M&A là hình thức đầu tư rất phổ biến. M&A là xu thế tất yếu khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới, đặc biệt khi chúng ta đã là thành viên của WTO. Theo tôi, đây là kênh huy động vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả. Đối với NĐT nước ngoài, việc tham gia góp vốn vào một công ty Việt Nam đã hoạt động cũng thuận lợi và tiết kiệm được nhiều thời gian so với việc thành lập mới công ty 100% vốn nước ngoài.

Để các hoạt động M&A phát triển mạnh và hiệu quả hơn trong tương lai, chúng ta cần phải có những điều kiện gì ?

Theo tôi, đầu tiên, cần có khung pháp lý cụ thể cho hoạt động này. Hiện tại, đã có các văn bản pháp luật của một số cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, song còn chưa thống nhất và cụ thể. Bên cạnh đó, cần xây dựng được kênh kiểm soát thông tin, tính minh bạch trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động M&A nói riêng. Trong hoạt động M&A, thông tin về giá cả, thương hiệu, thị trường, thị phần, quản trị... đặc biệt cần thiết cho cả bên mua, bên bán. Đồng thời, cần có những chương trình đào tạo để có được đội ngũ chuyên gia tốt, những người môi giới, tư vấn cho hoạt động M&A, đồng thời là người cung cấp thông tin tốt nhất về thị trường. Có như vậy, thị trường M&A Việt Nam mới hoạt động tốt và chuyên nghiệp hơn.

Hải Vân thực hiện.
Hải Vân thực hiện.

Tin cùng chuyên mục