M&A ra nước ngoài: Nước cờ mở thị trường

(ĐTCK) Mở rộng thị trường phân phối ra nước ngoài vẫn luôn là bài toán khó giải đối với các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Tuy nhiên gần đây, sự thành công của một số doanh nghiệp khi sử dụng hình thức M&A để lấn sân sang các thị trường nước ngoài cho thấy, M&A có thể sẽ là công cụ hữu hiệu, mang lại hiệu quả nếu doanh nghiệp biết khai thác.
Năm 2014, FPT mua lại Công ty RWE IT Slovakia, công ty thành viên chuyên cung cấp các giải pháp SAP và smart home của Tập đoàn RWE, tập đoàn hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực điện và gas Năm 2014, FPT mua lại Công ty RWE IT Slovakia, công ty thành viên chuyên cung cấp các giải pháp SAP và smart home của Tập đoàn RWE, tập đoàn hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực điện và gas

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT của CTCP Sản xuất thương mại May Sài Gòn (Garmex) cho biết, Công ty đang xúc tiến mua lại chuỗi phân phối của một nhãn hiệu để có thể đưa hàng trực tiếp vào các siêu thị tại Mỹ.

Từ hai năm nay, Garmex đã thực hiện kế hoạch thử nghiệm, M&A một thương hiệu tại Mỹ và dùng hệ thống phân phối của đối tác để bán hàng trực tiếp và online. Bộ máy và con người là của đối tác nước ngoài, Garmex trả lương.

“Với tên mình chắc chắn họ không cho vào cửa hàng, siêu thị tại Mỹ, nhưng với sự đầu tư này, chúng tôi có thể cung ứng hàng trực tiếp để bán đến tay người tiêu dùng”, ông Hùng nói.

Lâu nay, các công ty dệt may vốn “có tiếng” là bảo thủ, câu chuyện của Garmex cho thấy, M&A sẽ là công cụ hữu hiệu và có thể hiệu quả nếu doanh nghiệp biết khai thác để tiến ra các thị trường nước ngoài.

Với các doanh nghiệp trong ngành viễn thông, công nghệ thông tin, M&A dường như đã được họ thực hiện từ khá sớm. Câu chuyện thành công của Viettel vẫn được nhắc đến nhiều. Viettel đã mua 60% vốn của Công ty Viễn thông Teleco (Haiti) - một doanh nghiệp lỗ kéo dài từ năm 2001, với khoản lỗ khoảng 1 triệu USD/tháng. Sau hơn 1 năm đầu tư, doanh nghiệp mới - Natcom, đã hoạt động hiệu quả trở lại và hiện đứng số 1 về mạng di động tại Haiti.

Mới đây, Viettel Cambodia (Metfone), một công ty thành viên của Viettel, đã mua lại giấy phép, hệ thống trạm phát và cơ sở hạ tầng của Công ty Viễn thông Beeline - nhà cung cấp dịch vụ di động lớn thứ tư tại Campuchia.

Năm 2014, FPT cũng nổi đình đám với thương vụ mua lại công ty RWE IT Slovakia - công ty thành viên chuyên cung cấp các giải pháp SAP và “Smart Home” của Tập đoàn RWE, tập đoàn hàng đầu tại châu Âu trong lĩnh vực điện và gas. Công ty này cũng đang thương thảo để thực hiện một thương vụ M&A khác tại Singapore. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT cho biết, các hoạt động mua lại, sáp nhập (M&A) sẽ được FPT thực hiện rốt ráo, nhằm tăng doanh số bán hàng quốc tế và thúc đẩy chiến lược toàn cầu.

Trên thực tế, việc đầu tư ra nước ngoài có trọng điểm và đúng hướng đã đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp. Chẳng hạn tại Viettel, tính đến nay, việc đầu tư từ thị trường nước ngoài đã mang về 278 triệu USD lợi nhuận. Dự kiến, đến hết năm 2015, 80% trong tổng số trên 600 triệu USD mà Viettel đã đầu tư ra nước ngoài sẽ được thu hồi.

Hiện Viettel có vốn đầu tư tại 9 quốc gia với tổng dân số 175 triệu dân. Viettel cũng đặt mục tiêu sẽ đầu tư ở khoảng 25 nước khác nhau, có một thị trường nước ngoài từ 600 - 800 triệu dân vào năm 2020. Nếu không có M&A, chiến lược phủ sóng tại thị trường nước ngoài của Viettel có lẽ không dễ thực hiện.

Trở lại với câu chuyện của Gamex, M&A một thương hiệu tại Mỹ có thể là bước đi chiến lược để Công ty thực hiện phát triển các sản phẩm của mình, thay vì chỉ làm gia công và xuất hàng như hiện nay với tỷ lệ lợi nhuận kiếm được rất ít trong đó. Tuy nhiên, để thực hiện được các thương vụ M&A ở nước ngoài, con đường đi với các doanh nghiệp Việt không đơn giản.

Garmex đã lập văn phòng ở Mỹ từ năm 2013 và xác định Mỹ là một thị trường trọng điểm của Công ty để từ đó xây dựng chiến lược đầu tư cho công tác thị trường. Hay như với Viettel, có nguồn lực tài chính mạnh, sự quyết tâm cao từ Ban lãnh đạo, đặc biệt là mối quan hệ tốt với nước sở tại, nhưng để có được giấy phép đầu tư ra một thị trường nào đó, tập đoàn này cũng tốn không ít công sức.

“Để thực hiện được các thương vụ M&A trên, FPT mất tới gần 2 năm làm thủ tục và công ty phải đi đường vòng. Có nghĩa không phải công ty mẹ FPT trực tiếp đổ tiền đầu tư, mà phải thông qua một công ty con của FPT ở Đức thực hiện mua lại. Bởi nếu để công ty mẹ mua lại, thủ tục xin giấy phép sẽ mất ít nhất 6 tháng, khi đó cơ hội chốt và ký hợp đồng sẽ bị trôi qua”, một lãnh đạo của FPT cho biết.       

Nguyễn Hạnh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục