M&A ngân hàng và những lợi ích

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, hoạt động M&A tiếp tục sôi động trong hệ thống các tổ chức tín dụng, đặc biệt, sẽ còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận bởi thị trường tài chính Việt Nam đang phát triển. Về phía Việt Nam, M&A chắc chắn mang lại nhiều lợi ích…
VPBank vừa hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ cho SMBC, ngân hàng lớn thứ hai Nhật Bản, với giá trị thương vụ gần 1,5 tỷ USD VPBank vừa hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ cho SMBC, ngân hàng lớn thứ hai Nhật Bản, với giá trị thương vụ gần 1,5 tỷ USD

M&A hỗ trợ ổn định tỷ giá USD/VND

Những ngày cuối tháng 9/2023, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng tăng lên quanh mức 24.300, ghi nhận mức tăng khoảng 3% so với đầu tháng 7/2023. Việc VND mất giá so với USD cũng là điều dễ hiểu và tương đồng với diễn biến của nhiều đồng tiền khác trên thế giới.

Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY tăng khoảng 4%, lên trên mức 106 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 11/2022. Còn tại Việt Nam, chênh lệch lãi suất swap VND - USD ở mức thấp kỷ lục, với kỳ hạn 1 tuần dao động bình quân quanh mức - 4%/năm do thanh khoản VND dồi dào và Ngân hàng Nhà nước chủ động duy trì chính sách điều hành nới lỏng để kích thích tăng trưởng kinh tế.

“Điều này khiến cho việc nắm giữ VND trở nên kém hấp dẫn hơn so với USD về mặt lợi ích và là môi trường kém thuận lợi cho tỷ giá USD/VND. Bên cạnh đó, trạng thái cung cầu ngoại tệ cũng có phần kém tích cực hơn, ước tính chỉ đạt thặng dư khoảng 1 tỷ USD so với giai đoạn thặng dư khoảng 11 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm”, một lãnh đạo cao cấp BIDV chia sẻ.

Tuy vậy, thời điểm đó, các chuyên gia phân tích vẫn lạc quan rằng thị trường ngoại hối vẫn ổn định trong những tháng cuối năm. Ông Đinh Quang Hinh, chuyên viên phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect đã nhận định: “Ngân hàng Nhà nước vẫn có một số yếu tố hỗ trợ để ổn định tỷ giá như thặng dư thương mại tăng cao, dòng vốn FDI và kiều hối tích cực, đặc biệt là nguồn cung ngoại tệ bổ sung từ các thương vụ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài”.

Quả vậy, ngày 20/10 vừa qua, VPBank đã thông báo hoàn tất giao dịch phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) - ngân hàng trực thuộc tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Financial Group, Inc. (SMFG), có quy mô lớn thứ 2 Nhật Bản. VPBank đạt được thỏa thuận phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược SMBC vào cuối tháng 3/2023. Theo đó, Ngân hàng chào bán hơn 1,19 tỷ cổ phiếu cho SMBC, với tổng giá trị hơn 35.900 tỷ đồng (tương đương gần 1,5 tỷ USD). Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm tới.

10% giá trị của thương vụ đã được SMBC đặt cọc ngay trước thềm đại hội cổ đông thường niên của VPBank tổ chức hồi tháng 4/2023. 90% giá trị còn lại sẽ được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu của Ngân hàng ngay sau khi giao dịch hoàn tất.

Cũng trong ngày 20/10/2023, SeABank cho biết đã chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của Ngân hàng tại Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTF), tương đương 100% vốn điều lệ PTF, cho AEON Financial Service Co., Ltd với mức giá 4.300 tỷ đồng. Thương vụ bán PTF sẽ giúp nâng cao năng lực tài chính đáng kể cho Ngân hàng.

Trước đó, nguồn tin từ Reuters cho biết, SHB đang đàm phán để bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược là nhà đầu tư tài chính đến từ Hàn Quốc và Nhật Bản. Thỏa thuận tiềm năng này có thể định giá SHB ở mức 2 - 2,2 tỷ USD.

“Những thương vụ M&A của các ngân hàng thành công và hoàn tất giao dịch đồng nghĩa một lượng lớn ngoại tệ sẽ chảy về Việt Nam, bổ sung vào nguồn dự trữ ngoại hối vốn đã bị sụt giảm còn 90 tỷ USD thời điểm cuối năm 2022”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Động lực tái cơ cấu ngân hàng

Liên quan đến việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến nay, cơ quan này đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt (OceanBank, GPBank, CB, DongABank). Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước tập trung triển khai các giải pháp xử lý ngân hàng được kiểm soát đặc biệt; chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định để hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc, trình Chính phủ phê duyệt.

Dẫu vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng thừa nhận, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.

Thực tế, vấn đề gần như đầu tiên khi tái cơ cấu các ngân hàng nói chung và ngân hàng được kiểm soát đặc biệt là tiền đâu. Trong khi đó, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, “xây dựng đề án tái cơ cấu ngân hàng yếu kém là rất khó, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế vừa qua, việc thực hiện tái cơ cấu càng khó khăn hơn” và “việc tìm kiếm nhà đầu tư tham gia tự nguyện cũng khó khăn”. Dòng tiền mới cho việc tái cơ cấu lại “gọi tên” các nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã rất “cởi mở” với nhà đầu tư ngoại. Ví dụ, năm 2019, BIDV công bố thông tin bán 15% cổ phần cho đối tác KEB Hana Bank (Hàn Quốc), với giá hơn 20.295 tỷ đồng, tức khoảng 882 triệu USD.

Tại Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Quang Dũng cho biết, kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn tài chính. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay, hoặc năm 2024.

Ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng thành viên BIDV cho biết, với sự hợp tác, hỗ trợ chiến lược dài hạn của KEB Hana Bank, BIDV sẽ có cơ hội để thay đổi căn bản mô thức quản trị, nâng cao năng lực điều hành, quản trị rủi ro; đồng thời, phát triển các sản phẩm dịch vụ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao; tăng cường năng lực cạnh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Trong khi đó, trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp của VPBank chia sẻ về lợi ích từ thương vụ phát hành riêng lẻ 15% cổ phần cho SMBC. Cụ thể, đợt phát hành này sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh tài chính cho Ngân hàng trong nỗ lực đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng ở các phân khúc chiến lược như khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đồng thời, VPBank sẽ có đủ năng lực tài chính để phục vụ những khách hàng doanh nghiệp có quy mô lớn.

“Kỳ vọng SMBC sẽ đóng góp vào sự tăng trưởng của VPBank bằng cách chia sẻ những bí quyết, kinh nghiệm mà tập đoàn này đã tích lũy được trong nhiều năm qua ở nhiều thị trường châu Á”, vị lãnh đạo VPBank nói.

M&A Việt Nam 2023

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 - năm 2023 do Báo Đầu tư tổ chức dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba (ngày 28/11/2023).

Với chủ đề “Chung tay cùng thịnh vượng”, Diễn đàn dự kiến thu hút hơn 500 khách tham dự và cùng nhau thảo luận chuyên sâu các cơ hội M&A tại Việt Nam, cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu.

Ngoài Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế, để đánh dấu cột mốc 15 năm ra đời, Diễn đàn năm nay sẽ vinh danh các doanh nghiệp và nhà tư vấn M&A tiêu biểu và công bố Báo cáo chuyên sâu về thị trường M&A tại Việt Nam giai đoạn 2009 - 2023.

Một điểm nhấn khác là tham dự Diễn đàn năm nay sẽ có cơ hội gặp gỡ và trao đổi với các doanh nghiệp đến từ Singapore thông qua chương trình VBEX Connect Business Matching.

Để đăng ký tham dự Diễn đàn, vui lòng liên hệ: Ms. Hoàng Anh - 0373 50 74 55

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục