M&A lĩnh vực ngân hàng: Bối cảnh mới, cơ hội mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng Việt Nam có triển vọng tích cực, sẽ góp phần thúc đẩy các nhà băng mở rộng hoạt động, cải thiện các dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh.
M&A lĩnh vực ngân hàng: Bối cảnh mới, cơ hội mới

Những năm gần đây, ngành ngân hàng Việt Nam có sự thay đổi đáng kể với hoạt động tái cơ cấu toàn diện, số hóa và tập trung mở rộng dịch vụ đến các khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, quá trình hội nhập quốc tế và tự do thương mại mang đến những cơ hội mới, nhưng làm gia tăng sự cạnh tranh. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 xuất hiện, nhấn mạnh thêm sự cần thiết về khả năng thích nghi và ứng phó của ngành ngân hàng với cuộc khủng hoảng “sức khỏe” toàn cầu.

Tái cơ cấu ngành tài chính

Nhằm giải quyết tình trạng nợ xấu cao và tỷ lệ an toàn vốn thấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một số bước để tăng cường năng lực ngành ngân hàng, trong đó có việc triển khai Basel II và xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia.

TS. Gregory Bournet, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo mảng Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp, PwC Malaysia và Việt Nam

TS. Gregory Bournet, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo mảng Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp, PwC Malaysia và Việt Nam

Hệ thống ngân hàng Việt Nam dần trở nên an toàn, kiên cường và có sức chống chịu tốt hơn. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn còn yếu kém, thiếu vốn và không đạt chuẩn, trở thành mục tiêu tiềm năng cho các hoạt động tái cơ cấu và M&A. Một số thỏa thuận M&A liên quan đến các ngân hàng yếu kém chưa được công bố chính thức, nhưng đang được thực hiện như chuyển giao Ocean Bank cho MB, CBBank cho Vietcombank, Đông Á Bank cho HDBank, GP Bank cho VPBank.

Hiện tại, Việt Nam có 37 ngân hàng thương mại, Chính phủ muốn đẩy mạnh M&A để tạo ra các ngân hàng lớn mạnh hơn và có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng toàn cầu.

Đổi mới trong thời đại số

Dịch vụ ngân hàng số đang ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng, nhờ vào những cải tiến công nghệ mạnh mẽ, độ phủ Internet gia tăng, sự phổ biến của điện thoại thông minh, sự ủng hộ từ Chính phủ và sự phổ cập của các dịch vụ thanh toán số như MoMo.

Theo báo cáo “SYNC Southeast Asia” về người tiêu dùng số tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực áp dụng các giải pháp Fintech (công nghệ tài chính), với 58% người tiêu dùng đã sử dụng ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền và hệ sinh thái ngân hàng số.

Bên cạnh đó, ngân hàng số cho phép tự động hóa các thủ tục ngân hàng và giảm nhu cầu đến chi nhánh trực tiếp, giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và cải thiện hiệu quả hoạt động. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các ngân hàng nhỏ vốn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các ngân hàng lớn, có lợi thế kinh tế nhờ quy mô. Do đó, các ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng số tốt sẽ có khả năng thu hút được khách hàng mới và giữ chân khách hàng hiện tại.

Do sự cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các đối thủ mới trên thị trường, các ngân hàng lớn đang hình thành các mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty khởi nghiệp (start-up) về Fintech để tăng cường tính cạnh tranh. Tùy thuộc vào mục tiêu chiến lược của các ngân hàng và các công ty Fintech tham gia, các mối quan hệ này có thể hình thành dưới nhiều hình thức khác nhau, ví dụ liên doanh, đầu tư cổ phần, thậm chí mua lại hoàn toàn.

Theo báo cáo của PwC về các xu hướng M&A toàn cầu trong ngành dịch vụ tài chính, năm 2023, năng lực công nghệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược M&A, khi các ngân hàng đối mặt với các rào cản nội bộ và kỳ vọng của cổ đông để tối ưu hóa và số hóa mô hình kinh doanh.

Sự tham gia của SMBC đã đưa VPBank lên vị trí ngân hàng lớn thứ hai của Việt Nam về vốn chủ sở hữu.

Sự tham gia của SMBC đã đưa VPBank lên vị trí ngân hàng lớn thứ hai của Việt Nam về vốn chủ sở hữu.

Mở rộng dịch vụ sang vùng nông thôn

Số liệu từ Fitch cho thấy, dân số vùng nông thôn chiếm hơn 60% dân số Việt Nam. Vì thế, các tổ chức tín dụng ngày càng tập trung mở rộng dịch vụ đến các vùng nông thôn nhằm thúc đẩy sự hòa nhập về tài chính, kích thích tăng trưởng và giảm nghèo. Sự mở rộng này được Chính phủ ủng hộ thông qua cam kết nâng cao khả năng tiếp cận của dịch vụ tài chính cho dân cư và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) ở nông thôn.

Trong thập kỷ trước, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, ví dụ mở rộng mạng lưới chi nhánh là động lực chính cho sự mở rộng của các tổ chức tín dụng đến các vùng nông thôn. Tuy nhiên, vài năm gần đây, sự phát triển của các dịch vụ tài chính tiêu dùng, ứng dụng ngân hàng di động và các nền tảng thanh toán trực tuyến đã nâng cao vốn hiểu biết về tài chính và khả năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng của dân cư nông thôn. Theo Ngân hàng Nhà nước, 68% dân số Việt Nam đã mở tài khoản ngân hàng, tăng đáng kể so với ước tính 31% năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, với hơn 114 triệu tài khoản ngân hàng trên toàn hệ thống tính đến tháng 6/2022.

Chuyển đổi số đã giúp các ngân hàng giảm chi phí giao dịch, tiếp cận các khu vực xa xôi và cung cấp một loạt dịch vụ đa dạng hơn, ví dụ sản phẩm thanh toán, tiết kiệm, khoản vay và bảo hiểm. Ngoài ra, các nền tảng số giúp thu thập và phân tích dữ liệu khách hàng, cho phép các tổ chức tín dụng hiểu rõ hơn về nhu cầu của khách hàng nông thôn và phát triển các sản phẩm tài chính phù hợp.

Hội nhập quốc tế và thị trường hóa

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế toàn cầu, đặc biệt thông qua các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU, làm tăng nhu cầu về các dịch vụ tài chính.

Các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng Việt Nam.

TS. Gregory Bournet, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo mảng Tư vấn Tài chính Doanh nghiệp, PwC Malaysia và Việt Nam

Trong bối cảnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài tích cực tham gia mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng Việt Nam và điều này được dự báo sẽ tiếp diễn trong những năm tới.

Vừa qua, một sự kiện nổi bật trong ngành ngân hàng Việt Nam là Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản mua 15% cổ phần VPBank với giá 1,5 tỷ USD thông qua một đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ và trở thành nhà đầu tư chiến lược của VPBank. Động thái này của SMBC đã đưa VPBank lên vị trí ngân hàng lớn thứ hai của Việt Nam về vốn chủ sở hữu.

Một hạn chế lớn đối với quyền sở hữu nước ngoài trong ngành ngân hàng Việt Nam là hạn mức sở hữu: tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất tăng hạn mức sở hữu nước ngoài từ 30% lên 49% đối với một số ngân hàng đã mua lại tổ chức tín dụng yếu kém và tổ chức tín dụng nhận chuyển giao.

Các ngân hàng nhỏ trong nước cũng đang xem xét tới việc M&A như một chiến lược để tăng cường sức khỏe tài chính và đảm bảo tuân thủ những tiêu chuẩn quản lý nghiêm ngặt. Thêm vào đó, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển và ngành ngân hàng ngày càng trưởng thành hơn, các ngân hàng dù lớn hay nhỏ nhiều khả năng sẽ khám phá các cơ hội M&A, nhằm gia tăng thị phần và mức độ ảnh hưởng trên thị trường, cung cấp danh mục dịch vụ đa dạng và phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

Dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong năm 2020 và 2021, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và hỗ trợ các khoản vay của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Hành động nhanh chóng của Ngân hàng Nhà nước đã giúp ổn định hệ thống ngân hàng trong thời gian đại dịch và giữ cho tỷ lệ nợ xấu trong tầm kiểm soát.

Năm 2022, Việt Nam nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, khôi phục các hoạt động thông thường và đạt được mức tăng trưởng GDP hơn 8%. Với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng đã chứng minh được khả năng thích nghi và vượt qua đại dịch thành công, khi tăng tốc quá trình chuyển đổi số (nhiều ngân hàng đạt được tỷ lệ tăng trưởng hai hoặc ba con số về số lượng giao dịch thông qua nền tảng ngân hàng số).

Trong bối cảnh ngành ngân hàng liên tục thay đổi, các tổ chức tài chính cần duy trì sự linh hoạt, đáp ứng các xu hướng và thách thức mới, tận dụng cơ hội phát triển và đổi mới, đồng thời đảm bảo tính ổn định và bền vững của ngành. Theo đó, hoạt động M&A trong ngành ngân hàng Việt Nam có triển vọng tích cực, khi nhiều tổ chức tài chính tìm kiếm đối tác chiến lược và các cơ hội để củng cố khả năng cạnh tranh, tận dụng hiệu quả sự cộng hưởng từ M&A, nhanh chóng thích nghi với những biến động của ngành.

TS. Gregory Bournet
Theo Đặc san Toàn cảnh thị trường ngân hàng 2023

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục