M&A: Cơ hội trên thị trường 20 tỷ USD

(ĐTCK) Làn sóng M&A thứ hai dự đoán sẽ diễn ra trong giai đoạn 2014 - 2018 với giá trị các thương vụ ước tính khoảng 20 tỷ USD sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội cho các đối tượng nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các chuyên gia thảo luận chủ đề “Đón làn sóng M&A thứ hai”tại Diễn đàn
Ảnh: Lê Toàn Các chuyên gia thảo luận chủ đề “Đón làn sóng M&A thứ hai”tại Diễn đàn Ảnh: Lê Toàn

Nguồn cung chính từ cổ phần hoá

Nỗ lực cổ phần hoá DN Nhà nước và thoái vốn Nhà nước tại hàng loạt DN trong các lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ đã và đang tạo ra cơ hội rất lớn thúc đẩy các hoạt động M&A. Điều này được ông Nguyễn Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập đến trong bài phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty AVM Việt Nam tổ chức, diễn ra hôm qua tại TP. HCM.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cùng với hội nhập quốc tế đã tạo điều kiện để hoạt động M&A tại Việt Nam ngày càng trở nên nhộn nhịp. Năm 2013, giá trị các thương vụ M&A đã lên tới 5 tỷ USD so với con số 1 tỷ USD của 5 năm trước đó. M&A đang trở thành một hình thức đầu tư, một kênh tham gia thị trường ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Diễn đàn năm nay mang chủ đề “M&A trước làn sóng thứ hai”, theo ông Hiếu, nhằm đánh giá về triển vọng thị trường M&A Việt Nam trong 5 năm tới. “Đây là giai đoạn mà Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải cách thể chế, thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, nhất là tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và hệ thống tài chính ngân hàng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững”, Thứ trưởng Hiếu nói.

Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN về tình hình cổ phần hoá và thoái vốn DN Nhà nước trong 7 tháng đầu năm, trong số 432 DN thuộc diện phải cổ phần hoá trong năm 2014 - 2015, đã có 348 DN lập ban chỉ đạo cổ phần hoá, 247 DN đang xác định giá trị DN, 88 DN đã có quyết định công bố giá trị DN và 55 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hoá.

Trong số 55 DN đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa, có 32 DN đã bán đấu giá cổ phần lần đầu qua các sở GDCK, số còn lại bán đấu giá cổ phần trực tiếp tại DN và qua CTCK. Với tình hình này, dự báo năm 2014, sẽ cổ phần hoá khoảng 200 DN và số còn lại sẽ cổ phần hoá trong năm 2015 theo mục tiêu đã đề ra.

Cũng trong 7 tháng đầu năm, các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước đã thoái vốn tổng cộng 2.975 tỷ đồng, trong đó thoái trong lĩnh vực chứng khoán là 137 tỷ đồng, tài chính-ngân hàng 1.898 tỷ đồng, bảo hiểm 150 tỷ đồng, bất động sản 104 tỷ đồng và bán vốn Nhà nước tại các DN không cần nắm giữ 686 tỷ đồng.

Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam thoái 1.405 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thoái 475 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam thoái 357 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) thoái 151 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực Miền Bắc thoái 120 tỷ đồng.

Theo ước tính của VinaCapital, tổng giá trị bán vốn Nhà nước từ cổ phần hóa 11 tập đoàn và tổng công ty trong số 432 DN cổ phần hoá trong năm 2014 và 2015 lên tới 1 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 Ảnh: Lê Toàn

“nếu không phải lúc này thì bao giờ?”

Cùng với tiến trình cổ phần hoá và thoái vốn Nhà nước, theo các chuyên gia, những nhân tố từ phía cung được xem là động cơ thúc đẩy M&A sắp tới còn có sự gia tăng số lượng các công ty gặp khó khăn về tài chính cần tìm đối tác để M&A và các loại tài sản phát sinh trong quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Các ngân hàng yếu kém do gặp khó khăn từ nhiều năm trước cũng trở thành một đối tượng để M&A. Ông Bùi Huy Thọ, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, năm 2012, khi đưa ra lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, NHNN đã xác định M&A là một trong những giải pháp rất quan trọng để thực hiện tái cấu trúc thành công.

Trong lĩnh vực bất động sản, ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE cho biết, các quỹ đầu tư đang tiếp tục tìm cách thoái vốn khỏi các dự án dang dở.

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Báo Đầu tư, Trưởng Ban tổ chức diễn đàn M&A trao giải cho các đơn vị tư vấn M&A tiêu biểu 2013-2014 

Về phía cầu, nhiều công ty trong và ngoài nước đang cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng của mình bằng cách đa dạng hoá lĩnh vực hoạt động kinh doanh, sản phẩm và thị trường. M&A là một phương thức hữu hiệu giúp các công ty này đạt được mục tiêu một cách nhanh chóng. Các nhà đầu tư nước ngoài đang trông chờ vào việc nới “room” để có thể thực hiện được mục tiêu của mình.

Bên cạnh đó, một số công ty trong lĩnh vực tài chính cũng thay đổi chiến lược đầu tư của mình. Thay vì chỉ mua đi bán lại các sản phẩm tài chính trên thị trường, họ đã tìm kiếm những DN trong các lĩnh vực tiềm năng để tham gia sâu hơn và có tính dài hạn hơn.

Ngoài ra, có nhiều nhân tố mới sẽ góp phần thúc đẩy M&A. Theo ông John Ditty, Tổng giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia, tăng trưởng kinh tế đang khá vững chắc mặc dù chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Chính phủ Việt Nam đã chủ động theo đuổi các chính sách tái cấu trúc nhằm duy trì ổn định kinh tế và tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng.

Ông John Ditty nhận định, sự thay đổi về nhân khẩu học sẽ thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động đầu tư tại Việt Nam và những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư bao gồm giáo dục, hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), dược phẩm, nông nghiệp và bán lẻ.

Có cùng cách nhìn nhận, ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc điều hành Recof cho biết, các nhà đầu tư Nhật đặc biệt quan tâm đến Việt Nam do Việt Nam có dân số trẻ và đông, chi phí lao động tương đối thấp, tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ, chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng đang trong giai đoạn  tăng trưởng...

CBRE ước tính việc tham gia ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ khiến GDP của Việt Nam tăng hơn 28,4% so với trường hợp không có TPP. Tương tự, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng cao hơn 35,7%. Đánh giá cơ hội đầu tư vào Việt Nam, ông Marc Townsend đặt câu hỏi: “Nếu không phải lúc này thì bao giờ?”.

Ông Andy Ho, Giám đốc điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư VinaCapital cho biết, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam đang ở mức cao nhất trong nhiều năm qua.

TTCK Việt Nam hiện có hơn 700 công ty niêm yết, với tổng giá trị vốn hoá khoảng 52 tỷ USD, tương đương 32% GDP và chỉ số P/E ở mức 14 lần tại thời điểm cuối tháng 7/2014. Từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng 18% và giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam đang bị định giá thấp nhất so với các thị trường mới nổi trên thế giới. Vì thế, VN-Index vẫn đang cho thấy xu hướng tiếp tục tăng điểm sau 2 năm gặp nhiều thách thức.

Bà Hoàng Nguyễn Hạ Quyên, Luật sư điều hành Công ty Luật LNT & Partners cho rằng, những nỗ lực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của Việt Nam sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thúc đẩy các hoạt động M&A trở thành làn sóng thứ hai. Theo bà Quyên và một số chuyên gia tại Diễn đàn, có sự không đồng bộ giữa các văn bản luật và có tình trạng giải thích khác nhau giữa các cơ quan, các địa phương đối với cùng một quy định.

Trước những phản ánh của nhà đầu tư rằng thiếu thông tin về DN Nhà nước cổ phần hoá, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính cho biết: “Gần đây Chính phủ đã ban hành một số quy định yêu cầu các DN Nhà nước phải công khai thông tin. Với các quy định này, các DN Nhà nước sẽ phải công bố thông tin khá chặt chẽ, đầy đủ và áp lực không kém gì so với các công ty đại chúng. Nếu người đứng đầu không thực hiện, chắc chắn sẽ bị kỷ luật”.

Đức Luận

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục