Hiện tượng bùng nổ này báo hiệu một sự thay đổi trong suy nghĩ của người Mỹ, châu Âu và châu Á. Tâm lý sợ rủi ro và hoạt động mở rộng hệ thống, từng bị bó chặt sau khủng hoảng tài chính, đang bị gạt sang một bên khi niềm tin trở lại. Việc mở rộng mạng lưới có thể dễ dàng thực hiện bằng cách mua lại doanh nghiệp hơn là xây mới.
Giá trị của các thương vụ M&A đã tăng mạnh ở cả 3 lục địa trong 6 tháng đầu năm khi các công ty, với lượng lớn tiền mặt trong tay, đổ xô đi mua lại doanh nghiệp.
Ở Mỹ, các thương vụ M&A được công bố từ đầu năm đến nay có tổng giá trị 748,5 tỷ USD, tăng gần 3/4 so với cùng kỳ năm trước. Tại châu Á - Thái Bình Dương, tổng giá trị các thương vụ đạt 327,8 USD, tăng 85% so với năm 2013 và là nửa đầu năm tốt nhất về các hoạt động M&A kể từ khi Thomson Reuters bắt đầu ghi lại dữ liệu của hoạt động này năm 1980. Còn tại châu Âu, M&A đã trở lại ấn tượng: con số 509 tỷ USD giá trị các thương vụ được công bố cao gấp hơn 2 lần mức của cả năm 2013.
Peter Tague, đồng giám đốc Global M&A ở Citi, nói, các công ty đã bắt đầu quan niệm rằng, “thế giới dễ biến động mà chúng ta đang sống là một sự bình thường mới - sẽ luôn có một Iraq hay một bong bóng nợ công xảy ra ở đâu đó. Càng ngày, các doanh nghiệp càng hiểu rằng, họ phải thích nghi với một môi trường như vậy để có thể tăng trưởng, không phải bằng cắt giảm chi phí và giữ khư khư mạng lưới cũ. Điều đó khiến chúng tôi cảm thấy rất tin tưởng vào triển vọng của lĩnh vực M&A”.
Làn sóng M&A lan rộng ở hầu hết các lĩnh vực, ngoại trừ tài chính, nơi các quy định chặt chẽ hơn đã hạn chế nhu cầu đối với lĩnh vực này. “Sự sẵn có của các tài sản nợ và chi phí thấp của việc huy động vốn là những nhân tố đảm bảo cho hoạt động M&A, nhưng các thương vụ vẫn được dẫn dắt bởi lô-gíc chiến lược”, Gilberto Pozzi, trưởng bộ phận M&A khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi ở Goldman Sachs, nói.
Nhiều thương vụ đã được thực hiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, với tổng giá trị lên đến 317,4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất và cao hơn mức kỷ lục 275 tỷ USD của cả năm 2007. Nhiều thương vụ có giá trị hơn 10 tỷ USD, bao gồm vụ thâu tóm Covidien giá 48 tỷ USD của Medtronic và vụ Valeant mua lại Allergan với giá 62,5 tỷ USD.
“Những thương vụ lớn nhất nổi lên từ niềm tin tăng lên trong giới lãnh đạo doanh nghiệp”, Robert Rankin, đồng giám đốc mảng cho vay doanh nghiệp và chứng khoán ở Deutsche Bank, nói. “Nhiều trong số những thương vụ này đã được xem xét trong một thời gian dài, nhưng chúng chỉ được xúc tiến trở lại trong 12 tháng qua”.