Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Dow Jones tăng 27,48 điểm (+0,16%), lên 16.808,49 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 4,21 điểm (+0,22%), lên 1.941,99 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 16,13 điểm (+0,37%), lên 4.337,23 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng kịp hồi phục trở lại sau khi nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, chấm dứt chuỗi 2 phiên giảm liên tiếp do ảnh hưởng từ cuộc xung đột ở Iraq. Hoạt đông mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và dược phẩm, cùng thông tin về lạm phát của Mỹ chính là những yếu tố giúp chứng khoán châu Âu hồi phục.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số FTSE tại Anh tăng 12,13 điểm (+0,18%), lên 6.766,77 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 36,34 điểm (+0,37%), lên 9.920,32 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 26,02 điểm (+0,58%), lên 4.536,07 điểm.
Chứng khoán châu Á trái chiều trong phiên 17/6. Trong khi chứng khoán Nhật Bản hồi phục nhẹ trở lại, thì chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông giảm khá mạnh do giới đầu tư lo ngại về cuộc xung đột tại Iraq. Trung Quốc là một trong những nước nhập khẩu dầu lớn nhất của Iraq, nếu quốc gia vùng vịnh này rơi vào chia cắt và khủng hoảng vì xung đột, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Kết thúc phiên 17/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 42,68 điểm (+0,29%), lên 14.975,97 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 97,08 điểm (-0,42%), xuống 23.203,59 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 19,28 điểm (-0,92%), xuống 2.066,70 điểm.
Giá vàng lình xình trong phiên giao dịch ngày 17/6. Có thời điểm, giá kim loại quý này lao mạnh xuống dưới 1.260 USD/ounce khi thông tin lạm phát của Mỹ được công bố, sau đó hồi phục dần và đóng cửa ở mức không đổi so với giá đóng cửa phiên trước đó.
Kết thúc phiên 17/6, giá vàng giao ngay không thay đổi so với mức đóng cửa phiên trước, 1.271,70 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 giảm 3,3 USD (-0,26%), xuống 1.272,0 USD/ounce.
Giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, đang xem xét khả năng can thiệp vào Iraq để chống lại phiến quân Hồi giáo dòng Sunni. Giới đầu tư đang theo dõi động thái của Mỹ với cuộc xung đột tái Iraq. Trong khi đó, vụ nổ đường ống dẫn khí đốt của Nga tại Ukraine làm ảnh hưởng đến nguồn cung khí, cũng như dầu cho các nước châu Âu khiến giá dầu Brent tăng trở lại.
Kết thúc phiên 17/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,54 USD (-0,51%), xuống 106,36 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,51 USD (+0,45%), lên 113,45 USD/thùng.