Về thông tin kinh tế, doanh số bán lẻ mới công bố tăng 0,3% trong tháng 5, chỉ bằng một nửa so với dự báo, trong khi tỷ lệ người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước bất ngờ tăng lên.
Dù vậy, những thông tin kinh tế kém tích cực này cũng không khiến giới đầu tư hết kỳ vọng về đà phục hồi của kinh tế Mỹ sau khi một loạt thông tin vĩ mô tích cực khác được công bố trước đó.
Tuy nhiên, giới đầu tư Phố Wall đang hướng sự chú ý sang Iraq. Lực lượng người Kurd ở miền Bắc Iraq đã nắm quyền kiểm soát TP. Kirkuk, trung tâm dầu lửa của Iraq khi quân đội Chính phủ do người Shiite lãnh đạo tháo chạy.
Trong khi đó, các chiến binh hồi giáo dòng Sunni cũng đã nhanh chóng chiếm thêm nhiều thành phố khác của Iraq và đang trên đường tiến về Baghdad với ý định hướng tới việc thành lập một nhà nước thành chiến.
Bà Jen Psaki, phát ngôn viên của Tổng thống Mỹ cho biết, Mỹ đang xem xét các lựa chọn để giải quyết vấn đề Iraq, ngoại trừ việc gửi quân đội Mỹ vào quốc gia này một lần nữa.
Sau thông điệp này, chứng khoán đã đồng loạt rút lui và chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng mạnh 8,3%, lên 12,56.
S&P 500 có phiên giảm thứ 3 liên tiếp và là chuỗi giảm dài nhất kể từ tháng 4, trong khi Dow Jones có phiên giảm mạnh thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Dow Jones giảm 109,69 điểm (-0,65%), xuống 16.734,19 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,78 điểm (-0,71%), xuống 1.930,11 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 34,30 điểm (-0,79%), xuống 4.297,63 điểm.
Chứng khoán châu Âu dù vẫn chưa lấy lại thế tăng mạnh như thời điểm ECB đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất, nhưng chỉ lình xình quanh mốc tham chiếu, chứ không lao mạnh như Phố Wall. Chứng khoán châu Âu được hỗ trợ bởi các thương vụ M&A trong lĩnh vực viễn thông.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số FTSE tại Anh tăng 4,24 điểm (+0,06%), lên 6.843,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 11,11 điểm (-0,11%), xuống 9.938,70 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 0,71 điểm (-0,02%), xuống 4.554,40 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á giảm từ mức đỉnh cao nhất trong 6 năm sau khi chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong 3 tuần trong phiên liền trước.
Kết thúc phiên 12/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 95,95 điểm (-0,64%), xuống 14.973,53 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 82,27 điểm (-0,35%), xuống 23.175,02 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 3,24 điểm (-0,16%), xuống 2.051,71 điểm.
Thông tin về cuộc xung đột tại Iraq đã hỗ trợ rất tốt cho giá vàng. Với nỗi trợ hãi của giới đầu tư tăng lên, giới đầu tư thoát khỏi chứng khoán và tím đến kênh đầu tư vàng như là nơi trú ẩn an toàn, giúp giá kim loại quý này tăng vọt 1% trong phiên 12/6.
Kết thúc phiên 12/6, giá vàng giao ngay tăng 12,5 USD (+0,99%), lên 1.273,10 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 12,8 USD (+1,01%), lên 1.274,0 USD/ounce.
Tình hình ở Iraq khiến giá dầu tăng vọt trong phiên 12/6, lên mức cao nhất 9 tháng. Kết thúc phiên 12/6, giá dầu thô Mỹ tăng 2,13 USD (+2,00%), lên 106,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 3,07 USD (+2,72%), lên 113,02 USD/thùng.