Chứng khoán đồng loạt rút lui sau công bố của WB

(ĐTCK) Việc WB hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu đã khiến chứng khoán đồng loạt rút lui sau khi liên tiếp lập đỉnh, trong khi vàng nhận được thông tin hỗ trợ tốt cũng không thể bứt phá.
Phố Wall đảo chiều giảm điểm sau báo cáo của WB - Ảnh: Reuters Phố Wall đảo chiều giảm điểm sau báo cáo của WB - Ảnh: Reuters
Trong báo cáo về kinh tế toàn cầu được phát hành ngày 11/6, Ngân hàng Thế giới (World Bank -WB) dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 2,8% trong năm nay, giảm so với mức dự báo 3,2% được đưa ra từ tháng 1. Triển vọng tăng trưởng của kinh tế Mỹ bị hạ từ 2,8% xuống 2,1%, trong khi dự báo tăng trưởng của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc cũng bị hạ. Tuy nhiên, mức dự báo cho năm 2015 vẫn giữ nguyên ở mức 3,4%.

Lý do WB cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toán cầu là do xung đột tại Ukraine và thời tiết khắc nghiệt của Mỹ trong mùa Đông vừa qua.

Ngay sau báo cáo này được phát đi, chứng khoán toàn cầu, trong đó có cả chứng khoán Mỹ đã đồng loạt rút lui. Chuỗi lập đỉnh liên tiếp của Dow Jones dừng lại ở con số 4, trong khi S&P 500 ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Dow Jones giảm mạnh nhất trong 3 chỉ số chính của Phố Wall trong phiên 11/6 do chịu ảnh hưởng của cổ phiếu tài chính khi một báo cáo cho biết, cuộc thương thảo giữa Bank of America với Chính phủ liên quan đến hoạt động thế chấp bị rơi vào bế tắc.

Giới đầu tư lo ngại khi dự đoán FED sẽ có quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp vào tuần sau, càng khiến chứng khoán bị bán mạnh.

Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Dow Jones giảm 102,04 điểm (-0,60%), xuống 16.843,88 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 6,90 điểm (-0,35%), xuống 1.943,89 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 6,06 điểm (-0,14%), xuống 4.331,93 điểm.

Báo cáo của WB cũng ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu, khiến đà tăng ấn tượng nhờ ảnh hưởng quyết định cắt giảm lãi suất của ECB đã chính thức chấm dứt trong phiên 11/6. Ngoài báo cáo của WB, thì cuộc xung đột tại thành phố lớn thứ 2 của Irắc cũng là lý do khiến giới đầu tư không dám mạo hiểm cầm giữ cổ phiếu. Ngoài ra, chứng khoán châu Âu còn bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu hàng không. Cổ phiếu Lufthansa này đã mất tới 14,2% khi hãng hàng không Đức cho biết, sẽ không đạt được mục tiêu lợi nhuận trong 2 năm tới. Air France KLM giảm 7%, International Consolidated Airlines Group giảm 3%, Airbus cũng suy yếu 3,1% sau khi hãng hàng không Emirates của Dubai hủy bỏ hợp đồng…

Kết thúc phiên 11/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 34,68 điểm (-0,50%), xuống 6.838,87 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 78,99 điểm (-0,79%), xuống 9.949,81 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 39,89 điểm (-0,87%), xuống 4.555,11 điểm.

Chứng khoán Nhật Bản đảo chiều tăng trở lại thoát khỏi mức thấp nhất 1 tuần bất chấp báo cóa của WB do nhận được thông tin hỗ trợ rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ giữ chính sách hỗ trợ kinh tế như hiện nay trong cuộc họp diễn ra 2 ngày, bắt đầu tư thứ Năm. Trong khi đó, báo cáo của WB đã khiến chứng khoán Hồng Kông đảo chiều và chứng khoán Trung Quốc hạ nhiệt.

Kết thúc phiên 11/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 74,68 điểm (+0,50%), lên 15.069,48 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 58,45 điểm (-0,25%), xuống 23.257,29 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 2,42 điểm (+0,12%), lên 2.054,95 điểm.

Tuy nhiên, trong phiên giao dịch tối qua, đồng USD giảm giá 0,3% so với đồng yên, xuống 102,2 yên. Điều này, cùng với diễn biến của chứng khoán Âu, Mỹ đã ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Nhật Bản khi mở cửa phiên sáng nay, khiến chỉ số Nikkei quay đầu giảm điểm ngay khi mở cửa.

Trong khi đó, trên thị trường kim loại quý, giá vàng chỉ dao động trong biên độ hẹp dưới 5 USD/ounce trong suốt phiên giao dịch ngày 11/6. Tuy nhiên, nhờ nhận được hỗ trợ từ báo cáo của WB, nên giá kim loại quý này chủ yếu giao dịch trên mức đóng cửa phiên trước. Mặc dù vậy, việc đồng USD tăng giá so với đồng USD khi giới đầu tư lo ngại FED sẽ tăng lãi suất khiến giá vàng không thể bứt phá, mà chỉ lình xình sát trên mốc 1.260 USD/ounce.

Kết thúc phiên 11/6, giá vàng giao ngay tăng 0,7 USD (+0,06%), lên 1.260,60 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 tăng 1,1 USD (+0,09%), lên 1.261,2 USD/ounce.  

Cuộc giao tranh tại Irắc khiến giá dầu tăng trở lại, tuy nhiên, đà tăng của giá dầu thô Mỹ bị hạn chế nhiều với thông tin về sản lượng dầu thô của Mỹ tăng lên.

Kết thúc phiên 11/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,05 USD (+0,05%), lên 104,40 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,43 USD (+0,39%), lên 109,95 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục