Chứng khoán Mỹ 16 lần lập kỷ lục, vẫn chưa quá nóng!

(ĐTCK) Mặc dù đã trải qua 16 lần lập kỷ lục gần đây và mặc dù có nhiều cảnh báo về rủi ro điều chỉnh, nhưng vẫn có những lý do nhất định cho thấy TTCK Mỹ chưa hẳn đã quá nóng.
Chứng khoán Mỹ 16 lần lập kỷ lục, vẫn chưa quá nóng!

Có lẽ khía cạnh rủi ro nhất của lĩnh vực đầu tư kinh doanh là nó dường như được coi là một khoa học thực sự, trong khi trên thực tế, nó luôn chỉ là một khoa học xã hội. Các mô hình toán học đẹp mắt thường chỉ tỏ ra “hoành tráng” ngay trước khi chúng thất bại thảm hại - hơi giống như khi người ta nói rằng, một túi khí sẽ hoạt động hoàn hảo cho đến khi bạn… gặp tai nạn.

Vài tuần trước, một trong những nhà tư vấn đầu tư gạo cội, đồng thời là quản lý cao cấp tại một trong những quỹ tương hỗ lớn nhất nước Mỹ, nói với Jason Trennert, lãnh đạo hãng môi giới tổ chức Strategas rằng, trọng trách lớn lao nhất của Strategas lúc này, với tư cách một hãng nghiên cứu thị trường, là tiếp tục tập trung nhấn mạnh những rủi ro của thị trường con bò (bull market) hiện tại.

“Từng trải qua hai thị trường con gấu (bear market) dữ dội 15 năm trước, tôi cảm thấy điều này cực kỳ dễ hiểu”, Trennert nói. “Nó cũng khiến tôi hiểu thêm rằng, vết sẹo tâm lý mà cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 gây ra còn hằn sâu cỡ nào”. Trennert cho biết, vài tuần qua, chuyến công tác trên khắp nước Mỹ đã mang đến cho ông cảm nhận rằng, phần lớn nhà đầu tư đang lo lắng quá về những rủi ro tiềm ẩn, thay vì coi đây là cơ hội. Mặc dù thực tế thị trường đang tăng điểm và chỉ vượt 80% so với 5 năm qua, không có gì bất thường khi thấy các tờ báo tài chính mô tả thị trường hiện tại như đang trong một “cuộc phi nước đại”. Nhiều người thậm chí còn ví sự tăng điểm hiện tại của thị trường như “lời mời của các cô nàng nặc danh khêu gợi” - ám chỉ rủi ro đằng sau sự hấp dẫn bề ngoài.

Nhưng “chúng tôi đã và hiện vẫn nghiêng về quan điểm cho rằng, chất lượng cao của các cổ phiếu ở các nước phát triển khiến chúng trở thành loại tài sản ‘không còn lựa chọn nào khác’ đối với thế giới”, Trennert nói và cho biết, quan điểm này dựa trên tình hình lạm phát thấp và sự ủng hộ ngầm của các ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, lãnh đạo Strategas cũng thừa nhận một thực tế là lạm phát thường khó tiên đoán nên đã chọn các mẫu nghiên cứu mang tính đại diện nhất cho thị trường. “Mạo hiểm đúng chỗ mới đáng mạo hiểm. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã xây dựng một danh sách các cổ phiếu hàng đầu của thị trường để chắc chắn là chúng tôi không bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo tiềm tàng từng tiên đoán đúng về hai thị trường con gấu đã qua”, Trennert nói. “Mặc dù có một vài chỉ báo cho thấy có hiện tượng cổ phiếu tăng giá dễ dàng, song rất ít dấu hiệu rút ra từ các thị trường con gấu giai đoạn 2000 và 2007 xuất hiện hôm nay”.

Có lẽ, căn cứ chắc chắn nhất để tin thị trường không có rủi ro lớn ở thời điểm hiện tại là thực tế rằng, hầu như không có bằng chứng nào cho thấy có nhiều sự tham gia của các nhà đầu tư nhỏ lẻ vào đợt tăng này, hay có lẽ quan trọng hơn là, các công ty không có nhiều lợi ích trong việc lôi kéo các nhà đầu tư nhỏ lẻ nắm giữ cổ phiếu của họ. Dù S&P 500 đã tăng 32% trong năm 2013, dòng tiền ròng đổ vào các quỹ đầu tư cổ phiếu nội địa là không nhiều, với 17,9 tỷ USD, chỉ cao hơn một chút so với 0,1% mức vốn hóa thị trường của S&P 500 (hiện khoảng 17.000 tỷ USD).

“Giá bình quân của một chứng khoán trong S&P 500 hiện ở mức cao nhất trong lịch sử và một cuộc khảo sát không chính thức các công ty, như Chipotle Mexican Grill (mã CMG), có giá hơn 500 USD/CP, đã dẫn chúng tôi đến sự tin tưởng rằng, các quản lý cao cấp hoàn toàn bằng lòng với việc để cổ phiếu của họ trong tay những nhà đầu tư lớn”, Trennert nói. “Lãi suất thực đang giảm và tín dụng bị thắt chặt, và mặc dù số lượng các cuộc IPOs là rất lớn, nhưng tổng lượng vốn cổ phần tăng thêm từ 64 cuộc chào bán trong quý I chỉ đạt 11 tỷ USD”.

Những dấu hiệu của một xu hướng hàng đầu, về bản chất, mang tính kỹ thuật nhiều hơn và điều đó gợi ý rằng, khoảng cách giữa các cổ phiếu tăng giá và giảm giá có thể còn tăng. Số lượng các cổ phiếu đạt các mức cao mới đã bắt đầu giảm dần. Có lẽ xu hướng làm bối rối nhiều nhất là số lượng các doanh nghiệp có tăng trưởng lợi nhuận đã bắt đầu giảm xuống. Nếu không có sự tăng trưởng như kỳ vọng ở nhiều doanh nghiệp trong những quý tới, thị trường có thể dễ dàng chuyển trạng thái từ được coi là đủ rẻ thành quá đắt.

Dĩ nhiên, thị trường tăng điểm đã trải qua 31 tháng lạ thường mà không có đợt điều chỉnh 10% nào và dường như có một sự chắc chắn nhất định về khả năng “Ngài Thị trường” sẽ kiểm tra lại những điều mà những nhà đầu tư lạc quan đang tin vào.

Theo Trennert, lo sợ lạm phát là tác nhân khả dĩ nhất có thể khiến thị trường điều chỉnh trong năm nay. “Tốc độ lưu chuyển tiền tệ tiếp tục chậm lại và áp lực không nhiều đối với chi phí lao động phổ thông khiến chúng tôi tin rằng, bất kỳ dấu hiệu lạm phát nào cũng có thể chỉ là tạm thời và rằng, bất kỳ phiên điều chỉnh trước mắt nào cũng sẽ không thể là sự kết thúc của thị trường tăng điểm hiện nay”, ông nói.             

Quang Huy (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục