Chứng khoán Mỹ mở cửa phiên giao dịch ngày thứ Năm với xu thế lình xình và giằng co quanh mốc tham chiếu. Tuy nhiên, ngay sau khi thông tin cuộc họp của ECB được công bố với quyết định cắt giảm một loạt lãi suất, Phố Wall đã phục hồi và tăng vọt sau đó. Trong đó, Dow Jones và S&P 500 thiết lập đỉnh cao lịch sử mới. Chỉ số S&P 500 đã tăng 9 trong 11 phiên giao dịch gần đây nhất và thiết lập đỉnh 5 trong 6 phiên gần đây.
Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Dow Jones tăng 98,58 điểm (+0,59%), lên 16.836,11 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 12,58 điểm (+0,65%), lên 1.940,46 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 44,58 điểm (+1,05%), lên 4.296,23 điểm.
Trong cuộc họp ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã có một quyết định lịch sử với mức lãi suất âm 0,1% khi các ngân hàng thương mại gửi tiền qua đêm ở Ngân hàng Trung ương. Đây là lần đầu tiên ECB áp dụng mức lãi suất âm và cũng là Ngân hàng Trung ương đầu tiên áp dụng mức lãi suất âm. Quyết định này nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại đẩy tiền vào nên kinh tế để kích thích tăng trưởng.
Bên cạnh thực hiện mức lãi suất âm này, ECB cũng quyết định cắt giảm lãi suất tái cấp vốn 10 điểm phần trăm, xuống còn 0,15%/năm. Tuy nhiên, ECB lại không đưa ra chương trình nới lỏng định lượng, in thêm tiền để mua tài sản, dù vậy, ông Mario Draghi, Chủ tịch ECB cho biết trong cuộc họp báo sau đó rằng, vẫn để ngỏ gói định lượng này và sử dụng khi cần thiết.
Sau quyết định này, chứng khoán châu Âu cũng bắt đầu chuyển biến tích cực, đa số các chỉ số chính đều chuyển sắc xanh, trong đó, chỉ số DAX đã có lúc vượt qua mốc 10.000 điểm, lên mức cao nhất lịch sử, trước khi đóng cửa ở mức 9.947,83 điểm. Chứng khoán Pháp là thị trường tăng mạnh nhất với hơn 1%.
Kết thúc phiên 5/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 5,14 (-0,08%), xuống 6.813,49 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 21,16 điểm (+0,21%), lên 9.947,83 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp tăng 47,73 điểm (+1,06%), lên 4.548,73 điểm.
Thị trường chứng khoán châu Á giao dịch thận trọng trong phiên thứ Năm để chờ đợi kết quả từ cuộc họp của ECB với dự đoán Ngân hàng Trung ương này sẽ cắt giảm lãi suất mạnh.
Kết thúc phiên 5/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 11,41 điểm (+0,07%), lên 15.079,37 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 42,05 điểm (-0,18%), xuống 23.109,66 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 16,04 điểm (+0,79%), lên 2.040,88 điểm.
Quyết định nới lỏng tiền tệ của ECB cũng hỗ trợ tích cực cho thị trường kim loại quý. Ngay sau quyết định này, giá vàng đã thoát khỏi xu thế lình xình, đi ngang để vọt tăng mạnh trong phiên giao dịch thứ Năm.
Kết thúc phiên 5/6, giá vàng giao ngay tăng 9,6 USD (+0,77%), lên 1.253,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 9 USD (+0,72%), lên 1.253,0 USD/ounce.
Trong khi đó, giá dầu lại có sự trái chiều, trong khi giá dầu thô Mỹ tiếp tục giảm nhẹ, thì giá dầu thô Brent đã tăng trở lại. Kết thúc phiên 5/6, giá dầu thô Mỹ giảm 0,16 USD (-0,16%), xuống 102,48 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,39 USD (+0,39%), lên 108,79 USD/thùng.