Dữ liệu kinh tế mới nhất cho thấy, đơn đặt hàng nhà máy tháng 4 của Mỹ tăng 0,7%, vượt dự báo, tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Trong khi đó, doanh số bán xe trong tháng 5 tiếp tục ổn định cho thấy kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu phục hồi tốt. Tuy nhiên, Phố Wall đã điều chỉnh giảm nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba do nhà đầu tư thận trọng sau khi Dow Jones và S&P 500 liên tiếp lập đỉnh (Dow Jones có 2 phiên liên tiếp và S&P 500 có phiên thứ 3 liên tiếp lập đỉnh).
Trong khi đó, chỉ số VIX đo lường sự sợ hãi của Phố Wall tăng 2,5%, phiên tăng thứ 2 liên tiếp, nhưng vẫn dưới mức 12, mức trung bình 20 ngày. Cho thấy, giới đầu tư Phố Wall chỉ thận trọng trước đà tăng mạnh của thị trường, chứ chưa xuất hiện lo ngại về xu hướng của thị trường.
Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Dow Jones giảm 21,29 điểm (-0,13%), xuống 16.722,34 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,73 điểm (-0,04%), xuống 1.924,24 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 3,12 điểm (-0,07%), xuống 4.234,08 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, dữ liệu lạm phát khu vực đồng euro công bố hôm thứ Hai cho thấy, tỷ lệ lạm phát bất ngờ giảm xuống 0,5% trong tháng 5 từ mức 0,7% trong tháng 4. Đây là dấu hiệu cho thấy kinh tế khu vực này đang đối mặt với giảm phát và dữ liệu này khiến giới đầu tư thận trọng và thị trường chứng khoán điều chỉnh giảm. Dữ liệu mới công bố cũng thêm động lực để Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra chính sách nới lỏng tiền tệ của mình trong tuần này.
Kết thúc phiên 3/6, chỉ số FTSE tại Anh giảm 27,80 (-0,41%), xuống 6.836,30 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 30,38 điểm (-0,31%), xuống 9.919,74 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 12,20 điểm (-0,27%), xuống 4.503,69 điểm.
Nhờ dữ liệu kinh tế tích cực của Trung Quốc và Mỹ, chứng khoán châu Á có phiên giao dịch tích cực ngày thứ Ba. Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng, dù không mạnh như phiên đầu tuần, chứng khoán Hồng Kông tăng mạnh sau khi giao dịch trở lại, trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục giảm nhẹ.
Kết thúc phiên 3/6, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 98,3 điểm (+0,66%), lên 15.034,25 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 209,39 điểm (+0,91%), lên 23.291,04 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 0,91 điểm (-0,04%), xuống 2.038,31 điểm.
Vàng đã có phiên phục hồi nhẹ sau chuỗi giảm liên tiếp, tuy nhiên vẫn đứng ở mức thấp nhất 4 tháng. Dữ liệu kinh tế tích cực toàn cầu sẽ gây sức ép lên thị trường kim loại quý. Giá vàng sẽ chờ đợi dữ liệu thị trường lao động Mỹ được công bố cuối tuần và chính sách của ECB dự kiến cũng được đưa ra vào cuối tuần này.
Kết thúc phiên 3/6, giá vàng giao ngay tăng 1,40 USD (+0,11%), lên 1.244,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 0,6 USD (+0,05%), lên 1.244,3 USD/ounce.
Giá dầu thô lình xình và biến động nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Kết thúc phiên 3/6, giá dầu thô Mỹ tăng 0,19 USD (+0,19%), lên 102,66 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,01 USD (-0,01%), xuống 108,82 USD/thùng.