Đặt niềm tin vào kinh tế, chứng khoán lại thiết lập đỉnh cao mới

(ĐTCK)  Bất chấp kinh tế Mỹ có quý tăng trưởng âm đầu tiên sau 3 năm trong quý I/2014, nhưng Phố Wall vẫn tăng điểm với việc S&P 500 tiếp tục thiết lập đỉnh cao mới khi giới đầu tư kỳ vọng, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng mạnh trở lại trong quý II.
Phố Wall đã tăng điểm 5 trong 6 phiên giao dịch gần đây - Ảnh: Reuters Phố Wall đã tăng điểm 5 trong 6 phiên giao dịch gần đây - Ảnh: Reuters

Theo báo cáo vừa công bố, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong quý I/2014 giảm 1%, thấp hơn chút ít so với kỳ vọng của thị trường và là mức suy giảm đầu tiên sau 3 năm. Thời tiết khắc nghiệt của mùa Đông vẫn được cho là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến GDP của Mỹ.

Tuy nhiên, bỏ quan dữ liệu kinh tế kém khả quan của quý I, thị trường chứng khoán vẫn vọt tăng với việc S&P 500 thiết lập đỉnh cao mới khi giới đầu tư kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng trong quý II.

Theo báo cáo được công bố, số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm trong tuần trước cho thấy, thị trường lao đông đang có chuyển biến tích cực. Bên cạnh đó, giới phân tích và các tổ chức đều dự báo, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý II sẽ vào khoảng 3,9-4%. Đây chính là lý do giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên thứ Năm.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Dow Jones tăng 65,56 điểm (+0,39%), lên 16.698,74 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 10,25 điểm (+0,54%), lên 1.920,03 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 22,87 điểm (+0,54%), lên 4.247,95 điểm.

Chứng khoán châu Âu mở cửa với sắc xanh trên diện rộng và lên mức cao nhất 6 năm nhờ được hỗ trợ bởi kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong tuần tới. Tuy nhiên, sau đó, Citigroup cắt giảm xếp hạng của mình với một số cổ phiếu trên thị trường này khiến các thị trường chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm trước khi kết thúc phiên ở mức sát với mức tham chiếu.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số FTSE tại Anh tăng 20,07 (+0,29%), lên 6.871,29 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 0,27 điểm (-0,00%), xuống 9.938,90 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 1,12 điểm (-0,02%), xuống 4.530,51 điểm.

Chứng khoán châu Á có phiên điều chỉnh sau khi tăng mạnh trước đó. Dữ liệu về xuất khẩu khu vực châu Á yếu, cùng với việc đồng yên tăng giá, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có ý định thu hẹp gói kích thích kinh tế của mình đã ảnh hưởng đến chứng khoán khu vực.

Kết thúc phiên 29/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 10,77 điểm (+0,07%), lên 14.681,72 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 69,89 điểm (-0,30%), xuống 23.010,14 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc giảm 9,63 điểm (-0,47%), xuống 2.040,60 điểm.

Giá vàng tiếp tục chịu áp lực bán kỹ thuật và giảm giá trong phiên thứ Năm, xuống mức thấp nhất 4 tháng. Tuy nhiên, sau đó, nhờ dữ liệu GDP quý I của Mỹ được công bố kém khả quan đã hỗ trợ cho giá kim loại quý này hãm bớt đà giảm.

Kết thúc phiên 29/5, giá vàng giao ngay giảm 2,70 USD (-0,22%), xuống 1.255,90 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 2,5 USD (-0,20%), xuống 1.256,8 USD/ounce.

Theo số liệu của Ủy ban thông tin năng lượng Mỹ (EIA), nguồn cung dầu tại Cushing, Okla giảm 1,5 triệu thùng trong khi dự trữ dầu toàn quốc tăng 1,7 triệu thùng. Lượng dự trữ dầu toàn quốc tăng cao hơn 100.000 thùng so với dự đoán của các chuyên gia.

Trong khi đó, nguồn cung tại Cushing đã giảm 16/17 tuần gần đây và giảm hơn 20 triệu thùng kể từ cuối tháng 1 khi đường ống dẫn dầu mới được đưa vào sử dụng nhằm vận chuyển dầu từ kho dự trữ đến các nhà máy lọc dầu ở Gulf Coast.

Những thông tin trên đã giúp giá dầu tăng trở lại trong phiên thứ Năm. Kết thúc phiên 29/5, giá dầu thô Mỹ tăng 0,86 USD (+0,83%), lên 103,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,16 USD (+0,15%), lên 109,97 USD/thùng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục