M&A chờ một sự bùng nổ

(ĐTCK) Buổi họp báo giới thiệu Diễn đàn M&A Việt Nam thường niên lần thứ 6 đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia kinh tế, tổ chức tài chính, ngân hàng cũng như đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước. 
M&A chờ một sự bùng nổ

Tất cả đều hào hứng đón chờ một sự bùng nổ ấn tượng của làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam, được dự báo được “châm ngòi” từ Diễn đàn M&A Việt Nam 2014 diễn ra vào đầu tháng 8 tới đây tại TP. HCM.

Làn sóng M&A thứ hai

Nếu như làn sóng M&A thứ nhất khởi phát từ những dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp nước ngoài rất lớn đổ vào Việt Nam trong quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế và tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cũng như sự trỗi dậy ngoạn mục của các doanh nghiệp dân doanh, thì làn sóng M&A thứ hai lại xuất phát từ chính yêu cầu nội tại của nền kinh tế Việt Nam, vốn đang trong quá trình tái cấu trúc để vươn lên bước sang một giai đoạn mới vững chắc và ổn định hơn.

Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư, Trưởng ban tổ chức Diễn đàn M&A Việt Nam 2014, làn sóng M&A thứ hai trên thị trường Việt Nam được dự báo sẽ diễn ra với 5 nét nhận diện đặc trưng chính. Thứ nhất, bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi và đẩy mạnh cải cách thể chế, khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động M&A, với việc hàng loạt văn bản luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán… được ban hành.

Thứ hai, đây là giai đoạn mà tiến trình cổ phần hóa DNNN diễn ra mạnh mẽ chưa từng có, với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án Cổ phần hóa 432 DNNN đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua trong 2 năm tới. Các cuộc IPO của nhiều DNNN quy mô lớn như Vietnam Airlines, MobiFone, Tập đoàn Dệt may, các tổng công ty xi măng, thép, các DN ngành giao thông - vận tải… dự kiến sẽ là nguồn hàng quan trọng cho các thương vụ M&A và lựa chọn đối tác chiến lược lớn.

Thứ ba, quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và thoái vốn ngoài ngành theo chủ trương của Chính phủ tiến hành song song với tiến trình đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN cũng sẽ thúc đẩy hoạt động M&A. Thứ tư, hoạt động M&A tại Việt Nam thời gian tới không còn mang tính chất sự vụ mà thực sự trở thành chiến lược đầu tư của doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy tăng trưởng đột phá và bền vững. Thứ năm, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân cùng với sự quan tâm của dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam cũng là nhân tố góp phần tạo nên một làn sóng M&A mới.

Bối cảnh mới này giúp hoạt động M&A thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo tiền đề cho sự bùng nổ của làn sóng M&A thứ hai trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.

Đồng tình với nhận định này, ông Đặng Xuân Minh, Tổng giám đốc Công ty AVM, Phó trưởng Ban tổ chức cho biết, nhiều DNNN quy mô lớn đang trong quá trình tìm kiếm và đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và đây là giai đoạn chờ đợi chuẩn bị cho các thương vụ mua bán, sáp nhập đình đám dự kiến sẽ diễn ra trong làn sóng thứ hai, với tổng giá trị ước tính lên tới 20 tỷ USD. Trong số này sẽ bao gồm các thương vụ bán vốn lớn của Nhà nước, như bán 25% cổ phần PVGas (với giá trị vốn hóa 9,3 tỷ USD), ước thu về hơn 2 tỷ USD; 25% cổ phần MobiFone (được định giá khoảng 3,4 tỷ USD) thu về khoảng 850 triệu USD và các thương vụ bán vốn tại Sabeco, Vietnam Airlines có giá trị từ vài trăm triệu USD cho tới 1 tỷ USD.

Cơ hội và thách thức

Đánh giá cao tiến trình cổ phần hóa DNNN thời gian gần đây của Việt Nam, ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Công ty Recof Nhật Bản cho rằng, làn sóng M&A thứ hai của Việt Nam sẽ được hậu thuẫn chính bởi quá trình cổ phần hóa DNNN. Như vậy, có thể thấy, cổ phần hóa DNNN chính là một trong những kênh quan trọng để tạo nguồn hàng khả thi cho những vụ mua bán sáp nhập thành công sẽ diễn ra trong làn sóng M&A thứ hai tới đây.

Tuy nhiên, cũng có khá nhiều ý kiến băn khoăn về vấn đề cổ phần hóa DNNN đang diễn ra chậm hơn dự kiến và lo ngại đây sẽ là một trở ngại cản trở tiến trình cổ phần hóa cũng như tác động trực tiếp tới thị trường M&A tới đây.

Theo ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt, có rất nhiều lý do khiến việc cổ phần hóa DNNN 2 năm qua bị chậm. Chẳng hạn như việc Chính phủ cho phép DNNN được trích lập dự phòng và bán các khoản đầu tư tài chính dưới mệnh giá, nhưng đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, vấn đề khó hơn mà ông Bảo lo ngại là việc thoái vốn ở các công ty ngoài ngành.

“Thời gian qua, do kinh tế khủng hoảng nên DN nợ rất nhiều, quá trình xử lý nợ chắc chắn còn kéo dài. DN sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn do việc xác định các khoản nợ dở dang, khoản nào có thể thanh toán được và để làm được thì cần thời gian. Việc xử lý tài chính của các DNNN vì thế chưa có lối thoát”, ông Bảo lý giải.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc Khối dịch vụ Ngân hàng đầu tư VPBS cho rằng, quyết tâm chính trị cổ phần hóa của Chính phủ là rất lớn, nhưng để hoàn thành mục tiêu cổ phần hóa 432 DNNN trong quãng thời gian từ nay đến năm 2015 thì phải có sự chuyển biến rất lớn về tư tưởng và thực chất quản lý điều hành DN, trong đó có cơ cấu sở hữu, quản lý điều hành, quyền lợi của hệ thống quản lý.

“Khi áp lực về mặt cân đối ngân sách vài năm nay khá khó khăn, hy vọng quyết tâm của Chính phủ đẩy mạnh cổ phần hóa để gia tăng nguồn thu ngân sách sẽ thúc đẩy cổ phần hóa nhanh hơn”, ông Hà chia sẻ.

Đứng trên góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, ông Vũ Xuân Thuyên, Phụ trách Phòng  Đầu tư và quản trị  doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, quyết tâm của Chính phủ là sẽ đẩy nhanh cổ phần hóa và điều này đã thể hiện ở việc hoàn thiện các quy định pháp lý. Tuy nhiên, theo ông Bảo, Chính phủ sẽ không cổ phần hóa DNNN bằng mọi giá, mà đặt mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của DN.

“Có thể, việc cổ phần hóa toàn bộ 432 DNNN chưa hoàn thành được trong năm 2015, nhưng những công việc định giá, xử lý tài chính sẽ được tiến hành với toàn bộ DN. Mục tiêu của Chính phủ là chuyển DNNN sang hoạt động theo Luật DN, nên các đợt IPO DNNN có thể bán không được nhiều, nhưng điều quan trọng nhất là đưa hoạt động quản lý DNNN theo hướng hiệu quả hơn vì cổ đông. Trong xu thế này, với khả năng phát triển như một hình thức đầu tư và  kênh tham gia của nhà đầu tư lớn, M&A sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy cổ phần hóa DNNN”, ông Thuyên nói.                                                       

M&A chờ một sự bùng nổ ảnh 1

Ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành Công ty Recof (Nhật Bản)

Các nhà đầu tư Nhật Bản coi thị trường Việt Nam như là một trong những quốc gia có tiềm năng nhất trong khu vực ASEAN, đặc biệt trên lĩnh vực mua bán sáp nhập. Trong đó, các DNNN có thị phần lớn tại thị trường nội địa cũng như có vị trí quan trọng trong các ngành tại thị trường nội địa sẽ là những DN thu hút được sự quan tâm lớn nhất từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Nhà đầu tư Nhật Bản cũng rất quan tâm đến các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, công nghệ thông tin, vận tải, logistic, các chuỗi nhà ăn, hàng tiêu dùng nhanh, đóng gói bao bì, sản phẩm, các chuỗi bán lẻ.

Tuy nhiên, có một thực tế là chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc tuân thủ pháp luật của Việt Nam, vì các quy định pháp luật rất phức tạp, khó hiểu và đây có lẽ là một trong những cản trở lớn nhất khi tiến hành một thương vụ M&A.

M&A chờ một sự bùng nổ ảnh 2

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Chánh thanh tra - Thanh tra giám sát ngân hàng – NHNN

M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tiếp tục là xu hướng rất ràng. Đến thời điểm này, NHNN đã thu hồi giấy phép của 5 ngân hàng cổ phần, 2 công ty tài chính thông qua M&A. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, chúng tôi đã chấp thuận chính thức cho VPBank mua Công ty Tài chính Than - Khoáng sản. Chúng tôi cũng đã chấp thuận về mặt chủ trương cho phép một NHTM sáp nhập với một NHTM khác và một NHTM mua lại một công ty tài chính. Ngoài ra, nhiều ngân hàng và công ty tài chính cũng đang trong quá trình đàm phán để đưa ra quyết định cuối cùng cho giao dịch M&A.

Có thể khẳng định, M&A là một giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng khá hiệu quả. Nó không chỉ hiệu quả với TCTD yếu kém, mà còn nhiều lợi thế với TCTD hoạt động bình thường.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục