Lý giải việc GDP đạt thấp, thu ngân sách tăng cao

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, nhưng tốc độ thu ngân sách nhà nước (NSNN) lại tăng 15,2%. “NSNN thu tăng, chứ không phải tăng thu, vì Nhà nước không hề ban hành thêm bất cứ chính sách nào nhằm tăng mức đóng góp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí khẳng định. 
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí

Tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2017 không cao; tăng trưởng của ngành công nghiệp, xây dựng rất thấp, tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng thậm chí bị âm. Ông giải thích thế nào về việc thu NSNN vẫn tăng cao?

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, so với cùng kỳ năm 2016, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% và đạt mức tăng thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm 2015 (tăng 9,27%) và năm 2016 (tăng 6,92%).

Tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng cũng thấp so với cùng kỳ 3 năm trở lại đây. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp khai khoáng sụt giảm mạnh, chỉ bằng 90% so với cùng kỳ 2016.

Nhìn vào tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh kể trên, nhiều người cho rằng, NSNN quý I/2017 thu tăng hơn 15% là do tận thu, nhưng phân tích kỹ thì không phải. NSNN thu tăng chứ không hề tăng thu, vì không có bất cứ chính sách nào nhằm tăng thu cho ngân sách được ban hành.

Cụ thể vấn đề này thế nào, thưa ông?

Ngân sách thu tăng một phần nhờ thu từ dầu thô tăng gần 16%; thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu tăng 18,5% và nếu trừ đi số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng thì tăng tới 28,6% nhờ hoạt động xuất - nhập khẩu tăng trưởng mạnh (xuất khẩu tăng 12,8%; nhập khẩu tăng 22,4%).

Nếu trừ đi 2 khoản này, thì thu nội địa, tức là thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước chỉ tăng có 13,3%.

Về nguyên tắc, tốc độ thu nội địa bằng tốc độ tăng trưởng GDP cộng với lạm phát. Nhưng tốc độ thu nội địa 13,3% cao hơn khá nhiều so với lạm phát và tăng trưởng GDP. Vì sao lại như vậy?

Mức thu tăng 13,3% của quý I/2017 là do có sự thay đổi về cơ chế, chính sách và thu từ đất đai.

Cụ thể, trước đây, nhiều khoản thu từ phí, lệ phí không tính vào cân đối ngân sách như phí sử dụng đường bộ thu trên đầu phương tiện giao thông (ô tô), phí bảo đảm hàng hải… Các năm trước vẫn thu, nhưng không tính vào cân đối, giờ tính vào cân đối nên thu NSNN tăng. Riêng khoản thu từ phí, lệ phí trong quý I năm nay gấp 3 lần cùng kỳ các năm trước.

Trước đây, khoản thu từ hoạt động kinh doanh xổ số cũng cân đối ngoài ngân sách, nhưng theo Luật NSNN năm 2015 thì kể từ năm 2017, khoản thu này được tính trong cân đối. Ngoài ra, nhờ hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục được cải thiện, nên thu từ đất đai 3 tháng đầu năm nay đạt khá.

Nếu loại trừ các khoản thu từ đất đai, xổ số kiến thiết và thu từ cổ tức nhà nước, thu lợi nhuận còn lại sau thuế của doanh nghiệp có vốn nhà nước thì thu nội địa chỉ tăng 11,1%, chứ không phải 13,3%. Tôi cho rằng, mức thu tăng 11,1% không có gì đột biến nếu so với cùng kỳ năm trước (tốc độ tăng thu nội địa quý I/2016 là 10%).

Không ban hành thêm chính sách mới để tăng thu, muốn thu tăng, thưa ông, bắt buộc phải tăng cường chống thất thu, đặc biệt đối với hộ kinh doanh cá thể?

Đúng vậy. Cơ quan thuế đã có nhiều biện pháp để chống thất thu như tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của đối tượng nộp thuế; rà soát chặt chẽ hoạt động sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng; cưỡng chế thu nợ, nêu tên những đơn vị chây ỳ thuế...

Với hộ kinh doanh cá thể, do thực hiện thuế khoán trên cơ sở ấn định mức doanh thu, nên để xác định được mức doanh thu hàng năm, cơ quan thuế thường xuyên khảo sát doanh thu của các hộ kinh doanh trên địa bàn. Mức doanh thu và thuế khoán dự kiến của từng hộ kinh doanh được công khai để các cơ quan, tổ chức, người dân và bản thân hộ kinh doanh biết và giám sát.

Trước khi ấn định thuế khoán đối với từng hộ, cơ quan thuế tham vấn ý kiến của Hội đồng Tư vấn thuế cấp xã và gửi tới từng hộ kinh doanh để họ tự giám sát lẫn nhau, tránh tình trạng tiêu cực giữa cán bộ quản lý và hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế như việc ấn định thuế vẫn dựa trên sự quan sát của cán bộ thuế, nên độ chính xác không cao. Hội đồng Tư vấn thuế cấp xã cũng không có nhiều thông tin về hoạt động kinh doanh trên địa bàn, nên đưa ra ý kiến về mức thuế khoán cũng khó chính xác.

Một trong những giải pháp tốt nhất để quản lý thuế với đối tượng này là khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, thưa ông?

Theo Luật Doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động thường xuyên trở lên phải thành lập doanh nghiệp. Tuy  nhiên, với hộ kinh doanh nhỏ lẻ, chỉ cốt duy trì kinh tế hộ gia đình, sử dụng ít hóa đơn, nếu họ không muốn thành lập doanh nghiệp thì vẫn thực hiện thuế khoán.

Còn với hộ kinh doanh có quy mô hàng chục tỷ đồng/năm, sử dụng nhiều hóa đơn; hộ kinh doanh trong lĩnh vực có độ rủi ro cao về thuế như nhà hàng, khách sạn, cung cấp dịch vụ bán lẻ… thì khuyến khích họ thành lập doanh nghiệp.

Để khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp, cần phải có nhiều cơ chế, chính sách đồng bộ, phải để họ thấy thành lập doanh nghiệp có lợi hơn là kinh doanh theo mô hình hộ gia đình. Hy vọng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới sẽ khuyến khích hộ kinh doanh thành lập doanh nghiệp. Khi hàng trăm ngàn hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, sẽ giảm thiểu thất thu ngân sách trong khu vực này.

Mạnh Bôn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục