Ông có thể chia sẻ, vì sao có trường hợp thời hạn đóng phí bảo hiểm của khách hàng lên tới 99 tuổi?
Trước hết, xin khẳng định rằng, việc cho ra đời thời hạn đóng phí kéo dài tới 99 tuổi là xuất phát từ nhu cầu thực của khách hàng. Bởi lẽ, trước đây, khách hàng thường chỉ được đóng đủ phí trong vòng 10 năm, 15 năm và hợp đồng cũng ghi rõ điều này. Nhưng sau đó, một số trường hợp khách hàng đáo hạn, muốn đóng tiền tiếp cũng không được, buộc phải lấy tiền về. Khách muốn bảo vệ thêm thì phải mua lại, đóng tiền lại từ đầu.
Giả sử một người 30 tuổi mua bảo hiểm nhân thọ, lúc đó còn trẻ khỏe, được bảo hiểm dễ dàng và 15 năm sau, anh ấy 45 tuổi, hợp đồng đáo hạn và lấy tiền về, song lúc này có muốn mua lại cũng khó, hoặc có thể sẽ bị loại trừ bệnh này, bệnh kia và tuổi cao, đóng phí cao.
Thực tế, tuổi càng cao thì càng nhiều bệnh tật nên mới phát sinh nhu cầu bảo hiểm, còn lúc trẻ khỏe thường có tâm lý chưa cần, cho nên trước đây, hầu hết người mua bảo hiểm là người cao tuổi, còn người trẻ thì cứ “để từ từ”.
Từ thực tế trên, nhiều công ty bảo hiểm đã cho ra sản phẩm bảo hiểm “bảo vệ trọn đời” nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Theo đó, khách hàng có quyền đóng phí và được bảo vệ trọn đời, đến năm 99 tuổi.
Kể từ đó, người trẻ bắt đầu mua bảo hiểm nhiều hơn, vì mua từ lúc trẻ, chưa có bệnh thì phí rẻ, lại có cơ hội được bảo vệ trọn đời, sau này không cần mua lại.
Nghĩa là ở trường hợp trên, khách hàng không bắt buộc phải đóng phí bảo hiểm đến năm 99 tuổi, mà là lựa chọn đóng hay không đóng?
Đúng vậy. Đó là quyền của khách hàng nên họ thích thì dùng, không thích thì không dùng quyền này. Cần lưu ý rằng, quyền khác với nghĩa vụ.
Còn về nghĩa vụ, đối với các hợp đồng sau này, khách hàng thường chỉ có nghĩa vụ đóng đủ 3 năm đầu tiên, các năm tiếp theo là “linh hoạt đóng phí”.
Ngày càng có nhiều người trẻ mua bảo hiểm nhân thọ cho mình và người thân |
Ông có thể giải thích rõ hơn bởi không ít khách hàng hiểu rằng, “linh hoạt đóng phí” nghĩa là không phải đóng nữa?
“Linh hoạt đóng phí” hiểu nôm na là có nhiều đóng nhiều, có ít đóng ít, miễn là trong tài khoản còn tiền, chứ lâu quá không đóng là hợp đồng mất hiệu lực. Bởi vậy, mới cần người tư vấn đồng hành trọn đời cùng khách hàng để giúp khách hàng xem giá trị tài khoản của mình là bao nhiêu, đóng tối thiểu bao nhiêu để duy trì hợp đồng…
Khi bạn ngưng đóng phí, công ty bảo hiểm sẽ trích tiền từ giá trị tài khoản (số tiền tích lũy sau khi được công ty bảo hiểm mang đi đầu tư) để “đóng giùm” và tiếp tục bảo vệ bạn đến khi giá trị bằng 0 thì hợp đồng chấm dứt hiệu lực.
“Linh hoạt đóng phí” là đặc tính của dòng sản phẩm liên kết chung hoặc liên kết đầu tư, thường là bắt buộc đóng đủ phí trong 3 năm đầu, từ năm thứ 4 trở đi được đóng linh hoạt. Tất cả nội dung liên quan đến “linh hoạt đóng phí” đều được ghi rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Bên mua cần đọc thật kỹ và bên bán cần tư vấn thật rõ ràng, đầy đủ. Tư vấn viên hãy giúp khách hàng hiểu rõ quyền lợi của mình, phân biệt rõ quyền lợi và nghĩa vụ để tránh tranh chấp không đáng có sau này.
Vì sao lại là mốc 99 tuổi, mà không phải là con số khác?
Đây chỉ là con số giả định tùy thuộc vào từng trường hợp. Thời hạn đóng phí trên hợp đồng là thời gian tối đa mình được phép đóng phí/ủy thác tại công ty bảo hiểm, tương đương tới năm 99 tuổi.
Như tôi đã đề cập ở trên, đây là quyền lợi chứ không phải là ép buộc khách hàng phải đóng tới năm 99 tuổi. Khách hàng có thể đóng phí theo bảng minh họa được dự thảo ban đầu là 10 năm, 15 năm, 20 năm hay bất kỳ thời hạn nào tùy vào khả năng tài chính và nhu cầu bảo vệ của mình.
Có ý kiến cho rằng, để thời hạn đóng phí càng dài càng có lợi cho đại lý bảo hiểm, tức là sẽ được thêm hoa hồng?
Về nguyên tắc, đại lý bảo hiểm sẽ được hưởng hoa hồng theo quy định của Bộ Tài chính, từ năm thứ 3 của hợp đồng bảo hiểm trở đi được chia rất ít, thậm chí không có hoa hồng, nên việc để thời hạn năm đóng phí bảo hiểm kéo dài tới 99 tuổi không mang lại nhiều giá trị vật chất cho đại lý, mà chủ yếu giúp cho khách hàng là chính. Khách hàng tham gia càng lâu thì thời gian bảo vệ càng dài và tích lũy càng nhiều.
Nhiều khách hàng kêu rằng, có nhiều quyền lợi/nghĩa vụ mà họ được hưởng/chịu, nhưng vì không được tư vấn kỹ và không chủ động tìm hiểu nên bị lơ là. Theo ông, quyền lợi và nghĩa vụ quan trọng nhất mà khách hàng cần lưu tâm là gì?
Có nhiều khái niệm bảo hiểm bị đánh tráo hoặc nhầm lẫn. Hiện có 3 công cụ tài chính cơ bản là tiết kiệm, bảo hiểm và đầu tư. Bản thân tôi có gửi tiết kiệm và đầu tư, nhưng khi tham gia bảo hiểm thì tôi chỉ quan tâm tới những quyền lợi về bảo hiểm. Trên tờ bìa hợp đồng đã ký cũng ghi rõ là “hợp đồng bảo hiểm”, chứ không phải “hợp đồng tiết kiệm” hay “hợp đồng đầu tư”.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài, rất nhiều tư vấn viên bị nhầm lẫn nên tư vấn bảo hiểm cho khách toàn ở góc nhìn của tiết kiệm (trước kia) và đầu tư (gần đây), thậm chí né tránh và coi những quyền lợi bảo hiểm chỉ là phần phụ.
Một khái niệm khác cũng bị nhầm lẫn nhiều ở Việt Nam, đó là “mua bảo hiểm cho con” - nghĩa là “để tên con vào vị trí người được bảo hiểm”. Điều này đánh vào tâm lý khách hàng thương con cái, dễ bán, nhưng không chính xác, trong khi phải để tên con vào vị trí “người thụ hưởng” (nếu con trên 18 tuổi) hoặc tên vợ/chồng (nếu con dưới 18 tuổi), còn người được bảo hiểm là bản thân cha mẹ, tên con chỉ nên nằm ở vị trí người được bảo hiểm trong các sản phẩm phụ.
Thậm chí, một số công ty bảo hiểm còn không cho mua một số sản phẩm phụ cho bé dưới 18 tuổi nếu bé không phải là người được bảo hiểm chính, trong khi điều khoản hợp đồng được phê duyệt không hề có giới hạn như vậy (việc nhầm lẫn này đến từ người thiết kế hệ thống).
Vậy nên, khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, khách hàng cần quan tâm tới 2 điều chính yếu trước tiên là vai trò trong hợp đồng bảo hiểm đã được thiết kế “Đúng” chưa (nhất là người thụ hưởng) và các quyền lợi liên quan đến bảo hiểm đã có “Đủ” chưa, sau đó mới đến mức phí đóng, uy tín thương hiệu, dịch vụ của nhà bảo hiểm…
Các yếu tố về tiết kiệm và đầu tư chỉ là yếu tố phụ. Nếu chỉ quan tâm đến 2 yếu tố này thì nên sử dụng kênh khác để đạt hiệu quả hơn, chứ không nên mua bảo hiểm. Bản thân tôi cũng đang lựa chọn như vậy.
Như ông vừa đề cập, chính người thiết kế hệ thống của các công ty bảo hiểm còn nhầm lẫn, huống chi khách hàng, vậy đâu là “lối ra”?
Bản thân các thành viên, đơn vị chức năng của công ty bảo hiểm cũng phải tự nâng cấp. Chỉ cần các công ty đào tạo đội ngũ đại lý nhận ra và thực hiện tốt những điều trên thì khách hàng sẽ hiểu hơn về vai trò của bảo hiểm trong cuộc sống của họ, về tình yêu và trách nhiệm của họ khi tham gia bảo hiểm, mà không còn mua xong lại lo lắng, bất an như hiện nay.
Xin nhắn nhủ với những người đồng nghiệp trong nghề đó là: Bảo hiểm có vai trò quan trọng và đừng nhầm lẫn, cố tình đánh tráo sang khái niệm khác. Bên cạnh đó, người mua bảo hiểm cũng cần chủ động trang bị kiến thức về bảo hiểm cho chính mình, . Tương tự như khi mua các sản phẩm tài chính khác, hàng hóa tiêu dùng khác, cần tìm hiểu, đọc kỹ “hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”.
Theo thời gian, cùng với sự nâng cấp từ bên bán, từ cơ quan quản lý thị trường…, cùng tin rằng người tiêu dùng bảo hiểm sẽ càng thông thái hơn để các câu chuyện tương tự như “đóng phí bảo hiểm tới năm 99 tuổi” không còn gây khó hiểu, đến mức phải làm rùm beng như thời gian gần đây.