Lượng hóa bài toán lợi ích từ CPTPP

(ĐTCK) Sau thời gian chờ đợi, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết. 
Với tác động của việc cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể nâng mức tăng GDP thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD
Với tác động của việc cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể nâng mức tăng GDP thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD

Ra đời để thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ - thành viên quan trọng nhất tuyên bố rút lui, CPTPP được nhìn nhận sẽ vẫn mang lại nhiều cơ hội cho 11 thành viên còn lại, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, việc xác định cơ hội đến đâu và chuyển hóa những cơ hội đó thành lợi ích thực sự là bài toán không dễ giải.

Lợi ích khác nhau giữa các ngành

Chia sẻ những cơ hội cũng như thách thức mà CPTPP mang lại, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, lợi ích tổng thể lớn nhất mà Việt Nam có được khi tham gia hiệp định này là nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh và hoàn thiện hơn, để trở thành nền kinh tế thị trường đầy đủ. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ cơ bản thoát được những rào cản thương mại mà các nước áp đặt do chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.

"Cùng với đó, trước sức ép cải cách khá lớn từ các cam kết tại CPTPP, hệ thống thể chế của Việt Nam sẽ phải cải cách nhanh và mạnh hơn, từ đó giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...", ông Lĩnh nói.

Xét ở góc độ ngành, cụ thể là ngành thủy sản, ông Lĩnh nhìn nhận, bản thân doanh nghiệp của ông cũng như nhiều doanh nghiệp cùng ngành không trông chờ vào việc giảm thuế suất từ các cam kết tại CPTPP, cũng như các hiệp định thương lại tự do (FTA) khác, bởi trên thực tế, các mức thuế áp dụng đối với phần lớn sản phẩm thủy sản xuất khẩu vào các thị trường lớn, trong đó có nhiều thị trường thuộc các nước thành viên CPTPP, đã rất thấp, thậm chí có dòng sản phẩm thuế đã về 0%.

“Việc ký kết và thực hiện các cam kết từ CPTPP thực tế sẽ không tác động nhiều đến ngành thủy sản, nhưng sẽ góp phần mang sự cải cách mạnh mẽ và toàn diện hệ thống thể chế, giúp doanh nghiệp được hưởng lợi từ điều này. Đây cũng chính là mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp từ lâu nay nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập”, ông Lĩnh chia sẻ.

Tương tự, ngành xuất khẩu gỗ cũng không quá kỳ vọng vào CPTPP, bởi sự vắng mặt của Hoa Kỳ - thị trường rất lớn trong nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm gỗ có xuất xứ từ Việt Nam. Mặc dù vậy, theo ông Trần Lê Huy, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Bình Định, các doanh nghiệp ngành gỗ vẫn quan tâm tới CPTPP, bởi hiệp định này sẽ giúp xuất khẩu gỗ sang nhiều thị trường khác trở nên thuận lợi hơn, trong đó có các thị trường tiềm năng như  Nhật Bản, Canada và Australia.

Theo ông Huy, tuy không kỳ vọng có sự đột biến từ 3 thị trường trên, nhưng các doanh nghiệp ngành gỗ cũng không nên xem nhẹ, bởi nếu biết cách tận dụng cũng có thể đẩy mạnh được xuất khẩu các sản phẩm mà các thị trường này ưu tiên nhập khẩu.

Tác động tích cực tới kinh tế của CPTPP so với các FTA khác mà Việt Nam đã và đang đàm phán không quá cách biệt

“Nhìn vào mức thuế nhập khẩu, có thể thấy rõ sự khác biệt giữa các thị trường này. Chẳng hạn, mức thuế tối huệ quốc (MFN) dành cho đồ gỗ khác nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản là 0%, Australia là 5% và Canada là 9,5%.

Hơn nữa, thị trường Nhật Bản là miếng bánh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp gỗ Việt Nam, vì nước này ưu tiên nhập khẩu đồ nội thất và các mặt hàng dăm gỗ, gỗ dán, gỗ mỹ nghệ từ Việt Nam. Nếu các doanh nghiệp Việt đa dạng được nguồn cung, đặc biệt là ở các dòng sản phẩm ưu tiên, thì sẽ đẩy mạnh được xuất khẩu...”, ông Huy nhấn mạnh.

Đối với dệt may, một trong những ngành được đánh giá sẽ hưởng nhiều lợi ích nhất từ CPTPP, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) kỳ vọng sẽ giúp xuất khẩu dệt may của Việt Nam xâm nhập được 2 thị trường tiềm năng rất lớn là Australia và Canada.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, Tập đoàn đang nỗ lực phối hợp với cơ quan thương vụ 2 thị trường này trong hỗ trợ cung cấp thông tin cho nhau và đặc biệt là cập nhật các thông tin liên quan tới việc thực thi CPTPP để có thể tận dụng nhanh nhất, có hiệu quả nhất các lợi thế của Hiệp định ngay từ khi ký kết vào sản xuất vụ Thu Đông năm nay, cũng như chuẩn bị cho các đơn hàng vụ Xuân Hè năm tới.

Lượng hóa lợi ích tổng thể và dài hạn của CPTPP

Xét về lợi ích có được từ CPTPP, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, các lĩnh vực, ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhất là dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, thuốc lá, rượu bia… Đối với các lĩnh vực công nghiệp nặng, tác động là không nhiều do Việt Nam không có lợi thế cạnh tranh ở lĩnh vực này. Trong khi đó, những ngành như chăn nuôi, chế biến thực phẩm và dịch vụ bảo hiểm được đánh giá là gặp bất lợi.

Lượng hóa cụ thể các lợi ích từ CPTPP, ông Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với tác động của việc cắt giảm thuế quan, CPTPP có thể nâng mức tăng GDP thêm 1,32%, tương đương với 1,7 tỷ USD. Tác động này có thể sẽ lớn hơn, đạt mức tăng thêm khoảng 2,01% nếu Việt Nam thực hiện đồng thời cắt giảm thuế quan và tự do hóa dịch vụ theo kịch bản mở cửa dịch vụ.

Theo ông Thắng, nếu so với TPP, lợi ích mà CPTPP mang lại thấp hơn nhiều, vì TPP có thể giúp tăng GDP tới 6,7%, song những con số này cũng chỉ mang tính tương đối, do các yếu tố như tác động về thể chế, môi trường kinh doanh, đột biến về năng suất… chưa được tính toán một cách cụ thể.

“Nhìn chung, tác động tích cực tới kinh tế của CPTPP so với các FTA khác mà Việt Nam đã và đang đàm phán không quá cách biệt. Ngoài những tác động trực tiếp như giảm rào cản thị trường nhờ tự do hóa thương mại, giảm thuế quan vào các thị trường thành viên, và đặc biệt là sức ép cải cách thế chế, việc bắt tay với các nước CPTPP sẽ giúp cải thiện tích cực quan hệ thương mại với các nước ngoài hiệp định. Đó chính là lợi ích gián tiếp mà CPTPP mang lại”, ông Thắng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, xét về xuất khẩu, theo tính toán của Bộ Công thương, tham gia CPTPP sẽ góp phần gia tăng tổng kim ngạch xuất khẩu lên khoảng 4%, tương đương 4,09 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu cũng sẽ tăng thêm ở mức 3,8-4,6%, tương đương 4,93 tỷ USD. Xét về cán cân thương mại, nguy cơ thâm hụt thương mại sẽ cải thiện tích cực hơn theo thời gian do tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu.

Mặc dù vậy, theo ông Thắng, xuất khẩu gia tăng chủ yếu là do xuất sang các nước trong CPTPP, nhờ đó Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, song vẫn cần đặt ra bài toán nguồn gốc xuất xứ. Bởi để hưởng lợi tối đa từ ưu đãi thuế suất thì CPTPP quy định rất rõ, sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ từ các quốc gia nội khối tham gia CPTPP.

Cơ cấu nhập khẩu hiện nay của Việt Nam chủ yếu vẫn là nhập khẩu nguyên phụ liệu và công nghệ cũ về để sản xuất, gia công rồi xuất khẩu, với thị trường nhập khẩu chính là Trung Quốc và Hàn Quốc. Do đó, vấn đề cần giải quyết ở đây là thay đổi được cơ cấu nhập khẩu.

"Đối với nhập khẩu, mức độ tăng thêm do CPTPP từ các nước trong khối là không lớn, mà chủ yếu sẽ từ các nước ngoài CPTPP. Như vậy, để tăng xuất khẩu, Việt Nam sẽ vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một số nước hiện nay như Trung Quốc, Hàn Quốc, ngay cả khi có CPTPP. Đây là một thách thức lớn, đòi hòi phải có thời gian và chiến lược rõ ràng để thay đổi cơ cấu xuất nhập khẩu nhằm tối đa hóa lợi ích từ CPTPP", ông Thắng nói.

Nhìn nhận câu chuyện lợi ích mang lại từ Hiệp định CPTPP đối với nền kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, nên đánh giá một cách tổng thể và dài hạn, chứ không chỉ nhìn vào từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể. Bởi cũng như phần lớn các định chế hợp tác quốc tế mà Việt Nam đã và đang tham gia trong tiến trình hội nhập, tất cả đều có tính hai mặt, cơ hội và thách thức cùng song hành. Có những ngành có lợi thế sẽ được hưởng lợi nhiều hơn, trong khi những ngành kém cạnh tranh cần cơ cấu lại để nâng cao khả năng đáp ứng yêu cầu hội nhập mới có thể tồn tại.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, tham gia CPTPP, Việt Nam không những cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế quan, tăng cường tự do hóa thương mại, mà còn phải tiếp tục công khai và minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường, tức là phải đẩy nhanh tiến trình cải cách trong nước.

“Doanh nghiệp trong nước sẽ được hưởng lợi từ một môi trường kinh doanh liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế, cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước. Không chỉ vậy, đây còn là điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài, những yếu tố này sẽ bổ trợ cho nhau và mang lại lợi ích chung là môi trường kinh doanh đầu tư, cơ hội phát triển của doanh nghiệp cũng sẽ được cải thiện mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục