Trước những bức xúc mà khách hàng phản ánh, mới đây, Báo Đầu tư Chứng khoán đã có buổi làm việc với bà Nguyễn Hương Thu, Phó tổng giám đốc và ông Lê Quốc Hùng, Trưởng Phòng Pháp chế và tuân thủ Công ty.
Theo đó, ngoài việc giữ nguyên quan điểm rằng, việc dừng tái tục hợp đồng bảo hiểm là phù hợp với quy định pháp luật và cam kết tại hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa đôi bên, phía Prevoir Việt Nam mong muốn khách hàng chia sẻ với quyết định dừng bán sản phẩm trên, cũng như sớm lựa chọn các hình thức hỗ trợ của Công ty dành cho khách hàng.
“Quy tắc điều khoản của sản phẩm bổ trợ bảo hiểm chăm sóc y tế V4 và giấy chứng nhận bảo hiểm của khách hàng đều đã ghi rõ, hợp đồng bảo hiểm chỉ có thời hạn 1 năm, đồng thời không quy định rõ Công ty cam kết chắc chắn sẽ tái tục hợp đồng bảo hiểm với khách hàng, mà chỉ đề cập đến việc khi hợp đồng bảo hiểm bổ trợ đáo hạn thì các bên có thể tái tục hợp đồng bảo hiểm theo thỏa thuận (tại Điều 1.35 Quy tắc điều khoản)”, bà Thu giải thích.
Theo quy định pháp luật, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hợp đồng dân sự giữa bên mua và bên bán dựa trên nguyên tắc tự nguyện, khi hết hạn hợp đồng căn cứ vào nhu cầu, mục tiêu của mình, mỗi bên đều có quyền tự quyết định việc có giao kết hợp đồng mới hoặc tái tục hợp đồng cũ hay không.
Tuy nhiên, trong trường hợp bên bán quyết định dừng tái tục, nhưng bên mua không chấp thuận thì xử lý ra sao? Phía Prevoir khẳng định: “Đây không phải là hợp đồng bảo hiểm bắt buộc theo quy định của pháp luật, chẳng hạn như bảo hiểm trách nhiệm chủ xe cơ giới, nên trừ trường hợp hợp đồng bảo hiểm có quy định/thỏa thuận khác, thì cả bên mua và bên bán đều có quyền như nhau trong việc từ chối ký mới hoặc tái tục hợp đồng khi đáo hạn”.
Về phía khách hàng, ông Trần Văn Duy (đại diện cho gần 30 khách hàng nữ đã mua sản phẩm An Tâm Toàn Diện) mong muốn Prevoir sẽ có động thái tích cực hơn nữa, bởi các nữ khách hàng sẽ không bao giờ mua bảo hiểm có thời hạn 1 năm nếu không được tái tục, việc áp dụng thời gian chờ (280 ngày) rồi dừng bán bảo hiểm là không hợp lý, hợp tình.
Khách hàng Đặng Ngọc Kim Cương đã cung cấp bằng chứng cuộc trò chuyện giữa mình với một nhân viên đại lý tên Vân Anh, trong đó nhân viên này khẳng định, việc tái tục vẫn diễn ra bình thường để khách hàng này có thể hưởng quyền lợi thai sản. Tuy nhiên, phía Prevoir cho biết, chưa nhận được bất cứ bằng chứng xác thực nào và các đại lý cũng không tư vấn chắc chắn sẽ tái tục hợp đồng trong mọi trường hợp. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có diễn biến mới.
Tóm tắt diễn biến vụ việc:
Ngày 1/10/2015, Prevoir Việt Nam có văn bản gửi các đại lý về việc dừng ký mới và dừng tái tục các hợp đồng bảo hiểm “An Tâm Toàn Diện” sẽ hết hiệu lực từ ngày 1/11/2015. “An Tâm Toàn Diện” bao gồm 2 sản phẩm là bảo hiểm nhân thọ tử kỳ dài hạn và sản phẩm bổ trợ sức khỏe V4.
Nhận thấy việc không tái tục sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, đặc biệt là quyền lợi bảo hiểm thai sản trong sản phẩm bổ trợ bảo hiểm sức khỏe V4, khách hàng đã khiếu nại tới Prevoir Việt Nam, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các cơ quan báo chí. Sau đó, phía Prevoir Việt Nam đã gửi thư trả lời khách hàng.
Trong 2 ngày 2/12/2015 và 19/1/2016, Cục Quản lý cạnh tranh đã tổ chức họp giữa đại diện khách hàng và Prevoir Việt Nam để hòa giải và giải quyết khiếu nại. Prevoir đưa ra hình thức hỗ trợ như sau:
- Tặng 50% phí bảo hiểm năm đầu tiên của Hợp đồng bảo hiểm Phúc Gia Đăng Khoa.
- Nếu khách hàng có nhu cầu tái tục hợp đồng bảo hiểm tử kỳ dài hạn, Prevoir Việt Nam sẽ tái tục bảo hiểm với khách hàng (tất nhiên không tái tục hợp đồng bổ trợ bảo hiểm chăm sóc y tế V4) và tặng 50% phí bảo hiểm của Hợp đồng này, đồng thời tặng thêm 50% phí bảo hiểm 1 năm của sản phẩm bổ trợ bảo hiểm hỗ trợ nằm viện.
- Tặng voucher trị giá 3 triệu đồng mua hàng tại 800 siêu thị.
- Hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại và khách sạn cho đại diện các khách hàng tại khu vực TP. HCM và Đà Nẵng đã ra Hà Nội tham dự cuộc họp vào ngày 19/1/2016.
Tuy nhiên, đa số khách hàng đều không chấp nhận hình thức hỗ trợ trên, mà muốn giải quyết theo 2 phương án, đó là tiếp tục tái tục hợp đồng cho khách hàng và hoàn trả lại phí cho khách hàng + bị phạt bồi thường theo thời gian chờ (50.000 đồng x 280 ngày = 14 triệu đồng).
Phía Prevoir Việt Nam không chấp thuận và cho rằng, các yêu cầu trên không có cơ sở pháp lý và nếu đáp ứng sẽ không đảm bảo nguyên tắc công bằng đối với các khách hàng khác đang tham gia sản phẩm này.