
Mặc dù thị trường có những phút mở cửa khá u ám khi đa số cổ phiếu vẫn trong trạng thái trắng bên mua, nhưng lực mua bắt đáy tăng mạnh đã giúp VN-Index bật hồi tích cực. Chỉ trong phiên giao dịch sáng, tổng giá trị giao dịch đã đạt hơn 27.000 tỷ đồng với nhiều mã đảo chiều khởi sắc.
Bước sang phiên giao dịch chiều, tâm lý kỳ vọng một nhịp hồi phục đã khiến dòng tiền tiếp tục chảy mạnh, nhà đầu tư tiếp tục xuống tiền mua vào bắt đáy. Bên cạnh cặp đôi nhà Vingroup VIC – VHM giao dịch khởi sắc, nhiều mã lớn cũng đã “quay xe” thành công, đặc biệt là nhóm cổ phiếu trụ cột ngân hàng với nhiều mã tỏa sáng, đã giúp thị trường tiếp tục thu hẹp biên độ giảm.
Chỉ số VN-Index đã hồi phục hơn 52 điểm từ vùng đáy trong phiên và khép lại phiên giao dịch cuối tuần giảm hơn 19 điểm, đứng tại mức 1.210 điểm. Đáng chú ý vẫn là thanh khoản thị trường, với khối lượng giao dịch xác lập con số kỷ lục tới gần 2,2 tỷ đơn vị và giá trị giao dịch đạt mức cao nhất trong hơn 1 năm qua, kể từ phiên 18/3/2024.
Mặc dù thị trường chưa hồi phục thành công và việc mua vào có thể là “bắt phải dao rơi”, nhưng với dòng tiền tham gia mạnh mẽ trong phiên hôm nay, cho thấy tâm lý nhà đầu tư kỳ vọng xu hướng cân bằng sẽ sớm trở lại. Đây cũng là tín hiệu tích cực hơn trước khi thị trường giao dịch trở lại vào ngày 8/4.
Chốt phiên, sàn HOSE có 138 mã tăng và 354 mã giảm (102 mã giảm sàn), VN-Index giảm 19,17 điểm (-1,56%), xuống 1.210,67 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1,99 tỷ đơn vị, giá trị 42.210 tỷ đồng, tăng 13% về khối lượng và 6,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 111,4 triệu đơn vị, giá trị 2.671,3 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tiến gần về mốc tham chiếu khi đóng cửa chỉ còn giảm chưa tới 3 điểm với 20 mã giảm và 9 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu VIC vẫn là mã đóng góp tốt nhất với hơn 2 điểm cho chỉ số chung; VNM và VHM tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều.
Tuy nhiên, điểm sáng chính là LPB khi cổ phiếu này có màn “quay xe” ngoạn mục. Đóng cửa, LPB tăng 7% lên mức giá trần 32.950 đồng/CP và tính trong ngày hôm nay, cổ phiếu này đã tăng tới hơn 13,6%.
Ngoài ra, một số mã bank khác cũng ngược dòng thị trường chung đầy ấn tượng, như SHB đóng cửa tăng 3% với thanh khoản lên tới hơn 138 triệu đơn vị và khối ngoại đã mua ròng xấp xỉ 15 triệu đơn vị; SSB tăng 2,7%, STB tăng 2,3%...
Xét về nhóm ngành, mặc dù chưa tìm lại được sắc xanh, nhưng tích cực nhất vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi đóng cửa chỉ còn giảm chưa tới 0,2%. Bên cạnh những điểm sáng ở trên, trong nhóm ngân hàng, các mã điều chỉnh giảm cũng thu hẹp biên độ đáng kể như MBB, ACB, TCB, VCB, CTG, HDB chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%.
Ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, điểm sáng là VCI đã đảo chiều thành công và đóng cửa ở mức giá cao nhất trong ngày khi ghi nhận mức tăng 1,93%, còn lại hầu hết vẫn chưa thoát khỏi xu hướng giảm. Trong đó, SSI đóng cửa giảm 3,5%, VIX giảm 0,4%, với thanh khoản chỉ thua SHB khi lần lượt đạt 82 triệu đơn vị và 77,5 triệu đơn vị.
Trong bộ 3 trụ cột bank – chứng – thép, nhóm cổ phiếu thép giảm sâu nhất, với HPG đóng cửa giảm 3% và khớp gần 73,2 triệu đơn vị; HSG giảm 5,9% và NKG giảm sàn, với thanh khoản đều đạt hơn 15 triệu đơn vị, TLH cũng giảm sàn…
Nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may vẫn ảm đạm sau thông báo Mỹ áp thuế quan 46% đối với một số mặt hàng Việt Nam, với ASM, IDI, CMX, FMC; TCM, MSH… đều giảm kịch sàn.
Trên sàn HNX, biên độ giảm cũng thu hẹp đáng kể nhờ sự hồi phục của nhiều mã lớn và bé.
Đóng cửa, sàn HNX có 71 mã tăng (8 mã tăng trần) và 135 mã giảm (26 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 3,97 điểm (-1,8%), xuống 216,97 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 128,5 triệu đơn vị, giá trị 1.830,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,89 triệu đơn vị, giá trị 17,8 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 đóng cửa giảm hơn 10 điểm khi có 22 mã giảm và 8 mã tăng, trong đó 4 mã là IDC, DTD, TNG và TIG giảm kịch sàn. Đáng chú ý là cổ phiếu HUT có màn đảo chiều ấn tượng trong đợt khớp lệnh ATC khi từ vùng giá dưới tham chiếu đã hồi phục mạnh và đóng cửa tăng 5% với thanh khoản đạt 2,54 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, bên cạnh SRA và FID vẫn tăng kịch trần, cổ phiếu họ chứng khoán là VFS cũng đảo chiều tăng mạnh 9,9% và kết phiên đứng tại mức giá trần 17.700 đồng/CP với thanh khoản đạt 2,78 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất thị trường vẫn có diễn biến thiếu khả quan, như SHS đóng cửa giảm 1,5% và khớp 25,3 triệu đơn vị, CEO giảm 3,1% và khớp 16 triệu đơn vị, PVS giảm 5,7% và khớp 12 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường đã đảo chiều hồi phục thành công.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,61%) lên 91,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 91,9 triệu đơn vị, giá trị 920 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,88 triệu đơn vị, giá trị 64,5 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ HNG vẫn là tâm điểm của thị trường khi có tới hơn 11 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công, đóng cửa mã này tăng 3,3% lên mức 6.200 đồng/CP.
Tiếp theo đó là cặp đôi cổ phiếu ngân hàng, gồm BVB giảm 0,8% và khớp 5,76 triệu đơn vị, cùng ABB giảm 2,7% và khớp 4,86 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng VN30F2504 giảm 8,5 điểm, tương đương -0,7% xuống 1.267,1 điểm, khớp lệnh hơn 430.300 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.500 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CACB2504 có thanh khoản sôi động nhất với khối lượng khớp 7,75 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 21,1% xuống 150 đồng/cq. Tiếp theo là CMWG2502 khớp gần 7,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 28,6% xuống 200 đồng/cq.