Lực đẩy hoàn thiện chuỗi cung ứng dệt may từ EVFTA

Những quy định nghiêm ngặt về xuất xứ trong EVFTA sẽ là lực đẩy để ngành dệt may chuyển đổi chiến lược, cơ cấu lại nguồn cung, tăng liên kết chuỗi, đẩy mạnh khâu thiết kế… nhằm tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan, tăng xuất khẩu vào thị trường Liên minh châu Âu (EU).
Đáp ứng được các quy định của EVFTA về xuất xứ, dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ ưu đãi thuế quan. Ảnh: Đ.T Đáp ứng được các quy định của EVFTA về xuất xứ, dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi lớn từ ưu đãi thuế quan. Ảnh: Đ.T

Ưu đãi thuế quan khi đảm bảo yêu cầu về xuất xứ

Ngay khi EVFTA có hiệu lực, mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ được giảm 42,5% dòng thuế khi xuất khẩu vào thị trường EU.

Năm 2019, dệt may Việt Nam xuất khẩu hơn 4,5 tỷ USD sang EU. Đây là thị trường lớn thứ 2 của ngành, với mức tăng trưởng 7 - 10%/năm. Tuy nhiên, dệt may Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần rất nhỏ (chưa đến 2%) trong tổng mức chi nhập khẩu hàng dệt may của EU (khoảng 280 tỷ USD mỗi năm), nên còn rất nhiều dư địa để tăng kim ngạch xuất khẩu.

Mặc dù xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2019, nhưng ngành dệt may phải chi cho nhập khẩu vải 13,5 tỷ USD. Nhập khẩu tới 80% vải nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu, dệt may Việt Nam rõ ràng chưa chủ động được nguồn nguyên liệu tại chỗ.

Khi EVFTA có hiệu lực, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu sang EU, ngoài vải sản xuất trong nước, thì dùng vải nhập khẩu vẫn được giảm thuế, nhưng phải được nhập từ EU hoặc các thị trường mà EU đã có FTA, như Hàn Quốc, Nhật Bản (xuất xứ cộng gộp). Đây là điều kiện không đơn giản, bởi từ trước tới nay, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vải từ các thị trường không thuộc EU, trong đó, có đến 50% nhập từ Trung Quốc.

Do đó, dù được đánh giá là một trong những ngành được hưởng lợi nhất từ EVFTA, nhưng cơ hội chưa đến ngay với các doanh nghiệp dệt may.

Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam phân tích, với 42 dòng thuế được giảm ngay về 0%, đa số liên quan đến nguyên vật liệu dệt may, nhưng các doanh nghiệp chưa thể lo được vải cho tiêu chí này; còn với các sản phẩm hoàn chỉnh, lộ trình giảm thuế từ 3 - 7 năm, nên ngành dệt may ít được hưởng lợi về thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực.

Thậm chí, theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI, kể cả khi EVFTA có hiệu lực, do Ưu đãi Thuế quan phổ cập (GSP) không còn, thuế xuất khẩu một số sản phẩm dệt may Việt Nam sang EU tính theo Nguyên tắc Đối xử tối huệ quốc (MFN) còn cao hơn mức hiện tại.

Minh bạch thông tin

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhấn mạnh: “EU có những yêu cầu cao, nghiêm ngặt về nguyên tắc xuất xứ, môi trường, lao động… với sản phẩm dệt may. Vì thế, đây sẽ là những trọng yếu trong chiến lược phát triển của dệt may Việt Nam thời gian tới”.

Trên thực tế, khi EVFTA có hiệu lực, thuế quan với hàng xuất khẩu đáp ứng đúng tiêu chí sẽ giảm, nhưng hàng rào kỹ thuật phi thuế quan sẽ tăng lên. Điều này buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng để tránh những rắc rối trong giao dịch thương mại.

EVFTA cho phép nhà xuất khẩu (đáp ứng một số yêu cầu nhất định của EU) tự chứng nhận xuất xứ, nhưng sẽ tăng cường hậu kiểm sau thông quan. Thời gian hậu kiểm có thể kéo dài đến 5 năm, thậm chí dài hơn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải minh bạch thông tin, chuẩn bị hồ sơ, chứng từ rõ ràng và thống nhất; lưu giữ đầy đủ hồ sơ, dù hàng hóa đã được thông quan.

Với cơ chế này, những doanh nghiệp làm ăn không minh bạch, khai báo không đúng, có thể nhiều năm sau vẫn sẽ bị “sờ gáy” và án phạt cho những hành vi gian lận chắc chắn không nhẹ.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh khẳng định: “Một khi doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đáp ứng quy định tại FTA, chứng minh sản phẩm mang đến sự an toàn cho người tiêu dùng, thì cánh cửa thị trường sẽ luôn rộng mở”.

Có thể thấy, những quy định được cho là ngặt nghèo trong EVFTA là do các ngành xuất khẩu của Việt Nam chưa phát triển đồng bộ để đáp ứng được, nên thuế về 0% theo lộ trình 3 hay 7 năm tùy ngành hàng chính là thời gian để hoàn thiện những thiếu hụt đó.

Cụ thể, với dệt may, tác động tích cực của EVFTA là tạo cơ hội để tăng xuất khẩu vào EU. Quy định về xuất xứ trong Hiệp định sẽ thúc đẩy đầu tư vào ngành dệt vải, tăng liên kết chuỗi trong nội bộ ngành, tăng liên kết với các nhà cung ứng tại EU hoặc có FTA với EU.

Là doanh nghiệp vừa sản xuất vải, vừa gia công xuất khẩu hàng may mặc sang nhiều thị trường lớn, trong đó có EU, từ nhiều năm nay, Tổng công ty May Đồng Nai - Công ty CP (Donagamex) đã sớm thiết lập chuỗi cung ứng tại chỗ thông qua việc sử dụng vải của các doanh nghiệp trong hệ thống Vinatex.

Ông Bùi Thế Kích, Tổng giám đốc Donagamex chia sẻ, tới đây, doanh nghiệp sẽ tìm nhà cung ứng từ các thị trường có FTA với EU để tận dụng ưu đãi của EVFTA; tăng liên kết với các nhà cung ứng vải thuộc Vinatex và các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để chủ động nguồn vải. “Các FTA đi vào thực thi, dù có những điều kiện nhất định, nhưng nếu thỏa mãn được các điều kiện đó, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội”, ông Kích nói.

Về dài hạn, EVFTA sẽ có tác động tích cực khi các dòng thuế còn lại giảm về 0% sau 3 - 7 năm, giúp dệt may Việt Nam tăng sức cạnh tranh so với các sản phẩm từ Bangladesh và Campuchia.

Điều quan trọng, EVFTA còn là chất xúc tác để các doanh nghiệp xuất khẩu thực hiện nghiêm ngặt quy tắc xuất xứ dưới sức ép phải tổ chức sản xuất, mua nguyên liệu, tăng cường giám sát và quản lý chặt chẽ hơn.

Những yêu cầu cao về quy tắc xuất xứ trong EVFTA cũng như trong nhiều FTA khác là động cơ để thu hút đầu tư vào ngành dệt, nhuộm đảm bảo những điều kiện về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có chiến lược về nguồn cung cho dệt may, thúc đẩy lĩnh vực thiết kế phát triển, từng bước nâng giá trị của dệt may Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Việt Nam được hưởng lợi từ Chương trình GSP của EU dành cho các nước đang phát triển, với mức thuế suất ưu đãi là 9% đối với một số dòng thuế hạn chế. Nhưng, ngay khi EVFTA có hiệu lực, mức thuế suất theo MFN sẽ tự động thay thế mức thuế suất theo GSP.

Điều đó có nghĩa là, trong 2 năm đầu tiên có EVFTA, hầu hết sản phẩm may mặc trong nước sẽ không được hưởng lợi từ Hiệp định, bởi mức thuế suất theo MFN cho các sản phẩm này ở mức 12%, cao hơn mức thuế suất theo GSP.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục