Ông đánh giá thế nào về những tác động từ việc thực thi Hiệp định CPTPP trong năm vừa qua?
Còn quá sớm đến nhìn nhận đầy đủ về những tác động của CPTPP, nhưng bước đầu cho thấy Hiệp định đã có những đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam.
Xuất khẩu vẫn tăng trưởng tương đối tốt, đặc biệt là tại những thị trường mới mà chúng ta chưa từng có FTA trước đây như Canada, Mexico.
Trong năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1 tỷ USD, chỉ tăng 1%.
Con số xuất siêu rất đáng lưu ý, vì nó cho thấy sự năng động, nắm bắt cơ hội của doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực hơn rất nhiều.
Về tổng thể, tác động của CPTPP đối với hoạt động xuất nhập khẩu là góp phần gia tăng thặng dư thương mại, đóng góp vào nguồn hàng trong nước để bảo đảm người tiêu dùng trong nước tiếp cận mặt hàng có chất lượng hơn, giá cả cạnh tranh hơn.
Bên cạnh đó, chất lượng của dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng được cải thiện đáng kể, nhưng tác động chủ yếu sẽ trong trung và dài hạn.
Từ những kết quả ban đầu này, ông nhìn nhận thế nào về lợi thế so sánh của hàng hóa cũng như năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam?
Kết quả tính toán các chỉ số thương mại của Việt Nam cho thấy, nước ta có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như giày dép, chè và cà phê, hàng mây tre, quần áo và may mặc.
Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có độ tương đồng khá cao với các đối tác như ASEAN, Trung Quốc, RCEP, CPTPP. Mức độ tương đồng xuất khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn kể từ năm 2008 đến nay.
Chỉ số Cường độ thương mại sang thị trường CPTPP, ASEAN, RCEP đều cho thấy tầm quan trọng và tiềm năng của các thị trường này đối với Việt Nam.
Hàng hóa xuất khẩu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhập khẩu của hầu hết các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Mỹ…
Trong các lĩnh vực thu hút FDI, dịch vụ tài chính, lao động việc làm, môi trường đầu tư cũng đã bắt đầu có sự chuyển dịch tích cực.
Tuy nhiên, khả năng tận dụng ưu đãi trong CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn, còn nhiều dư địa để cải thiện.
Hiệu quả thực thi cũng như khả năng mức độ tận dụng khai thác đến đâu phụ thuộc rất lớn vào năng lực của các doanh nghiệp trong nước.
Chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm gì từ CPTPP để tới đây, việc thực thi EVFTA thực sự mang lại lợi ích cho doanh nghiệp?
Ðiều quan trọng nhất rút ra từ quá trình thực thi CPTPP là phải thực sự hiểu chúng ta muốn gì trong dài hạn, hiểu về chính nội tại phát triển của đất nước, để trên cơ sở đó đưa ra hình dung mảnh ghép CPTPP, EVFTA và các cơ chế hợp tác khác phù hợp với bức tranh phát triển tổng thể của Việt Nam như thế nào.
Nếu chỉ nhìn các hiệp định này ở góc độ thực hiện các cam kết đầy đủ, đúng thời hạn, có lẽ việc hưởng lợi với các doanh nghiệp Việt Nam rất khó được kịp thời, chưa kể cái chúng ta kỳ vọng nhiều nhất là cải cách thể chế của CPTPP và EVFTA.
Chỉ với tinh thần chủ động thực hiện vì lợi ích dài hạn của Việt Nam như vậy thì mới đi được những bước đi cụ thể.
Bước đầu tiên là nâng cao thông tin nhận thức cho doanh nghiệp. Mặc dù trong giai đoạn vừa qua Chính phủ tích cực truyền thông để nâng cao nhận thức và sự chuẩn bị của doanh nghiệp với việc thực thi CPTPP, song thực tế, nhận thức của doanh nghiệp về hiệp định này vẫn chưa đầy đủ.
Thứ hai là việc tổ chức mạng lưới cung ứng để thực hiện các hiệp định này. Rõ ràng, tận dụng ưu đãi cũng đòi hỏi đáp ứng yêu cầu về xuất xứ.
Yêu cầu xuất xứ không thể có được nếu doanh nghiệp không chủ động về nguồn hàng, không có quan hệ đối tác, không xây dựng hệ thống thông tin giải trình để đảm bảo những thông tin đưa ra được đối tác ghi nhận và công nhận.
Thứ ba là phải xây dựng chính sách tổng thể của Việt Nam.
Nếu nhìn nhận việc thực hiện CPTPP và EVFTA gắn với bình diện phát triển của Việt Nam thì các chính sách đi kèm phải phát triển được các ngành sản xuất phù hợp, xây dựng biện pháp kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể lớn lên trong sự phát triển hài hòa với các doanh nghiệp FDI.
Chúng ta cần nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng cần họ tạo cơ hội hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam cùng lớn lên, cùng chia sẻ, cùng hưởng lợi.