Thưa ông, sau quá trình tiếp thu, giải trình các ý kiến đóng góp vừa qua, cơ quan soạn thảo Luật Quy hoạch đã chuẩn bị như thế nào trước kỳ họp Quốc hội lần 3 này?
Luật Quy hoạch là một trong những dự luật rất khó, do mang tính tổng hợp đa ngành. Vì vậy, trong quá trình soạn thảo và hoàn thiện Luật, chúng tôi luôn nhất quán phương pháp tích hợp ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực có liên quan.
Nhiều chuyên gia đã đồng hành với chúng tôi trong suốt 6 năm qua và cho đến thời điểm này, sau khi Dự thảo Luật được tiếp thu, hoàn thiện và chuẩn bị đưa ra trình Quốc hội, các ý kiến đóng góp của chuyên gia được đặc biệt coi trọng và chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu để cùng trao đổi.
Về những ý kiến phản biện, hay ý kiến khác, trong quá trình tiếp thu, giải trình, cùng với cơ quan thẩm tra, chúng tôi đã chuẩn bị tốt các dữ liệu, thông tin để làm rõ điều này. Đặc biệt, những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội đưa ra tại Kỳ họp thứ 2 đã được cơ quan soạn thảo và thẩm tra nghiên cứu, phân tích và tiếp thu, nếu vấn đề nào chưa rõ thì tiếp tục giải trình để các đại biểu rõ, mục đích là để đạt được sự đồng thuận thông qua Luật.
Liên quan đến vướng mắc với Bộ Xây dựng thời gian gần đây, đâu là cơ sở lập luận quan trọng nhất mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đưa ra để làm rõ và thuyết phục cho quan điểm của mình?
Thực tế, vấn đề còn chưa được Bộ Xây dựng đồng thuận ở đây là Luật Quy hoạch có thể sẽ tác động tới hơn 13.000 quy hoạch xây dựng đã có. Về khúc mắc này, tôi xin nói rõ, cơ quan soạn thảo đã có sự phân định rất rõ ràng.
Ông Vũ Quang Các
Chẳng hạn, các nội dung quy hoạch vùng, liên huyện, tỉnh, nội dung được tích hợp trong các quy hoạch về vùng tỉnh, còn các quy hoạch đô thị là quy hoạch đặc thù trong 13.000 quy hoạch, hay các bản quy hoạch chi tiết phân khu đô thị vẫn được giữ nguyên điều chỉnh trong quy hoạch đô thị. Luật Quy hoạch sẽ không động chạm đến quy hoạch đô thị, do đó sẽ không tác động tới các quy hoạch này.
Luật Quy hoạch được xây dựng theo thông lệ quy hoạch tại các nước hiện nay. Theo đó, hiện tồn tại 2 loại quy hoạch là quy hoạch không gian lãnh thổ và hệ thống quy hoạch đô thị nông thôn. Với cách thức kế thừa tích hợp như đã nêu ở trên, 13.000 bản quy hoạch đang tồn tại hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi Luật Quy hoạch.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch cũng đưa ra nguyên tắc được kế thừa. Do đó, có thể khẳng định rằng, các vấn đề Bộ Xây dựng nêu ra đều được giải quyết.
Về một vài quan điểm chưa thực sự thống nhất của một số cơ quan quản lý khác, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ xử lý ra sao, thưa ông?
Do Luật Quy hoạch là luật tích hợp đa ngành, nên quan điểm của các bộ, ngành khác nhau là điều dễ hiểu. Song về tổng thể, chúng tôi một lần nữa khẳng định, Luật Quy hoạch không nhằm bỏ đi quyền lực của cơ quan quản lý khác, mà hướng tới lợi ích tổng thể của quốc gia.
Cách đặt vấn đề trước đây là các bản quy hoạch được từng ngành lập riêng rẽ, không gắn kết. Vậy thì bây giờ ta ngồi lại với nhau, cùng thể hiện nội dung quy hoạch ngành mình trên cùng một bản quy hoạch tổng thể, cùng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột. Đặc biệt là tính toán lợi ích phát triển, để xem việc đưa ra đề xuất có gây mâu thuẫn, xung đột lợi ích ngành nào không? Theo đó, lợi ích nào là cốt lõi sẽ được lựa chọn, nhằm đảm bảo lợi ích tối đa cho lãnh thổ và quốc gia.
Nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về việc sửa 32 luật khi áp dụng Luật Quy hoạch, ông có thể lý giải cụ thể hơn về vấn đề này?
Khi Luật mới ra đời, vì một lĩnh vực có thể bị chi phối bởi nhiều luật, nên để giải quyết xung đột, chắc chắn phải sửa luật để tạo sự đồng bộ. Trong việc sửa 32 luật, có luật chỉ phải sửa 1 mục hay điều khoản, có luật sửa quy định trình tự thủ tục, loại quy hoạch...
Vì vậy, để nghiên cứu đầy đủ, chúng tôi có kiến nghị lùi lại việc này đến các kỳ họp sau, với giải pháp sẽ dùng 1 luật để sửa 32 luật. Như vậy, chúng tôi có thêm thời gian nghiên cứu các điều khoản cần sửa và sửa các điều khoản liên quan đến nhau, chứ chưa đề xuất sửa ngay cả 32 luật. Với thời gian như vậy, hoàn toàn có thể hoàn thành việc xây dựng 1 luật sửa 32 luật đảm bảo chất lượng.