Hiện nay, các ngành đều được giao làm quy hoạch ngành và sau đó ở một số ngành xuất hiện việc ngành phối hợp với doanh nghiệp lớn trong ngành đó lập quy hoạch. Đây chính là điểm hở để ngành đó và doanh nghiệp đó cài cắm các điều khoản quy định có lợi cho mình vào quy hoạch, dẫn đến tình trạng xin cho dự án đầu tư khá tùy tiện, rồi cả tình trạng dự án “vào - ra” quy hoạch một cách thiếu căn cứ, cơ sở khoa học…
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh
Cũng vì như vậy nên chúng ta mới có những quy hoạch rất phi thị trường, ví dụ quy hoạch sản xuất bia, sản xuất phân bón, ô tô, thép… Sản xuất bao nhiêu, cung cầu trên thị trường sẽ quyết định, đó là chưa kể việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại song phương và đa phương. Chẳng hạn, thuế suất thuế nhập khẩu bia từ các nước trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) giảm xuống 0% thì doanh nghiệp trong nước có thành lập mới để sản xuất được không?
Quy hoạch còn phải tính đến những yếu tố như xu hướng ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin trên thế giới. Đơn cử, nếu các loại hình nhiên liệu khác ngoài điện xuất hiện phong phú, ví dụ pin năng lượng mặt trời, thì sẽ tác động đến quy hoạch ngành điện như thế nào?
Cách làm trước đây của chúng ta là từng bộ, từng ngành làm những quy hoạch riêng của mình để thực hiện chiến lược phát triển các ngành mình quản lý. Về lý thuyết, các bộ, ngành chủ quản xây dựng bản quy hoạch phải lấy ý kiến của các bộ, ngành khác. Nhưng thực tế cho thấy, sự tham gia ý kiến của các bộ, ngành khác hầu như rất ít và thường không đầy đủ, không có sự phản biện tranh luận để có sự phân bổ sử dụng tối ưu các nguồn lực đất đai, tài nguyên của đất nước, dẫn đến khi thực hiện thường chồng chéo, mâu thuẫn. Những bản quy hoạch như vậy không sát với thực tế cuộc sống của người dân, doanh nghiệp nên xảy ra tình trạng sửa quy hoạch khá tùy tiện và không có thông tin giải trình.
Dư luận lâu nay không khỏi thắc mắc về những trường hợp vi phạm trong quy hoạch đất đai, xây dựng, hoặc những trường hợp doanh nghiệp được điều chỉnh quy hoạch khác rất xa so với quy hoạch ban đầu, nhưng không được làm rõ căn cứ nào để dẫn đến sự thay đổi đó. Cũng vì thực tế như vậy mà người dân, Nhà nước, doanh nghiệp đều gặp khó khăn trong việc xây dựng chiến lược, triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh, có kế hoạch chuẩn bị các nguồn lực dài hạn.
Trên thực tế, không ít lần khi triển khai, chạm vào các bản quy hoạch, các bên liên quan mới thấy sự mâu thuẫn, chồng chéo, thậm chí trái ngược. Một doanh nghiệp bức xúc chia sẻ, doanh nghiệp đã lên kế hoạch chiến lược liên kết với nông dân, tập hợp họ lại để triển khai vùng nguyên liệu mía nhằm đưa các giải pháp khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào gia tăng năng suất cây trồng, thì huyện lại có thông báo quy hoạch nhà máy sắn ở tại vùng nguyên liệu kia.
Do tất cả các bản quy hoạch đều có tính pháp lý ngang nhau nên người dân và doanh nghiệp ở thế tiến thoái lưỡng nan, không biết phải làm như thế nào. Dân băn khoăn không dám gom đất liên kết lại để lập vùng nguyên liệu mía, doanh nghiệp cũng không dám đầu tư lớn. Ấy vậy mà 5 năm đã trôi qua, đất để sản xuất manh mún, còn nhà máy sắn không có doanh nghiệp nào dám đầu tư nên quy hoạch trên vẫn là quy hoạch treo. Một sự lãng phí khó có thể kể xiết.
Tôi rất tán đồng việc xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch. Theo đó, chúng ta sẽ có một quy hoạch tổng thể quốc gia, được xây dựng một cách khoa học để nhìn một cách đại cục, hài hòa các quy hoạch nhỏ hơn trong một chỉnh thể thống nhất, tránh được mâu thuẫn và chồng chéo. Việc luật hóa công tác quy hoạch còn tránh được tình trạng xin - cho, đưa vào, đưa ra khỏi quy hoạch một cách tùy tiện. Điều quan trọng mà bản dự thảo luật phải tính đến là đưa ra các quy định nghiêm ngặt và cơ chế giải trình mỗi khi phải điều chỉnh quy hoạch trong từng cấp. Minh bạch hóa từ khâu lập kế hoạch quy hoạch và tuân thủ các nguyên tắc thị trường, tạo dư địa cho sự điều chỉnh hợp lý, đón đầu được sự thay đổi của tương lai, chúng ta sẽ từng bước hạn chế được lãng phí các nguồn lực quốc gia.