Luật chưa bao quát hết các thành phần tham gia
Ông Doãn Thanh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính
Bên cạnh kết quả đạt được từ việc triển khai Luật Kinh doanh bảo hiểm giai đoạn 2000 - 2017, đó là tạo cơ sở pháp lý cho thị trường bảo hiểm ngày càng phát triển, tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu, nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ và tạo cơ sở, nền móng cho thị trường bảo hiểm hội nhập quốc tế, thì vẫn còn những khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, phạm vi điều chỉnh của Luật chưa bao quát hết các thành phần tham gia, cần bổ sung tổ chức cung cấp dịch vụ bổ trợ; một số khái niệm cần được sửa đổi, bổ sung như bảo hiểm kỹ thuật số, bảo hiểm vi mô; bổ sung tổ chức cung cấp dịch vụ; một số quy định tại Chương hợp đồng bảo hiểm cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu của thị trường và thống nhất với các luật liên quan.
Quy định về vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm cần tăng tính chủ động cho doanh nghiệp. Hoạt động của doanh nghiệp đang ngày càng phát triển, chịu tác động rủi ro hỗn hợp của thị trường tài chính, đầu tư, công nghệ, môi trường. Thực tế, các nước trên thế giới đã chuyển dần sang mô hình quản lý giám sát trên rủi ro (Solvency II ở châu Âu, Bắc Mỹ, còn châu Á theo RBC - đánh giá vốn dựa trên rủi ro).
Ngoài ra, cần có quy định về đại lý tổ chức, hoàn thiện các quy định thi và cấp chứng chỉ đại lý nhằm nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của kênh phân phối bảo hiểm.
Nhiều nội dung cần tiếp tục được sửa đổi, bổ sung
Ông Bùi Gia Anh, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Luật Kinh doanh bảo hiểm được Quốc hội ban hành năm 2000 và được sửa đổi, bổ sung năm 2010 cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã tạo ra hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để các bên liên quan như doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm… cùng thực hiện hoạt động bảo hiểm, đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của các bên.
Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 đã tạo điều kiện cho một loạt doanh nghiệp bảo hiểm được thành lập và thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này. Trước thời điểm Luật có hiệu lực, thị trường chỉ có 15 doanh nghiệp bảo hiểm và đến nay, con số này đã là 50 doanh nghiệp. Quy mô thị trường cũng tăng đáng kể từ 3.174 tỷ đồng năm 2000 lên 107.574 tỷ đồng năm 2017. Tỷ trọng phí bảo hiểm/GDP cả nước tăng từ 0,72% năm 2000 lên 2,4% năm 2017.
Thực tế, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 được xem là một luật khá ổn định, lâu đời nếu so với các luật chuyên ngành khác. Dẫu vậy, Luật có những nội dung cần tiếp tục được sửa đổi, thay thế, bổ sung nhằm bắt kịp với xu thế thay đổi hiện tại.
Chẳng hạn, cần xem xét bổ sung những nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm như nguyên tắc trung thực tuyệt đối, nguyên tắc số đông, nguyên tắc bồi thường; bổ sung một số khái niệm, một số nghiệp vụ bảo hiểm như vệ tinh, rủi ro tài chính, bảo lãnh. Ngoài ra, cần bổ sung một số nghiệp vụ bảo hiểm bắt buộc theo các quy định của pháp luật; bổ sung quy định về gian lận bảo hiểm…
Hoạt động đầu tư của khối bảo hiểm phi nhân thọ cần được chủ động, linh hoạt hơn
Ông Lương Tiến Dũng, Giám đốc Tài chính, Tổng công ty Bảo hiểm Bảo Việt
Bảo hiểm phi nhân thọ không phải là kênh tập trung nguồn vốn từ xã hội phục vụ đầu tư như bảo hiểm nhân thọ hay bảo hiểm xã hội. Vì vậy, cần cho phép hoạt động đầu tư của khối bảo hiểm phi nhân thọ được chủ động, linh hoạt hơn cả về thời hạn và loại hình tài sản đầu tư.
Nguồn vốn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là quyền lợi chung của các chủ hợp đồng và doanh nghiệp bảo hiểm, nên các chính sách quản lý cần cho phép doanh nghiệp khối này được chủ động, linh hoạt hơn trong việc xác định và phân chia chi phí, lợi ích giữa các bên, giữa các hoạt động trong doanh nghiệp.
Cần xây dựng chiến lược/lộ trình đánh giá vốn dựa trên rủi ro
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính
Tại các thị trường mới nổi, các quy định quản lý thị trường bảo hiểm đang tiếp tục được hoàn thiện, hướng tới chuẩn mực quốc tế. Hầu hết mô hình quản lý vốn theo quy mô hoạt động và rủi ro kinh doanh hiện đang được các nước châu Á áp dụng đều đòi hỏi sử dụng mô hình dòng tiền và việc định giá tài sản dựa trên giá trị thị trường.
Những mô hình này khó áp dụng trong điều kiện Việt Nam hiện nay do chế độ kế toán vẫn sử dụng giá trị ghi sổ. Tuy nhiên, Việt Nam có thể học tập Nhật Bản trong xây dựng chiến lược/lộ trình đánh giá vốn dựa trên rủi ro (RBC).