Bảo hiểm xã hội, chỉ nên quy định mức đóng tối thiểu

(ĐTCK) Thời gian gần đây, giới ngân hàng xôn xao trước thông tin liên quan tới một điều luật về bảo hiểm xã hội nằm trong Bộ luật Hình sự năm 2015 - Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Nhìn lại thì điều luật này không có gì bất cập, nhưng vấn đề lại nằm ở các quy định về bảo hiểm xã hội đang tạo thành con đường trắc trở dẫn tới quy định pháp luật này.
Bảo hiểm xã hội, chỉ nên quy định mức đóng tối thiểu

Khi nào thì vi phạm bảo hiểm xã hội bị xử lý hình sự?

Nếu phân tích kỹ quy định tại Điều 216, Bộ luật Hình sự năm 2015, cá nhân, pháp nhân thương mại sẽ bị coi là phạm tội khi có đủ bốn dấu hiệu cấu thành tội phạm: thứ nhất, có hành vi gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế hay bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; thứ hai, thời gian không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên; thứ ba, số tiền trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng trở lên hoặc trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người lao động trở lên; thứ tư, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Điều luật còn có những khung tăng nặng cho việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ở quy mô phạm tội lớn hơn, với mức phạt tù đến 7 năm, phạt tiền đến 3 tỷ đồng.

Một điều luật hình sự hình thành nhằm bao bọc cho sự an toàn thanh khoản của Quỹ Bảo hiểm xã hội. Sẽ không ai phàn nàn về sự tồn tại của nó, nếu như giới ngân hàng và cả cộng đồng doanh nghiệp không phải đối mặt với những rủi ro từ sự bất cập trong cơ chế đóng bảo hiểm.

Bất cập và giải pháp

Theo quy định của pháp luật, các khoản chi phí nghĩa vụ bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chiếm tới 32,5% tổng quỹ lương đóng bảo hiểm xã hội của ngân hàng, cụ thể: 26% cho khoản chi bảo hiểm xã hội (ngân hàng đóng 18%, nhân viên đóng 8%), 4,5% cho khoản chi bảo hiểm y tế (ngân hàng đóng 3%, nhân viên đóng 1,5%), 2% cho khoản chi bảo hiểm thất nghiệp (ngân hàng đóng 1%, nhân viên đóng 1%).

Tỷ lệ 32,5% là yếu tố cố định, vấn đề tạo nên sự bất hợp lý chính là cách xác định mức thu nhập để đóng bảo hiểm cho người lao động.

Trong cấu trúc thu nhập của nhân viên ngân hàng thường có sự phân tách các phần thu nhập và hầu hết ngân hàng chỉ xác định đóng bảo hiểm trên một phần thu nhập của nhân viên. Tuy nhiên, đấy là mong muốn và cách triển khai đóng bảo hiểm của ngân hàng cùng nhiều doanh nghiệp, còn pháp luật quy định ra sao?

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, từ ngày 1/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động. Nếu hiểu theo quy định trên, hầu như toàn bộ thu nhập của nhân viên ngân hàng sẽ bị coi là tiền lương tháng đóng bảo hiểm.

Vậy nhưng, việc đóng bảo hiểm chỉ trên một phần thu nhập của nhân viên vẫn là một điều thực tế hiển nhiên tồn tại trong lĩnh vực ngân hàng cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất, quy định về mức đóng bảo hiểm theo quy định hiện nay theo cách cố định mức trần thu nhập người lao động làm căn cứ. Với cách xác định như vậy, chi phí nhân viên của ngân hàng và doanh nghiệp sẽ phình ra rất lớn, buộc ngân hàng, doanh nghiệp phải lựa chọn một trong hai giải pháp, đều là tiêu cực: hoặc giảm các mục tiêu tăng trưởng bằng cách cắt việc làm, bớt nhân sự, hoặc đóng bảo hiểm trên một phần thu nhập người lao động.

Thứ hai, cả ngân hàng, doanh nghiệp lẫn người lao đồng đều nhìn nhận các khoản đóng bảo hiểm mang chi phí nghĩa vụ chứ không phải chi phí thiết thực. Chỉ có những khoản chi tạo nên sự thụ hưởng trực tiếp cho người lao động mới được cả người quản lý và nhân viên ngân hàng xác định là chi phí thiết thực như chi lương, chi thưởng, chi đào tạo tập huấn nghiệp vụ, chi cho cán bộ nhân viên đi nghỉ ngơi, vui chơi…

Đối với những khoản chi này, cả ngân hàng và nhân viên ngân hàng đều nhận thấy sẽ mang lại hiệu quả trong năng suất lao động và kết quả kinh doanh. Ngược lại, đối với những khoản chi phí nghĩa vụ như tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp..., nhiều người lao động lo âu về những yếu tố khác biệt trong sự phân biệt quyền lợi hưởng bảo hiểm giữa công dân và công chức, về sự bất định trong việc liên tục gia tăng tuổi đóng bảo hiểm xã hội, mức thụ hưởng bảo hiểm xã hội khi hưu trí…

Bất cập nêu trên đang tạo ra một con đường trắc trở đưa các doanh nhân, người quản lý ngân hàng đến gần điều luật hình sự về tội trốn đóng bảo hiểm. Nghịch lý là nếu không muốn đi con đường đó, ngân hàng và nhiều doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn quay đầu trên con đường tăng trưởng.

Bởi lẽ, nguồn nhân lực là động lực cho sự tăng trưởng và cũng là thứ cần cắt giảm. Lấy mức lương tối thiểu hoặc thỏa thuận tự do làm căn cứ thu nhập đóng bảo hiểm, có lẽ đó chính là giải pháp hữu hiệu nhất cho cộng đồng ngành ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. 

Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc điều hành Công ty Luật BASICO

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục