Luật hoá quy định đấu giá biển số xe là rất cần thiết

0:00 / 0:00
0:00
So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này.
Phiên họp chiều 22/5 của Quốc hội. Phiên họp chiều 22/5 của Quốc hội.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc luật hoá quy định đấu giá biển số xe vào Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ là phù hợp và cần thiết.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 7, chiều 22/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

So với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, Dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý có 9 chương, 89 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp lần này.

Cần thiết mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô

Liên quan quy định về đấu giá biển số xe ô tô, báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phản ánh, đa số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện để bổ sung vào dự thảo Luật. Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng đấu giá với cả biển số xe tải, xe khách và xe mô tô.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã giao Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh có văn bản đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (tính đến hết tháng 2/2024), làm rõ tính khả thi, tính hiệu quả và đánh giá tác động việc bổ sung vào trong dự thảo Luật.

Tại phiên họp thứ 31 (tháng 3/2024), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng việc luật hóa nội dung đấu giá biển số xe; trường hợp luật hóa, cần có báo cáo kết quả thực hiện và đánh giá tác động đối với nội dung này. Thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 73 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Nhất trí với báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá việc thực hiện Nghị quyết trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này.

Trong 5 tháng đầu đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số xe ô tô, với tổng số tiền đấu giá thành là hơn 2.000 tỷ đồng và đã có 14.062 biển số xe ô tô trúng đấu giá, được khách hàng nộp với số tiền gần 1.400 tỷ đồng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc luật hoá quy định đấu giá biển số xe là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công.

Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng rất cần thiết. Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo Luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, lúc đó phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Luật mới được Quốc hội sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách.

Do dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản sẽ được Quốc hội thông qua trong cùng kỳ họp thứ 7, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng nội dung đấu giá biển số xe theo 2 phương án để gửi xin ý kiến. Phương án 1 là bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ; Phương án 2 bổ sung vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Đa số ý kiến nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án bổ sung 01 điều vào dự thảo Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ.

Việc này, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, là phù hợp.

Đề xuất trích tiền xử phạt cho cảnh sát giao thông

Tại báo cáo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết Chính phủ đề xuất bổ sung quy định liên quan đến việc Bộ Công an được trích một phần khoản tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính về Trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước, và được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Trước đó, tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách diễn ra từ 26 đến 28/3, đã bỏ đề xuất lực lượng cảnh sát giao thông được trích tối thiểu 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.

Việc tiếp tục đề xuất trích một phần khoản tiền xử phạt, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hàng năm, Bộ Công an được Quốc hội phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, trình tự, thủ tục thực hiện việc bố trí ngân sách từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn giao thông đường bộ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ quy định về nội dung này.

Do đó, trên cơ sở ý kiến đề xuất của Chính phủ, tham khảo quy định tương tự tại khoản 3 Điều 112 Luật Thanh tra năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung này vào khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật.

Theo đó, khoản 1 Điều 5 dự thảo luật có quy định nội dung về “Trích một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phục vụ công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát giao thông”.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục