Tiếp tục phiên họp thứ 31, sáng 15/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến hoàn thiện Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo, về quy định đấu giá biển số xe, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến đề nghị nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện để bổ sung vào dự thảo Luật quy định về đấu giá biển số xe ô tô; có ý kiến đề nghị nghiên cứu mở rộng đấu giá với cả biển số xe tải, xe khách và xe mô tô.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban đã có văn bản đề nghị Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô (tính đến hết tháng 2/2024); làm rõ tính khả thi, tính hiệu quả và đánh giá tác động việc bổ sung vào trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và thấy rằng việc thực hiện Nghị quyết số 73/2022/QH15 trong thời gian vừa qua đã đem lại kết quả tích cực, chứng minh được tính hiệu quả, tính khả thi của chính sách mới này.
Trong 5 tháng triển khai thực hiện đã tổ chức đấu giá trực tuyến thành công 15.185 biển số xe ô tô, với tổng số tiền đấu giá thành là 2.052.740.000.000 đồng và đã có 14.062 biển số xe ô tô trúng đấu giá được khách hàng nộp với số tiền 1.395.960.000.000 đồng; việc đấu giá biển số được dư luận xã hội rất quan tâm và đồng tình, ủng hộ.
Việc luật hoá quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, kết hợp với việc cấp và quản lý biển số xe theo mã định danh của chủ xe đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm số lượng giấy tờ khi đăng ký, công tác đăng ký xe, đáp ứng mục tiêu công dân số, Chính phủ số theo Đề án 06 của Chính phủ và khai thác, quản lý hiệu quả tài sản công. Việc mở rộng đấu giá biển số xe kinh doanh vận tải và xe mô tô là rất cần thiết.
Nếu không kịp thời đưa vào dự thảo Luật này mà chờ hết thời gian thực hiện thí điểm, tiến hành tổng kết, báo cáo Quốc hội thì lúc đó phải tiến hành trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Luật mới được Quốc hội sẽ gây tốn kém, lãng phí cả về thời gian và ngân sách, ông Tới nêu rõ.
Căn cứ đề xuất của Chính phủ, Thường trực cơ quan thẩm tra nêu 2 phương án để luật hóa nội dung đấu giá biển số xe.
Phương án 1: Bổ sung 1 điều vào dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ trên tinh thần kế thừa nội dung của Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe có điều chỉnh để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị quyết trên.
Phương án 2: Bổ sung nội dung đấu giá biển số xe vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với Phương án 1, vì đưa vào quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là phù hợp với ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu, phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ là luật chuyên ngành, sẽ quy định đầy đủ, cụ thể các nội dung về đấu giá biển số xe và tạo nên sự thống nhất với các quy định khác về biển số xe như quản lý phương tiện giao thông đường bộ, cấp, thu hồi chứng nhận đăng ký xe và biển số xe.
“Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh trân trọng đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép lựa chọn phương án 1 nêu trên”, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới báo cáo.
Nêu ý kiến thảo luận, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, Nghị quyết số 73/2022/QH15 mới thực hiện chưa được 1 năm nên cần đánh giá tác động kỹ hơn và nên luật hóa tại Luật Đấu giá tài sản thì phù hợp hơn.
Thảo luận tại Kỳ họp thứ sáu, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về điểm, trừ điểm giấy phép lái xe để nâng cao ý thức người lái xe.
Thường trực Ủy ban thẩm tra đã phối hợp với Cơ quan soạn thảo xây dựng dự thảo Điều 57 về điểm của Giấy phép lái xe theo hướng quy định các nguyên tắc về trừ điểm, khôi phục điểm. Đồng thời, giao Chính phủ ban hành quy định cụ thể thẩm quyền, căn cứ, trình tự, thủ tục thực hiện trừ điểm, phục hồi giấy phép lái xe; quy định cụ thể mức trừ điểm với các hành vi.