Cần giảm thủ tục gia nhập thị trường
Theo chương trình làm việc của Quốc hội, ngày 15/11 tới, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình Luật Doanh nghiệp sửa đổi và các đại biểu sẽ tiến hành thảo luận. Dự kiến, dự luật sẽ được thông qua trong năm 2020 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Gần 30 năm qua, pháp luật về doanh nghiệp đã có nhiều lần sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo ra môi trường thông thoáng, cởi mở, thuận lợi cho các doanh nghiệp thành lập và hoạt động. Nhờ đó, đội ngũ doanh nghiệp liên tục sinh sôi, nảy nở, ngày càng có đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.478.101 tỷ đồng. So với năm 2014 (trước khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi gần nhất có hiệu lực), số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 1,75 lần và số vốn đăng ký thành lập mới tăng 3,4 lần.
Tuy vậy, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ, chẳng hạn thủ tục gia nhập thị trường.
Gia nhập thị trường là toàn bộ quá trình từ khi nhà đầu tư bắt đầu thực hiện thủ tục đến lúc có thể tiến hành kinh doanh.
Quá trình này theo quy định hiện hành bao gồm 8 bước: đăng ký thành lập doanh nghiệp, khắc dấu, mở tài khoản ngân hàng, nộp thuế môn bài…, với khoảng 20 ngày làm việc, không kể ngày nghỉ và thời gian chờ.
“So với quốc tế, thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh ở Việt Nam vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí. Theo Ngân hàng Thế giới, năm 2019, nước ta được xếp hạng 104/190 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số khởi sự kinh doanh”, ông Hiếu cho biết.
Từ thực trạng trên, các chuyên gia và giới doanh nghiệp trông đợi trong lần sửa Luật Doanh nghiệp này sẽ tạo ra cuộc cải cách mới mạnh mẽ về cắt giảm thủ tục không cần thiết, nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài đề xuất bãi bỏ Điều 12 về thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, Ban soạn thảo còn đề nghị bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu quy định tại Điều 44, Luật Doanh nghiệp.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh, tiết kiệm thời gian, cơ quan soạn thảo đề xuất bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử. Theo đó, người thành lập doanh nghiệp có thể thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng với bộ hồ sơ điện tử, không phải nộp thêm bộ hồ sơ giấy như hiện nay...
Dẫu vậy, ý kiến từ chuyên gia cho rằng, để tạo bước tiến dài về cải cách thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh, nếu chỉ có sửa Luật Doanh nghiệp thôi là chưa đủ, mà đòi hỏi sự cải cách đồng bộ của quy định pháp luật có liên quan về thuế, lao động...
Luật mới cần cải thiện niềm tin của Nhà đầu tư
Theo tiếng nói từ những người trong cuộc, các quy định pháp lý hiện hành cũng như thực tiễn hiệu quả bảo vệ nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, nhà đầu tư ở Hà Nội phàn nàn, hiện cổ đông nhỏ bị chèn ép dưới nhiều hình thức như không được nhận thư mời họp đại hội cổ đông thường niên; cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp không cung cấp thông tin trước các nghi ngờ về sự điều hành bất minh, trục lợi của một số nhân sự chủ chốt tại doanh nghiệp, phớt lờ các kiến nghị, đề xuất của cổ đông nhỏ…
Tình trạng trên làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư không chỉ vào tính chuyên nghiệp, minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, mà cả thị trường chứng khoán.
Đó không chỉ là cảm nhận của nhà đầu tư, mà đánh giá của tổ chức uy tín quốc tế cũng cho thấy, Việt Nam còn yếu trong bảo vệ nhà đầu tư so với ngay các nước trong khu vực ASEAN.
Theo chấm điểm của Ngân hàng Thế giới tại Doing Business Report 2019, chỉ số về bảo vệ cổ đông, nhà đầu tư của Việt Nam tuy có sự cải thiện khi năm 2019 xếp hạng 89/190 quốc gia (so với thứ hạng 117 năm 2014, hạng 169 năm 2013), nhưng thứ hạng này thấp hơn nhiều so với Malaysia xếp hạng 2, Thái Lan hạng 15, Indonesia ở hạng 51...
Nội dung được đánh giá yếu nhất trong số các nội dung cấu thành cơ chế bảo vệ nhà đầu tư ở Việt Nam là các quy định về mức độ dễ dàng cho cổ đông kiện người quản lý công ty (đạt 2/10 điểm), trách nhiệm đền bù thiệt hại của người quản lý công ty trong ký kết các giao dịch với người có liên quan (đạt 4/10 điểm)…
Xếp hạng chỉ số khởi sự kinh doanh một số quốc gia. (Nguồn: World Bank: Doing business Report 2019)
Đối chiếu tiêu chí đánh giá trên với quy định hiện hành của Luật Doanh nghiệp, ông Hiếu chỉ ra một số bất cập và hạn chế cơ bản về bảo vệ cổ đông. Ví dụ như quy định cổ đông phải có thời gian sở hữu tối thiểu từ 10% cổ phần và trong 6 tháng liên tục mới có quyền đề cử người vào hội đồng quản trị.
Yêu cầu, điều kiện này là cao hơn so với thực tế đã dẫn đến khó khăn cho cổ đông, đặc biệt cổ đông mới của công ty thực hiện quyền của mình. Các cổ đông chưa thực sự thuận lợi trong khởi kiện người quản lý vi phạm trong điều hành công ty.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cổ đông hiện không có quyền tiếp cận các thông tin về giao dịch giữa công ty với người có liên quan, không được quyền tiếp cận các nghị quyết của hội đồng quản trị…
Do không có thông tin, cổ đông khó có thể khởi kiện và càng ít cơ hội khởi kiện thành công người quản lý khi họ vi phạm nghĩa vụ, trách nhiệm trong điều hành công ty.
Để khắc phục bất cập trên, Ban soạn thảo Luật Doanh nghiệp đề xuất mở rộng phạm vi quyền của cổ đông nhằm tạo điều kiện thuận lợi để họ bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời khởi kiện trong trường hợp người quản lý doanh nghiệp lạm dụng địa vị, quyền hạn gây thiệt hại cho công ty và cổ đông.
Theo đó, liên quan đến quyền tiếp cận thông tin của cổ đông, cơ quan soạn thảo đề xuất, cổ đông sở hữu 1% cổ phần có quyền tiếp cận các thông tin sâu, so với mức 10% sở hữu trong 6 tháng liên tục hiện nay.
Đề xuất trên đã nhận được ý kiến đồng tình từ nhiều nhà đầu tư, chuyên gia. Tuy nhiên, ở vị trí của đối tượng bị buộc phải cân bằng quyền lợi với nhà đầu tư, cổ đông, một số doanh nghiệp không đồng tình với hướng cải cách này vì cho rằng, việc này có nguy cơ chỉ cần nắm lượng cổ phần nhỏ là nhà đầu tư có thể vào “phá” doanh nghiệp.
Thế nhưng, ý kiến từ ban soạn thảo lại không cho là như vậy, bởi như ở Nhật Bản, nhà đầu tư chỉ cần sở hữu 1 cổ phiếu là có quyền yêu cầu cung cấp thông tin doanh nghiệp…
Gỡ khó cho chuyển đổi mô hình doanh nghiệp
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, quy định về chia, tách doanh nghiệp tại các Điều 192 và 193 Luật Doanh nghiệp hiện hành không bao quát hết các phương thức, trường hợp chia, tách doanh nghiệp trên thực tế.
Điều này dẫn đến hạn chế quyền, lựa chọn của doanh nghiệp trong tổ chức lại doanh nghiệp; gây khó cho doanh nghiệp trong thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký lại doanh nghiệp sau khi chia, tách doanh nghiệp.
Mặt khác, Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 với nhiều nội dung mới so với Luật Cạnh tranh năm 2005 liên quan đến sáp nhập và hợp nhất doanh nghiệp.
Trong khi đó, quy định tại Luật Doanh nghiệp được xây dựng dựa trên nội dung Luật Cạnh tranh 2005, nên không còn tương thích với quy định mới của Luật Cạnh tranh năm 2018.
Để khắc phục bất cập trên, hướng cải cách của Luật Doanh nghiệp được đề xuất là bổ sung các quy định có liên quan về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp để đảm bảo tương thích với quy định của Luật Cạnh tranh 2018.
Một điểm mới nữa được đề xuất khi sửa Luật Doanh nghiệp lần này là bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần, thay vì chỉ được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn như quy định hiện hành, nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty...
Cần có quy định rõ ràng về giảm vốn điều lệ
Luật sư Nguyễn Thị Quỳnh Anh, Giám đốc Công ty Luật InvestPro, Phó chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Tuy Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp có thể hoàn trả một phần vốn góp cho thành viên/cổ đông nếu công ty đã hoạt động 2 năm liên tục và sau khi hoàn trả vốn góp, công ty vẫn đảm bảo đủ thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính.
Thế nhưng, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sau khi điều chỉnh giảm vốn điều lệ theo quy định này, đã không hoàn trả được vốn góp cho nhà đầu tư.
Cụ thể, khi yêu cầu hoàn trả vốn từ tài khoản vốn đầu tư trực tiếp, các ngân hàng thương mại yêu cầu doanh nghiệp ngoài việc có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm vốn điều lệ, doanh nghiệp còn phải điều chỉnh cả vốn góp/vốn đầu tư trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp.
Trên thực tế, nhà đầu tư đã góp đủ và thực hiện đủ các khoản vốn đầu tư như ghi nhận trên giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và nhà đầu tư không có nhu cầu giảm vốn đầu tư của dự án. Do vậy, cũng không có căn cứ để thực hiện điều chỉnh vốn đã đăng ký tại giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Thêm nữa, sau một thời gian hoạt động ổn định, các công ty phát sinh tiền dư thừa từ hoạt động kinh doanh nên có nhu cầu giảm vốn và chuyển vốn về nước. Việc giảm vốn là quyền hợp pháp của doanh nghiệp.
Để khắc phục bất cập, đề nghị Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi, cũng như các văn bản dưới luật bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này để đảm bảo quyền chính đáng của doanh nghiệp.