Luật Dầu khí 2022: Kiểm soát kỹ để tránh "lỗ giả, lãi thật"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, Luật Dầu khí (sửa đổi) vừa ban hành có nhiều điểm mới nhằm tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư song cũng có chế tài đủ mạnh để kiểm soát hành vi chuyển giá.
Luật Dầu khí 2022: Kiểm soát kỹ để tránh "lỗ giả, lãi thật"

Tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí

Ngày 27/12, Báo Lao động phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Luật Dầu khí (sửa đổi) – Tạo cơ chế, chính sách thu hút đầu tư” nhằm giới thiệu những điểm mới, nội dung mang tính đột phá của Luật Dầu khí (sửa đổi).

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, Luật Dầu khí mới có 10 điểm đã thay đổi bao gồm cả sửa đổi và bổ sung, tạo ra 3 mục tiêu kỳ vọng như thúc đẩy, nâng cao hiệu quả và hiệu lực khai thác dầu khí.

Cụ thể, Luật mới có hẳn một chương về điều tra cơ bản nhằm đánh giá, tìm kiếm dầu khí, xác định rõ thẩm quyền, kinh phí, hình thức về điều tra cơ bản, thông qua thoả thuận với PVN; từ đó tạo cơ chế ưu đãi đặc biệt về thu hút đầu tư, cạnh tranh với các nước khu vực trong hoạt động dầu khí.

"Hoạt động dầu khí là một hoạt động rủi ro, cần có cơ chế tài chính. Đặc biệt, đối với mỏ dầu khí cận biên, chi phí điều tra cơ bản của Luật Dầu khí sửa đổi sẽ được tính từ nguồn sau thuế, nếu dự án không thành công thì được bù đắp bằng chi phí lợi nhuận sau thuế, bù đắp rủi ro trong hoạt động dầu khí", ông Hiếu nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Luật Dầu khí mới đã bổ sung chính sách ưu đãi đặc biệt áp dụng đối với các lô, mỏ dầu khí thông qua hợp đồng dầu khí nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí.

Theo ông Phan Đức Hiếu (bên phải), nội dung của Luật Dầu khí sửa đổi hoàn toàn khác biệt về nội dung, mục tiêu, mục đích thúc đẩy. (Ảnh: Đình Hải)

Theo ông Phan Đức Hiếu (bên phải), nội dung của Luật Dầu khí sửa đổi hoàn toàn khác biệt về nội dung, mục tiêu, mục đích thúc đẩy. (Ảnh: Đình Hải)

Theo đánh giá, Luật Dầu khí (sửa đổi) là khung pháp lý tổng quát cho ngành dầu khí; giảm bớt sự chồng chéo giữa các luật trong lĩnh vực này.

Đồng quan điểm, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính cũng cho rằng, Luật Dầu khí sửa đổi đã thay đổi nhiều về cách thức, tư duy làm luật mới, phù hợp thông lệ quốc tế và thực tiễn quản lý; tạo điều kiện giám sát, thăm dò dầu khí tốt hơn; huy động nguồn lực của PVN vào thăm dò, trên cơ sở đó đảm bảo chủ quyền an ninh quốc gia.

Theo ông Thịnh, các quy định về hợp đồng dầu khí thuận lợi hơn nhiều so với trước đây, giúp nhà thầu quốc tế dễ tiếp cận, từ đó dễ dàng đầu tư hơn.

Các quy định về tận thu vừa tận dụng được khả năng làm việc vừa đảm bảo chi phí, lợi ích mà các chủ thể khai thác đạt được, có các yêu cầu về miễn giảm, điều kiện cụ thể hoá; từ đó giúp cho nhà đầu tư yên tâm khai thác, đảm bảo hiệu quả hoạt động tận thu.

"Những quy định bổ sung hoàn thiện kế toán, kiểm toán cũng là bước tiến lớn so với trước đây; tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư trong các trường hợp rủi ro", ông Thịnh nhận xét.

PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính. (Ảnh: Đình Hải)

PGS TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính. (Ảnh: Đình Hải)

Về phía doanh nghiệp, bà Lê Việt Nga, đại diện Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cho biết, PVEP là doanh nghiệp chủ lực trong việc tìm kiếm, khai thác dầu khí của PVN trong thời gian vừa qua nhưng cũng không đạt như kỳ vọng cả về trữ lượng và phát triển các khu mỏ.

Với Luật Dầu khí sửa đổi năm 2022, PVEP đánh giá là có tác động lớn đến tháo gỡ thẩm quyền, thủ tục đầu tư, phân cấp thẩm quyền cho các cơ quan.

Trong đó, Tập đoàn PVN cũng được phân cấp dự án đầu tư về mặt quản lý hoạt động dầu khí, từ đó cải thiện ưu đãi đầu tư, các hợp đồng dầu khí sắp hết hạn, cơ chế tiếp nhận những hợp đồng có thời hạn, thẩm quyền triển khai các dự án dầu khí đồng bộ.

Bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư nếu hoạt động khai thác không đạt kỳ vọng

Báo chí yêu cầu làm rõ cơ chế của Luật để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư nếu hoạt động khai thác không đạt kỳ vọng.

Trả lời vấn đề này, ông Đoàn Văn Thuần, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam cho hay, Luật có những chính sách ưu đãi cho hoạt động điều tra cơ bản.

Đáng chú ý, có một điểm mới thuận lợi cho nhà đầu tư là khi có rủi ro, sẽ có cơ chế hạch toán chi phí thăm dò không thành công vào chi phí sản xuất kinh doanh.

Ông Đoàn Văn Thuần, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam

Ông Đoàn Văn Thuần, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế, Viện Dầu khí Việt Nam

Kiểm soát chuyển giá: Cần sự chặt chẽ của các văn bản dưới luật

Tại buổi Toạ đàm, một số ý kiến yêu cầu làm rõ vấn đề giám sát, thẩm định khai thác dầu khí, đặc biệt là vấn đề chống chuyển giá trong hoạt động khai thác dầu khí, tránh tình trạng "lỗ giả, lãi thật" làm thất thu ngân sách nhà nước.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu thông tin, Luật Dầu khí sửa đổi đã xác định rõ quy định về giám sát hoạt động khai thác dầu khí, từ đó xây dựng luật, chế tài phù hợp. Đối với doanh nghiệp, họ cũng mong muốn có điều luật đủ chặt chẽ để có lợi nhuận một cách chính đáng.

Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, những hoạt động thăm dò khai thác ở biển Đông lại càng khó khăn trong vấn đề thẩm định. Để phòng tránh trường hợp chuyển giá khiến "lỗ giảm, lãi thật", cần có thêm khuyến cáo nội bộ để tránh rủi ro xảy ra.

Trong khi đó, PGS TS Đinh Trọng Thịnh yêu cầu cơ quan Nhà nước, cơ quan thuế phải làm rất kỹ lưỡng các quy định liên quan đến chống chuyển giá. Đặc biệt, trong các hợp đồng dầu khí thì thuế sẽ phải nộp theo hợp đồng, sản lượng khai thác, sau khi nộp thuế rồi thì mới tính bù trừ chi phí trong quá trình khai thác. Như vậy, dù có lỗ thì doanh nghiệp vẫn phải nộp theo sản lượng khai thác.

Tọa đàm Luật Dầu khí sửa đổi: Tạo cơ chế, chính sách thu đầu tư

Tọa đàm Luật Dầu khí sửa đổi: Tạo cơ chế, chính sách thu đầu tư

Ngoài ra, một số ý kiến quan tâm đến lộ trình từ nay đến khi Luật có hiệu lực, cơ quan quản lý làm gì để chuẩn bị, thúc đẩy Luật đi vào thực thi có hiệu quả.

Ông Phan Đức Hiếu chia sẻ, cơ quan soạn thảo đang xây dựng các văn bản hướng dẫn sao cho đảm bảo tính kịp thời và thể chế hoá được tinh thần của Luật.

“Hiện các cơ quan của Chính phủ phải khẩn trương làm ngày, làm đêm để ít nhất trước 45 ngày Luật cho hiệu lực có Nghị định hướng dẫn”, ông Hiếu nói.

Lưu ý thêm, chuyên gia kinh tế cho rằng những văn bản dưới luật cần có sự chặt chẽ hơn, cụ thể hơn, để tránh kẽ hở cho sự lạm dụng ảnh hưởng an ninh quốc gia, cho tham nhũng, hay các ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư.

Ví dụ, trong nhiều nội dung của Luật mới chỉ áng chừng, khó hình dung, do đó nghị định, thông tư cần có nội dung để loại trừ những trường hợp không mong muốn xảy ra.

Ngoài ra, cần điểm danh những hành vi nghiêm cấm do trong Luật sửa đổi vẫn chưa đầy đủ; nên bổ sung những hành vi nhận diện, lợi dụng, tiếp tay cho hành vi vi phạm...

Luật Dầu khí (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 vào tháng 11/2022.

Luật gồm 11 chương, 69 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, được kỳ vọng sẽ tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động dầu khí, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an ninh năng lượng và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục